Tác dụng bất ngờ của dịch COVID-19

Thứ Ba, 17/03/2020, 14:18

Các nhà máy bị đóng cửa và đường phố vắng bóng người trên khắp tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc khi chính quyền ra lệnh cho cư dân ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona. Có vẻ như việc đóng cửa thành phố có một lợi ích ngoài ý muốn, đó là sự trở lại của bầu trời xanh.

Ảnh vệ tinh cho thấy mức độ khí thải nitơ tại Trung Quốc trong thời gian trước và trong dịch. 

Số lượng trung bình của “ngày có chất lượng không khí tốt” tăng 21,5% trong tháng 2, so với cùng kỳ năm ngoái, theo Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc. Và Hồ Bắc không phải trường hợp duy nhất.

Hình ảnh vệ tinh do NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu công bố cho thấy sự giảm đáng kể trong lượng khí thải nitơ thải ra bởi phương tiện giao thông, nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp, tại các thành phố lớn của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 2. Đám mây khí độc “lơ lửng” trên các nhà máy điện công nghiệp gần như biến mất.

Fei Liu, một nhà nghiên cứu chất lượng không khí tại Trung tâm không gian Goddard của NASA cho biết đây là lần đầu tiên cô “thấy sự sụt giảm đáng kinh ngạc trên một khu vực rộng lớn như vậy cho một sự kiện cụ thể”. “Tôi không ngạc nhiên vì nhiều thành phố trên toàn Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp để giảm thiểu sự lây lan của virus”.

Lượng carbon dioxide (CO2), được giải phóng trong quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá, cũng giảm đáng kể.

Từ ngày 3/2 đến ngày 1/3, lượng khí thải CO2 đã giảm ít nhất 25% do các biện pháp ngăn chặn COVID-19, theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), một tổ chức chuyên nghiên cứu ô nhiễm không khí.

Là nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, Trung Quốc đóng góp 30% lượng khí thải CO2 của thế giới hàng năm, do đó sự giảm lượng khí thải trong giai đoạn này có ý nghĩa lớn, dù chỉ là trong một thời gian ngắn. CREA ước tính lượng giảm này tương đương với 200 triệu tấn carbon dioxide - hơn một nửa toàn bộ lượng phát thải hàng năm của Anh.

Trong khi các biện pháp “khóa cửa” được đưa ra nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus đã gây ra sự tăng hạng tạm thời về mức độ ô nhiễm của Trung Quốc, các chuyên gia cảnh báo rằng khi nước này bắt đầu khởi động lại nền kinh tế, các hóa chất độc hại có thể lên đến mức cao hơn trước khi dịch bệnh tấn công.

Theo CREA, sự sụt giảm trong sản xuất dầu và thép, và giảm 70% các chuyến bay nội địa, đã góp phần làm giảm lượng khí thải. Nhưng động lực lớn nhất là sự sụt giảm mạnh trong tiêu thụ than ở Trung Quốc.

Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới, sử dụng nguồn tài nguyên này cho 59% năng lượng vào năm 2018. Ngoài được sử dụng trong các nhà máy điện và các ngành công nghiệp nặng, than cũng là nguồn nhiệt duy nhất cho hàng triệu gia đình ở các vùng nông thôn rộng lớn của nước này.

Theo phân tích của CREA, các nhà máy nhiệt điện than lớn của nước này đã giảm 36% lượng tiêu thụ từ ngày 3/2 đến ngày 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức độ khí ô nhiễm ở Vũ Hán. 

“Những nơi tiêu thụ than nhiều nhất - các nhà máy nhiệt điện than - đã bị ảnh hưởng rất nhiều vì nhu cầu điện giảm”, Laura Myllyvirta, chuyên gia hàng đầu của CREA, cho biết, đồng thời nhận định, hiệu ứng này sẽ tiếp tục trong những tuần và tháng tới, bởi chưa có một tác động lớn đến phía nhu cầu của nền kinh tế”.

Năm 2017, Chủ tịch Tập Cận Bình hứa sẽ biến ô nhiễm trở thành một trong “ba trận chiến” của Trung Quốc và năm sau đó, Bộ Sinh thái và Môi trường được thành lập.

Các chính sách đã dẫn đến một tác động đáng kể, khi mức độ ô nhiễm chung thấp hơn 10% trên khắp các thành phố Trung Quốc trong giai đoạn 2017-2018, theo một báo cáo được công bố năm ngoái của Greenpeace và AirVisual.

Các nhà hoạt động khí hậu cho rằng cuộc khủng hoảng có thể là cơ hội để đẩy mạnh những cải cách hứa hẹn này.

Li Shuo, cố vấn chính sách khí hậu cấp cao của Greenpeace East Asia, bày tỏ lo ngại rằng một khi mối đe dọa về COVID-19 đã qua, Trung Quốc sẽ chỉ tập trung vào việc khởi động lại nền kinh tế, vốn đã bị tổn thương sau chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Điều đó có thể được trả giá bằng môi trường.

“Hàng loạt các biện pháp nhằm thích kinh tế sẽ được đưa ra, cung cấp tín dụng giá rẻ cho các ngành công nghiệp nặng ở Trung Quốc, và kết quả là chúng ta có thể thấy những chất ô nhiễm và lượng khí thải carbon ngày càng tăng trong nửa cuối năm nay”, Li nói thêm.

Hiệu ứng dội ngược này - đôi khi có thể đảo ngược bất kỳ sự sụt giảm khí thải nào - là điều mà Li gọi là “ô nhiễm trả thù”. Và ở Trung Quốc đã có tiền lệ.

Năm 2009, chính phủ Trung Quốc đã tung ra gói kích thích khổng lồ trị giá 586 tỷ USD để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - phần lớn trong số đó dành cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Tuy nhiên, sự bùng nổ ô nhiễm trong những năm tiếp theo - đặc biệt là vào mùa đông “airpocalypse” (ô nhiễm không khí như tận thế) vào năm 2012-2013 đã dẫn đến một sự phản đối mạnh mẽ khiến chính phủ Trung Quốc đưa ra kế hoạch hành động ô nhiễm không khí quốc gia đầu tiên của vào tháng 9/2013.

Myllyvirta hy vọng Trung Quốc đã học được bài học từ quá khứ. Myllyvirta, người cũng cảnh báo về một phản ứng dữ dội công khai nếu bầu trời chuyển sang màu xám một lần nữa.

“Việc giảm ô nhiễm không khí đã rất rõ ràng vì vậy nếu ô nhiễm quay trở lại, vì các biện pháp kích thích, vì ngành công nghiệp nặng vận hành quá mức để bù đắp những gì đã mất, có thể có phản ứng ngược lại”.

Duy Tiến (Theo CNN)
.
.
.