Brexit tác động tới kinh tế Việt Nam như thế nào?

Thứ Bảy, 25/06/2016, 17:01
Ngày “thứ 6 đen”, cả thị trường tài chính toàn cầu chao đảo vì người dân An quyết định rời Liên minh Châu Âu (EU). Trước đó cả tuần, mọi động thái của các thị trường đều trong tình trạng chờ đợi, nghe ngóng, “nín thở”. Vậy, “hậu” Brexit (British-exit), liệu kinh tế thế giới sẽ có những biến động gì, đặc biệt là với Việt Nam- một nước tham gia nhiều tổ chức kinh tế thế giới, sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào?

Trước khi “chốt hạ” Brexit, thị trường tài chính toàn cầu đã có nhiều xáo trộn. Giá vàng phiên 24-6 tăng 8% lên cao nhất 2, khiến giới đầu tư đổ tiền vào tài sản trú ẩn. Tính theo bảng Anh, giá vàng tăng 2 con số lên 1.000 bảng/oz, lần đầu tiên trong hơn 3 năm qua, tăng 21% trong đầu phiên giao dịch, trong khi giá vàng tính theo Euro tăng 13%. Số hợp đồng kỳ hạn vàng trên sàn Comex vượt 576.850 hợp đồng, cao thứ 2 trong lịch sử, tương đương 57,7 triệu oz vàng, trị giá 76,3 tỷ USD được giao dịch.

Giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 8-2015 trên sàn New York giảm 2,47 USD, tương đương 4,9%, xuống 47,64 USD/thùng, trong phiên có lúc giá xuống 46,7 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 8-2016 trên sàn ICE Futures Europe giảm 2,5 USD, tương ứng 4,9%, xuống 48,41 USD/thùng. Cả giá dầu Brent và WTI đều ghi nhận mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ tháng 2-2016. Chỉ số Đôla Wall Street Journal, theo dõi USD với 16 đồng tiền trong giỏ tiền tệ, tăng 1,7%... Trong khi đó, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu đã có một phiên đỏ lửa.

Sự khoảng hoảng của thị trường thế giới đã khiến thị trường trong nước có những ảnh hưởng theo. Vậy, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động như thế nào?

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng những diễn biến hiện tại mới chỉ là các tác động tức thời, thể hiện tâm lý và phản ứng của các thị trường đầu tư, thương mại trước việc Anh ra đi. Song, để thực sự chấm dứt tư cách thành viên của Anh, còn cần tới 2 năm nữa, với một lộ trình đàm phán cụ thể giữa Anh và EU.

Khoảng thời gian đó, dù ngắn hạn có phản ứng tiêu cực, nhưng ông Hiếu cho rằng sau cú sốc vừa qua, các TTCK có thể sẽ dần dần được hấp thụ và sẽ trở lại với sự ổn định.

Anh là nước xuất khẩu rất nhiều vào EU và vai trò của Anh trong EU rất lớn, nên Anh rời đi, EU sẽ yếu hơn. Đối với Việt Nam, do Anh không phải là thị trường lớn của Việt Nam, không có nhiều đầu tư hai chiều, nên những tác động trực tiếp từ việc Anh ra đi là không lớn, nhưng sẽ có những tác động đến quan hệ giữa Việt Nam với EU (EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam)”, ông Hiếu bày tỏ quan ngại.

Phân tích sâu hơn, ông Hiếu cho rằng trước hết về mặt đầu tư, có thể các nhà đầu tư trong tâm trạng không ổn định sẽ rút khỏi những thị trường mới nổi, chưa hoàn thiện (trong đó có Việt Nam) để trở về các thị trường truyền thống và ổn định hơn. Còn các TTCK, vàng, dầu biến động tiêu cực cũng không lợi cho Việt Nam. Đặc biệt với thị trường vàng, khi giá tăng đột biến, chủ trương chống vàng hóa sẽ khó khăn hơn.

