Thế giới & Brexit: Sự sụp đổ của những giá trị cơ bản
- Brexit: Nỗi sợ hãi của công chúng và toan tính riêng của chính trị gia
- Khủng hoảng Brexit trầm trọng hơn khi Anh có nguy cơ mất Scotland
- Có hay không Brexit, tuyển Anh vẫn “vô đối” ở EURO
- Nhiều nước muốn “nối gót” Anh sau Brexit
- Brexit tác động tới kinh tế Việt Nam như thế nào?
Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn đưa ra rất nhiều kiến giải xoay quanh sự phân cực đối lập trong xã hội Anh để từ đó dẫn tới một cuộc trưng cầu dân ý liên quan đến việc nước Anh có nên ở trong EU nữa hay không.
Những phân cực đối lập quan điểm đó có thể giữa người có trình độ và người ít học vấn; có thể là giữa người đô thị với người ngoại ô, nông thôn; có thể giữa người Anh miền Bắc với người Anh miền Nam; có thể là giữa những thanh niên trẻ trung năng động của thời đoạn toàn cầu hoá với những người trung niên và lão thành trong xã hội, vốn dĩ bị mặc định xem là ít cập nhật…
Kỳ thị người nhập cư ở Newcastle |
Mọi lý giải đều có lý của nó nhưng để đi đến lý giải cuối cùng, chúng ta cần phải chờ đợi thêm thời gian, và quan sát biến động của nước Anh, cũng như của cả thế giới.
Thực tế, EU chính là một mô hình mơ ước về một siêu nhà nước, gợi từ cảm hứng phục hưng lại giá trị của đế chế La mã đã từng một thời bao trùm lục địa già. Đó là một cảm hứng muốn trở lại cầm nắm ngọn cờ đầu của châu Âu, trở thành trung tâm của châu Âu mà Charles de Gaulle ấp ủ ở thời hậu Thế chiến II.
Nhưng kéo theo thời gian, sự chậm trễ chuyển mình của Pháp đã khiến họ mất vị thế số 1 vào tay người Đức. Về kinh tế, Pháp cũng không thể so với Anh và quay đi quay lại, thứ duy nhất để Pháp đứng ngang hàng đối thủ phía bên kia eo biển Manche chỉ còn là tiềm năng quân sự.
Và bây giờ, khi Brexit bắt đầu dần thành hình, người Pháp bắt đầu ý thức được mình cần cải cách để xây dựng lại uy tín đế quốc của mình bằng cách phải tái cơ cấu lại bộ máy EU một cách hiệu quả. Nhưng cũng nhiều người trong số họ, đặc biệt là đảng Mặt trận quốc gia của bà Marine Le Pen, đã coi đó là cảm hứng mới để nghĩ đến kịch bản rời khỏi EU, như một cách để Pháp có thể trở lại một cách ngoạn mục như một cường quốc số 1 của Âu châu.
Tại sao trong khi nhiều người Anh cảm thấy tiếc nuối nếu như quốc gia của họ rời khỏi EU thì lại có những quốc gia khác tồn tại những người hào hứng theo chân người Anh, với cái gọi là “để xây dựng lại quốc gia lần nữa”?
Và tại sao, cùng trong một chính đảng với nhau, như trường hợp của Boris Johnson và David Cameron, lại vẫn có những người đối kháng nhau về quan điểm nên ở lại hay rời khỏi EU? Có lẽ, nó đã vượt qua các mâu thuẫn chính trường thông thường và đạt tới tầm vóc của mâu thuẫn về giá trị cơ bản?
Điều đó có lý lắm chứ, nếu chúng ta “dạo qua” tình hình nước Anh sau Brexit và điểm lại thực tế chính trị toàn cầu để soi từ bản chất và đúc rút ra một bản chất ở cấp độ giả thuyết.
Vài ngày sau cuộc trưng cầu, nỗi âu lo về những thay đổi lớn ảnh hưởng tới đời sống, những luyến tiếc của “một thời châu Âu” không chỉ là phản ứng đáng chú ý của người Anh.
Đã bắt đầu có những phản ứng khác, đáng quan ngại hơn, và tương đồng hơn với những diễn biến trên thế giới gần đây. Đó chính là phản ứng của chủ nghĩa quốc gia cực đoan, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và thậm chí là dấu hiệu trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít mới.
Người Ba Lan nhập cư bị hành hung |
Hôm chủ nhật vừa rồi, ở vùng Tyneside, Đông Bắc Anh, mà cụ thể là thành phố Newcastle, đã có những nhóm đầu trọc chăng biểu ngữ “Hãy ngăn nạn nhập cư. Bắt đầu quay về nước đi”.
