Số ca COVID-19 toàn cầu vượt ngưỡng "không tưởng", WHO kêu gọi thức tỉnh

Thứ Bảy, 04/07/2020, 08:23
Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 11 triệu hôm 4/7, Reuters cho biết, trong bối cảnh đại dịch nguy hiểm này đang cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu người trong vòng 7 tháng qua. WHO lập tức lên tiếng về con số đáng ngại này.

Nhiều bang tại Mỹ "phá vỡ" kỷ lục

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca lây nhiễm COVID-19 hiện đã gấp đôi số ca mắc bệnh cúm nặng được ghi nhận hàng năm trên toàn cầu.

Nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, nhất là châu Âu, đang từng biết nới lỏng các hạn chế đi lại trong khi nỗ lực kìm đà dịch bệnh, trong bối cảnh thời gian điều chế vaccine đặc trị loại bệnh này có thể kéo dài một năm hoặc hơn.

Thi thể các nạn nhân tử vong vì COVID-19 được hỏa táng tại Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Mỹ, ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới hiện nay, đã ghi nhận 2.885.652 ca nhiễm và 132.043 ca tử vong, tăng lần lượt 49.968 và 558 ca trong 24 giờ qua. Điều đáng lo ngại là nhiều bang tại Mỹ như North Carolina, South Carolina, Tennessee và Alaska đều chứng kiến số ca nhiễm mới theo ngày cao kỷ lục.

Theo Reuters, sự gia tăng số ca nhiễm một cách rõ rệt xuất hiện nhiều nhất ở các bang miền Nam và miền Tây nước Mỹ, gây sức ép lên hệ thống y tế khu vực này. Các quan chức y tế đang liên tục kêu gọi người dân thận trọng, do xu hướng chủ quan tụ tập đông người của một bộ phận người dân. 

"Chúng ta đang chứng kiến số ca mắc mới cao nhất, số ca nhập viện nhiều nhất, tỉ lệ bệnh nhân dương tính với COVID-19 cao nhất kể từ cuối tháng 4. Xin hãy thận trọng vào cuối tuần lễ này", Betsy Tilson, giám đốc y tế bang North Carolina, lên tiếng cảnh báo trên Twitter.

Những con số báo động

Tại Brazil, số ca nhiễm bệnh và tử vong đã tăng 42.223 người và 1.290 người trong vòng 24 giờ qua. Hiện, quốc gia này cũng ghi nhận hơn 1.5 triệu ca mắc COVID-19, trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ. 

Nhiều nước đã vội vã mở cửa, dẫn đến làn sóng lây nhiễm lần hai. Ảnh: Getty

Bất chấp những cảnh báo về giãn cách xã hội cũng như nguy cơ quá tải của hệ thống y tế, nhiều nơi tại Brazil, trong đó có thành phố Rio de Janeiro vẫn cho phép các nhà hàng và quán bar mở cửa sau thời gian phong tỏa, dấy lên nguy cơ về sự gia tăng lây nhiễm chéo. 

Theo thống kê tổng hợp bởi Reuters, châu Mỹ Latinh hiện chiếm 23% tổng số người mắc bệnh COVID-19 trên toàn cầu. Ấn Độ đã trở thành tâm chấn COVID-19 mới ở châu Á, với hơn 625.000 trường hợp lây nhiễm.

Châu Á và Trung Đông có lần lượt khoảng 12% và 9% ca nhiễm. Đặc biệt, các quốc gia bao gồm Trung Quốc, New Zealand và Australia, những nơi tưởng như đã kìm đà dịch hiệu quả, đều vừa trải qua các đợt bùng phát mới trong tháng qua, với số ca nhiễm tiếp tục tăng trở lại.

WHO cảnh báo cần thức tỉnh

Quan chức WHO đưa ra cảnh báo mới về COVID-19. Ảnh: TNH

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 3/7 (giờ địa phương), Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan nhấn mạnh: "Mọi người cần thức tỉnh. Dữ liệu không nói dối. Tình hình thực tế không nói dối".

Theo ông Ryan, nếu các nước tiếp tục mở cửa mà không tính đến khả năng ứng phó dịch bùng phát trở lại, "kịch bản tồi tệ nhất" có thể xảy ra, khi hệ thống y tế không thể chống đỡ được. Và lúc đó, sẽ càng ngày càng nhiều người chết vì COVID-19. 

"Có những lý do kinh tế đúng đắn để các nước cần hoạt động lại", ông Ryan nói. "Chuyện đó có thể hiểu được, nhưng các nước cũng không thể phớt lờ vấn đề dịch bệnh. Vấn đề đó sẽ không biến mất một cách kỳ diệu", ông nhấn mạnh.

Lam Ninh
.
.
.