Riêng về tỷ giá, Anh rời đi khiến Bảng Anh và Euro giảm giá trong khi các đồng tiền khác tăng lên, trong đó có cả VND dẫn đến không có lợi cho xuất khẩu của chúng ta. Nhưng tôi cho rằng, cần để tâm nhiều hơn đến các động thái phản ứng của Trung Quốc trước sự kiện này: nếu Trung Quốc phải phá giá đồng Nhân dân tệ mạnh hơn để hỗ trợ xuất khẩu của họ vào châu Âu thì sẽ tác động khá mạnh đến Việt Nam”, ông Hiếu nói.

Thị trường chứng khoán sẽ chịu tác động lớn từ “hậu” Brexit.

Cho rằng sẽ có tác động 2 chiều, ông Nguyễn Thế Minh, chuyên viên phân tích cao cấp của Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng tác động Brexit lớn nhất sẽ là về tâm lý, và một trong những yếu tố quan trọng đó là về diễn biến tỷ giá đồng USD.

Khi anh rời khỏi EU, các đồng tiền khác sẽ yếu đi, trong khi đó USD lại mạnh lên. Khi USD mạnh lên, các kênh đầu tư về hàng hóa khác sẽ yếu đi, đặc biệt là giá dầu. Nhìn chung, nó sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tài chính. Tuy nhiên, dù USD tăng, nhưng Euro giảm mạnh so với đồng Việt Nam sẽ giúp những doanh nghiệp nhập khẩu từ vùng EU, cũng như các doanh nghiệp vay vốn bằng Euro được hưởng lợi lớn. Song, điều tôi cho rằng đáng lo ngại nhất là TTCK, vì đây là thị trường có độ rủi ro cao nhất.

 Khi chứng khoán toàn cầu “đỏ lửa”, thì TTCK Việt Nam cũng sẽ “rớt” theo, và điều đáng lo ngại nhất đó là rất có thể, khối ngoại sẽ bán ròng. Tuy  nhiên, thực tế ghi nhận có những lợi thế khi mà nhà đầu tư “bắt đáy” trong phiên vừa qua. Điều này giúp cho thanh khoản thị trường tốt hơn, đặc biệt là một nguồn tiền vẫn được đổ vào.  Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp ngành xây dựng như xi măng lại được hưởng lợi khi đồng Euro thấp. Nhưng, với xu thế bán tháo, e rằng những lợi thế này không giúp được nhiều cho thị trường và xu thế bi quan sẽ tiếp tục bao trùm”, ông Minh nhận định.

Cũng tập trung vào TTCK, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng ảnh hưởng trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng từ việc giá dầu giảm do đồng USD tăng và nhà đầu tư lo ngại về tăng trưởng ở khu vực EU và Anh, cùng với biến động của các đồng tiền chủ chốt khác. Tác động về mặt thương mại sẽ không lớn do tỷ trọng xuất nhập khẩu của Anh là tương đối nhỏ. Bên cạnh đó, với tính liên thông của các TTCK ngày càng chặt chẽ,  nếu thị trường chứng khoán toàn cầu kéo dài chuỗi giảm điểm mạnh, TTCK Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt về mặt tâm lý cũng như giao dịch khối ngoại.

Khuyến nghị đối với các nhà đầu tư, BVSC cho rằng trong bối cảnh TTCK lao dốc mạnh sau thông tin Brexit, thị trường Việt Nam đã có sự phục hồi khá tốt nhờ lực cầu bắt đáy và khối ngoại chỉ bán ròng nhẹ. Mặc dù vậy, chưa thể khẳng định thông tin tiêu cực liên quan đến vấn đề Brexit đã được phản ánh đầy đủ vào thị trường. Các phiên biến động mạnh của cả hai chỉ số có khả năng sẽ tiếp tục xuất hiện.

Với quan điểm thận trọng, nhà đầu tư được khuyến nghị chưa vội mua trở lại, tiếp tục đánh giá phản ứng của thị trường trong các phiên sắp tới.

Lệ Thúy
.
.
.