Những người cầm biểu ngữ ấy biểu thị sự giận dữ đối với những người không-phải-người-Anh và báo chí Anh thậm chí còn đưa tin về một người Pakistan theo đạo Sikh đã bị những công dân Anh da trắng mắng thẳng vào mặt giữa phố đông rằng “Bọn tao đã rời EU rồi. Sao mày không cút về Pakistan đi”. Không thể phủ nhận, chính sự giận dữ ấy đã nuôi dưỡng cho 17 triệu ý kiến biểu quyết “Rời EU”.
Song, đó chưa phải là đỉnh điểm của hận thù chủng tộc. Ở Hammersmith, chỉ sau một đêm, trung tâm văn hóa Ba Lan đã bị phủ đầy những graffiti đòi đuổi người Ba Lan về nước và thậm chí còn có cả những bảng chữ kỳ thị đậm chất như "Rời EU. Không còn bọn sâu bọ Ba Lan thêm nữa".
Và sáng chủ nhật, rất nhiều người Anh đã tụ tập ở đó, hành hung đã xảy ra với người Ba Lan mà bức ảnh hai cha con người Ba Lan nhập cư khuôn mặt đầy máu đã nói lên tất cả.
Đang bắt đầu một làn sóng, như một chiến dịch thanh tẩy, nhắm thẳng vào người Ba Lan và người Hồi giáo là chủ yếu nhưng những công dân từ các quốc gia khác, chủng tộc khác cũng không phải là những ngoại lệ của nạn kỳ thị này.
Bảng chữ kỳ thị người Ba Lan ở Hammersmith |
Cách đây chỉ 6 tháng thôi, cụ thể là tháng 1/2016, cuốn Mein Kapf của Hitler đã được tái bản ở Đức lần đầu kể từ 1945 sau nhiều năm tranh cãi. Dù bản tái bản ấy có chú thích cặn kẽ, để tránh người đọc bị sa vào sự mê muội của chủ nghĩa phát xít, nhưng nó vẫn khiến nhiều người cảm thấy e sợ thực sự.
Và cũng chỉ hơn 1 tháng trước thôi, ở Ý, chuyện người ta phát hành Mein Kampf như một bản tặng kèm cũng đã gây nhiều tranh cãi. Cuốn sách ấy rồi sẽ được phát tán, khi chủ nghĩa hận thù chủng tộc đang khát nó như khát một nguồn động lực. Và nó nhắc lại chúng ta những gì? Chẳng có gì ngoài 4 tiếng “Không gian sinh tồn”.
Phát xít mới ở Mỹ |
Vậy thì, phải chăng nỗi lo sợ người nhập cư sẽ lấy cơ hội công ăn việc làm của người bản xứ ở vụ Brexit thực tế chỉ là một lý do mỏng manh, trong khi lý do chính yếu nhất phải là một ý thức hệ đã được hình thành về cạnh tranh chủng tộc và không gian sinh tồn, đúng như những gì mà Hitler từng rao giảng?
Ngước nhìn qua nước Mỹ, với những động thái của Donald Trump, sự trỗi dậy của KKK và Neo-Facism cùng vụ xô xát mới đây giữa những người dân bình thường với những kẻ phát xít mới trong buổi tuần hành hợp pháp của chúng ở Sacramento, chúng ta sẽ hiểu thế giới đang đi theo chiều hướng nào.
Cùng với sự lên ngôi của chủ nghĩa “Đại Slavs” ở Đông và Trung Âu, với sự kỳ thị nhắm vào người Hồi giáo, người châu Á, châu Phi và Cacausus, chúng ta nhận ra rằng chủ nghĩa cực đoan đã bắt đầu lên ngôi.
Phát xít mới ở Mỹ |
Boris Johnson, thủ lĩnh của Brexit và David Cameron, người muốn ở lại với EU, đều cùng chung 2 thứ. Họ đều là người của đảng Bảo thủ, đều thần tượng thủ tướng Anh Benjamin Disraeli (1804-1881), người tạo nền tảng lớn lao cho đảng Bảo thủ.
Disraeli có cuốn tiểu thuyết chính trị nổi danh mang tên “Bà đồng hay là chuyện hai quốc gia” mà trong đó, ông hình dung ra ngay trong chính lòng Vương quốc Anh sẽ tồn tại hai đất nước, một của người giàu và một của người nghèo mà “giữa họ không có sự giao tiếp và đồng cảm nào”.
Và có lẽ, bây giờ, họ thấu hiểu hơn ai hết đang có hai đất nước trong lòng Vương quốc Anh nói riêng và rất nhiều quốc gia nói chung. Song, đó không chỉ là hai quốc gia của người giàu và người nghèo mà là hai quốc gia của người bản địa và người nhập cư. Giữa hai quốc gia ấy, không chỉ tồn tại trạng thái “không có sự giao tiếp và đồng cảm nào” mà còn tồn tại thêm một trạng thái kinh hoàng nữa: thù hận…