Sứ mệnh nặng nề của Tổng thống Nga trong nhiệm kỳ mới

Thứ Năm, 22/03/2018, 08:11
Chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga 2018 với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục (76,6%) là minh chứng cho mức độ tin tưởng của người dân Nga dành cho ông Vladimir Putin trong bối cảnh xứ sở Bạch Dương đang phải chịu áp lực chưa từng thấy. 

Chính điều này đã trao cho ông Vladimir Putin sứ mệnh nặng nề khi chặng đường phía trước là hàng loạt thách thức to lớn về cả đối nội và đối ngoại, từ nền kinh tế tăng trưởng chưa vững chắc cho tới sức ép ngày càng lớn từ các nước phương Tây hay quan hệ gia tăng căng thẳng với Mỹ…

Trong nhiệm kỳ mới, Tổng thống Vladimir Putin có khá nhiều việc phải làm “để đưa nước Nga vững bước trên con đường phát triển”, trở thành một “nước Nga mạnh mẽ”, có khả năng “tự quyết định tương lai của mình” như cương lĩnh tranh cử mà ông đề ra. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik.

Phát biểu trước báo giới tại trụ sở vận động tranh cử ở Moscow, đề cập tới những nhiệm vụ trong tương lai của đất nước, tân Tổng thống Nga bày tỏ: "Tôi nhận thấy ở đây ít nhất là một sự ghi nhận cho kết quả đã làm được trong những năm qua trong điều kiện vô cùng khó khăn. Tôi cũng thấy được niềm tin và hi vọng. Hi vọng vào người dân của chúng ta sẽ cùng nhau làm việc một cách tích cực, trách nhiệm và hiệu quả hơn. Cảm ơn vì chúng ta là một đội mạnh với hàng triệu con người. Thành công đang chờ đợi chúng ta. Rất khó khăn, rất nhiều nhiệm vụ phức tạp còn ở phía trước. Chúng ta sẽ không chỉ phải giải quyết các nhiệm vụ này như cách chúng ta thường làm, mà cần phải tạo ra bước đột phá. Chúng ta có thể làm được và có lý do để làm điều đó". 

Trong những nhiệm vụ khó khăn mà Tổng thống Vladimir Putin đề cập tới, việc đưa nước Nga gia nhập nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới nhiều khả năng khó thành hiện thực trong 10 năm tới, nếu Nga duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện nay. 

Vị tân chủ nhân Điện Kremlin sẽ phải thảo luận kỹ với nội các về những biện pháp để đạt mục tiêu đưa “tăng trưởng kinh tế Nga cao hơn mức trung bình của thế giới” và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng gấp 1,5 lần hiện nay, trong khi chưa có dấu hiệu cho thấy môi trường bên ngoài của Nga sẽ được cải thiện đáng kể trong tương lai gần, đặc biệt là ở hướng Tây. 

Nhiệm vụ thứ hai không kém phần quan trọng nhưng lại đầy khó khăn là cải cách cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, tăng hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm/hàng hóa “made in Russia” (được sản xuất tại Nga). 

Với mức giá dầu như hiện nay, chính quyền Tổng thống Putin sẽ có quyết tâm và động lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa để nước Nga thời đại 4.0 không rơi vào “tình trạng lạc hậu công nghệ, dẫn đến làm suy yếu, xói mòn tiềm năng con người, làm giảm an ninh và các cơ hội kinh tế của đất nước”. 

Có vẻ như Tổng thống Putin đã nhận ra vật cản trên con đường tiến lên “công nghệ hóa” chính là cơ chế-chính sách.

Trong nhiệm kỳ 6 năm tới, Tổng thống Nga sẽ không quên tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước, các giá trị đạo đức - tinh thần Nga truyền thống đến toàn thể người dân Nga. Trong 14 năm đảm nhiệm cương vị Tổng thống và 4 năm làm Thủ tướng của một quốc gia có diện tích lãnh thổ lớn nhất thế giới, với hơn 170 dân tộc anh em, nói hơn 100 thứ ngôn ngữ khác nhau, ông Putin đã làm khá tốt điều này. 

Nhiệm vụ thứ tư mà Tổng thống Putin cần phải làm chính là tiếp tục triển khai học thuyết quân sự được thông qua cuối năm 2014 và Chiến lược an ninh quốc gia năm 2016. Nga sẽ đáp trả các nguy cơ và thách thức an ninh - quân sự một cách tương xứng, song có thể bằng những biện pháp “bất đối xứng.” 

Ngoài ra, Nga đang chế tạo các hệ thống vũ khí mới đáp trả việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) ký năm 1972, cũng như triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) bên ngoài lãnh thổ Mỹ, gần biên giới Nga. Kế hoạch hiện đại hóa quân đội Nga sẽ tiếp tục được thực hiện, với việc triển khai Chương trình trang bị vũ khí trị giá hàng trăm tỷ USD trong giai đoạn 2018-2028. 

Và cuối cùng, về đối ngoại, nhiều khả năng Nga sẽ tiếp tục triển khai Khái niệm chính sách đối ngoại năm 2016, với đường lối đối ngoại tự chủ và hướng tới một thế giới đa cực. Tuy nhiên, về mặt chiến thuật hoặc trong trung hạn, Nga có thể đưa ra những điều chỉnh theo một số hướng.

Bên cạnh đó, theo giới chuyên gia, gia tăng đầu tư nước ngoài sẽ là thách thức lớn đối với Tổng thống Vladimir Putin trong bối cảnh nền kinh tế Nga hiện đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Bởi, đầu tư nước ngoài là một yếu tố điều thiết yếu đối với nền kinh tế. Đây cũng điểm chung trong mối quan hệ giữa Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Chưa hết, Việc cải thiện quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây cũng là một thách thức không nhỏ đối với người đứng đầu Điện Kremlin. 

Đánh giá về điều này, chuyên gia bình luận các vấn đề Á Âu Adam Garrie cho rằng, “điều chủ yếu là quả bóng đang ở trong chân các nhà lãnh đạo phương Tây”: “Nga luôn khẳng định, vốn dĩ họ không có sự thù địch với phương Tây. Nga cũng sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp thương mại, đặc biệt là về năng lượng với các nước phương Tây. Chính các nhà lãnh đạo phương Tây đang áp đặt định kiến với Nga, bất chấp sự thật là các lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây đều muốn làm ăn với Nga theo cách mà họ muốn làm với các nước khác”. 

Theo vị chuyên gia này, tất cả những gì Nga có thể làm là nhấn mạnh rằng, các doanh nhân trong mọi lĩnh vực và mọi quy mô đều muốn làm ăn kinh doanh với Nga và làm ăn ở Nga. Ông Garrie cũng nhấn mạnh rằng, chính phủ các nước phương Tây có thể nhận được thông điệp rằng, chiến dịch “ghét bỏ” Nga là điều tồi tệ đối với tất cả mọi người.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.