Quốc tế kêu gọi Triều Tiên chấm dứt các vụ thử tên lửa

Thứ Bảy, 30/11/2019, 10:32
CHDCND Triều Tiên ngày 29-11 thông báo đã thử thành công hệ thống bắn liên tiếp của bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn, dưới sự chỉ đạo của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ngay lập tức, cộng đồng quốc tế đã có phản ứng về vụ việc mới nhất này.

Đây là vụ thử vũ khí lớn lần thứ 13 của Triều Tiên trong năm nay và là lần thứ 4 thử bệ phóng tên lửa siêu lớn. Đặc phái viên Hàn Quốc về hòa bình và an ninh Bán đảo Triều Tiên Lee Do-hoon đã thực hiện 2 cuộc điện đàm với Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại Dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản Shigeki Takizaki trong ngày 29-11 và với đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Steven Biegun trong ngày 28-11 (giờ địa phương). 

Trong các cuộc điện đàm này, ông Lee Do-hoon đã chia sẻ những đánh giá của mỗi bên về vụ Triều Tiên phóng vật thể từ một bệ phóng tên lửa đa nòng cỡ lớn cũng như thảo luận về những nỗ lực phối hợp trong tương lai liên quan vấn đề này. 

Cũng trong ngày 29-11, Giám đốc Cơ quan Tình báo Hàn Quốc (NIS) Suh Hoon nhận định vụ phóng tên lửa của Triều Tiên dường như là một tín hiệu cho thấy rằng nước này có thể quay trở lại chính sách trước kia nếu không đạt được những điều mong muốn trong các cuộc đàm phán với Mỹ. 

Người dân Hàn Quốc theo dõi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: Sky News.

Trước đó, Phó Giám đốc Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) Jeon Dong-jin nhấn mạnh, Quân đội Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên ngừng những hành động làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã gọi các vật thể được phóng là “các tên lửa đạn đạo” và mặc dù chúng không rơi vào vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản nhưng việc Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa thời gian qua là sự khiêu khích nghiêm trọng đối với các nước trong khu vực, trong đó có Nhật Bản.

Ông nhấn mạnh: “Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng đối với cộng đồng quốc tế. Chúng tôi vừa có cuộc họp an ninh quốc gia. Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ chặt chẽ với Mỹ, Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế để theo dõi tình hình và bảo vệ sự an toàn và tài sản của người dân Nhật Bản”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, nước này đã nắm được thông tin Triều Tiên phóng “tên lửa” và đang giám sát tình hình cùng với các đồng minh trong khu vực. Từ châu Âu, Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố kêu gọi Triều Tiên chấp nhận đề nghị của Mỹ và nghiêm túc về đàm phán chấm dứt các vụ thử tên lửa và hạt nhân. 

Thông cáo báo chí của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh, Triều Tiên cần tránh đưa ra các tối hậu thư, sau khi Triều Tiên tuần trước tuyên bố sẽ từ bỏ đàm phán phi hạt nhân hóa nếu đến cuối năm nay Mỹ không đưa ra đề xuất mới nào giúp phá vỡ bế tắc. Bộ Ngoại giao Anh cũng ra tuyên bố kêu gọi Triều Tiên chấm dứt các vụ thử tên lửa và nối lại đàm phán với Mỹ hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên cho biết, Viện Khoa học Quốc phòng nước này đã tiến hành vụ thử nhằm đánh giá lần cuối năng lực của bệ phóng. Và theo hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un bày tỏ “vô cùng hài lòng” với kết quả vụ thử. KCNA nêu rõ: “Qua việc thử bắn liên tiếp, sự ưu việt và độ tin cậy của hệ thống vũ khí này đã được khẳng định”. 

Theo các nhà phân tích, thử nghiệm mới nhất có thể là lời nhắc nhở tới Mỹ về thời hạn cuối năm mà Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đặt ra cho Mỹ để thể hiện sự linh hoạt trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa vốn bị đình trệ giữa hai nước.

Hiện các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn bế tắc sau khi cuộc họp cấp chuyên viên vào tháng trước tại Thụy Điển đổ vỡ. Hồi tháng 10 vừa qua, Bình Nhưỡng tuyên bố rằng nước này không quan tâm tới việc trở lại bàn đàm phán, trừ phi “Mỹ có những bước đi đáng kể để rút lại chính sách thù địch của mình một cách hoàn toàn và không thể đảo ngược”. 

Triều Tiên không muốn những nhượng bộ nhỏ mà mong đợi một sự nhượng bộ lớn nhằm chấm dứt tình trạng căng thẳng hiện nay thông qua việc bình thường hóa ngoại giao và gỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Khoảng cách giữa Bình Nhưỡng và Washington còn rất lớn. Cả hai bên cần thay đổi cách thức đàm phán “cho ít và nhận nhiều” như hiện nay để đạt được một sự thỏa hiệp. 

Liên quan tới vấn đề này, xây dựng niềm tin dường như là điều quan trọng nhất. Sự tin tưởng chỉ có thể được xây dựng dựa trên nền tảng những câu chuyện thành công, cho dù đó chỉ là những thành công rất nhỏ. Bình Nhưỡng có thể mời các thanh sát viên quốc tế tới bãi thử Punggye-ri đã bị phá hủy, tháo dỡ cơ sở thử động cơ và bệ phóng tên lửa ở Tongchang-ri, hủy bỏ tất cả các cơ sở hạt nhân ở Yongbyon, tuyên bố và cam kết sẽ dỡ bỏ những cơ sở hạt nhân bí mật khác. 

Mỹ nên đáp lại bằng việc đề xuất thiết lập văn phòng liên lạc ở hai nước, đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung, đàm phán hiệp định hòa bình và nới lỏng từng phần các lệnh trừng phạt hiện nay, bao gồm cả việc mở cửa lại khu công nghiệp Kaesong và dự án du lịch Núi Kumgang.

Chỉ khi đó mới có thể đạt được một thỏa thuận toàn diện về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể xác minh để đổi lấy việc rút lại hoàn toàn và không thể đảo ngược các chính sách thù địch, cùng với một lộ trình và thời gian biểu cụ thể. Việc hứa hẹn suông về “một tương lai tươi sáng hơn cho nền kinh tế Triều Tiên” không thể đủ sức thuyết phục Bình Nhưỡng. 

Những sự bảo đảm an ninh như bình thường hóa ngoại giao và các thỏa thuận không xâm lấn lẫn nhau là những điều cần được đưa ra ngay từ ban đầu, chứ không phải vào cuối tiến trình đàm phán. Và dường như chắc chắn rằng Triều Tiên sẽ không có bất kỳ nhượng bộ đáng kể nào nếu không có những biện pháp đáp lại tương ứng về việc nới lỏng các lệnh trừng phạt.

Đạt được một sự thỏa hiệp như vậy sẽ không phải là điều dễ dàng, trong bối cảnh tiến trình luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump đang diễn ra, còn Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang cảm thấy vô cùng thất vọng. Tuy nhiên, ý chí chính trị mạnh mẽ của cả hai nhà lãnh đạo sẽ giúp đem lại sự lạc quan.

Khổng Hà
.
.
.