Quan hệ Trung-Nhật tan băng giữa tâm bão Covid-19
- Mỹ cảnh báo ngòi nổ chiến tranh Trung - Nhật
- Quan hệ Trung - Nhật đi về đâu?
- Hàn Quốc tăng thêm hơn 300 ca nhiễm COVID-19 chỉ trong một đêm
Hơn 1.300 năm trước, một cháu trai của Nhật hoàng đã gửi những câu thơ cổ đó cho vị cao tăng người Trung Quốc tên Ganjin, và truyền cảm hứng cho ông đến Nhật Bản để truyền bá Phật pháp.
Giờ đây, những câu thơ này hiện đang lan truyền tới rất nhiều người Trung Quốc với hơn 39.000 bài đăng trên mạng xã hội Weibo. Ngay cả cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama cũng chia sẻ nó trên trang cá nhân Twitter.
Trên các thùng vật tư y tế mà Nhật Bản gửi tới Trung Quốc đều có câu "Sơn xuyên dị vực, phong nguyệt đồng thiên" (Ảnh: CNN) |
Trong cuộc chiến với Covid-19, dịch bệnh hiện đã khiến hơn 80.000 người nhiễm và hơn 2.700 người tử vong trên toàn thế giới, Nhật Bản đã chứng tỏ họ là một đồng minh với Trung Quốc chống lại kẻ thù chung.
Đầu tháng này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã ca ngợi sự hỗ trợ của Nhật Bản. Ngược lại, ông Cảnh lên tiếng cáo buộc Mỹ vì đã có những phản ứng thái quá và gieo rắc nỗi sợ hãi khi sơ tán nhân viên khỏi lãnh sự quán ở Vũ Hán và áp đặt lệnh cấm du lịch đối với du khách Trung Quốc.
Bài thơ đã cho thấy sự tan băng trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, bắt nguồn từ chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Bắc Kinh năm 2018. Khi cả Tokyo và Bắc Kinh nhấn mạnh rằng chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nhật Bản vào tháng 4 sẽ không bị hủy vì dịch Covid-19, mối quan tâm mới mà nhiều người tập trung là làm thế nào để hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới có thể tăng cường quan hệ.
Tranh chấp lãnh thổ kéo dài từ Thế chiến II đã làm “đóng băng” mối quan hệ Nhật-Trung trong nhiều thập kỷ. Dù cho một số lãnh đạo của Nhật Bản đã bày tỏ sự tiếc nuối về hành động của quân đội nước này thời kỳ đó, nhưng nhiều người Trung Quốc vẫn tin rằng Nhật Bản đã không thừa nhận đầy đủ những tội ác mà họ đã gây ra trong lịch sử.
Căng thẳng bùng phát vào năm 2013 liên quan đến tranh chấp đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở Biển Hoa Đông khiến quan hệ song phương xấu đi nhanh chóng. Trước đó, theo kết quả từ một cuộc khảo sát thường niên về quan hệ Nhật–Trung của tổ chức phi lợi nhuận Genron, 92,8% công dân Trung Quốc có ấn tượng tiêu cực về Nhật Bản. Tuy nhiên, vào năm 2019, con số này đã giảm gần một nửa xuống còn 52,8%.
Có thể nói, kết quả này có được sau những nỗ lực hâm nóng mối quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, với những lời mời liên tục cho các cuộc đàm phán nhằm khôi phục quan hệ song phương và giải quyết tranh chấp. Lãnh đạo hai nước đã gặp nhau tại và bắt tay tại Hội nghị APEC năm 2014.
Khi quan hệ chính trị được cải thiện, khách du lịch Trung Quốc bắt đầu du lịch tới Nhật Bản và hình thành quan điểm tích cực của riêng họ về văn hóa nước này, theo Yasushi Kudo, chủ tịch tổ chức Genron. Năm 2018, 8,38 triệu người Trung Quốc đã tới Nhật Bản, tăng gấp 6 lần so với năm 2013. Trong khi thế hệ trẻ Trung Quốc có sức mua lớn hơn và đi du lịch nhiều hơn, thì Nhật Bản lại chứng kiền điều ngược lại, ông Kudo nhận định.
Khi nền kinh tế Nhật Bản bị thu hẹp và tại đây đang phải đối mặt với các vấn đề như già hóa dân số hay thu nhập không cải thiện, thì rất ít người có nhu cầu đi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, Nhật Bản đang cố gắng khiến khách du lịch Trung Quốc cảm thấy được chào đón bằng việc dựng các biển hiệu, thông báo bằng tiếng Trung tại các khu vực công cộng ở Tokyo.
Shuichi Kato, chủ một công ty du lịch có trụ sở tại Kyoto, đã gửi 15.000 khẩu trang tới Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Đài Loan, đồng thời cho biết lượng khách du lịch đến từ những khu vực này là nguồn “cứu cánh” cho công việc kinh doanh của công ty. “Những người bạn châu Á đã làm cho khu vực của chúng tôi phát triển mạnh mẽ và trở thành điểm hút khách du lịch”, Kato cho hay.
Tới ngày 18-2, các doanh nghiệp tư nhân của Nhật Bản đã quyên góp hơn 3 triệu khẩu trang và 43,96 triệu Yên (6,3 triệu USD) hỗ trợ Trung Quốc chống lại Covid-19.
Thành viên Hiệp hội Phát triển Thanh niên Nhật Bản (JYDA) đóng gói khẩu trang, nhiệt kế gửi sang Trung Quốc. (Ảnh: CNN) |
Có thể nói, Covid-19 hiện chính là “sợi dây” kết nối hai cựu thù lại gần với nhau hơn bao giờ hết. Tháng 5-2018, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Shinzo Abe đã có cuộc điện đàm đầu tiên trong lịch sử để thỏa thuận về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Vài tháng sau, ông Abe trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên thăm Trung Quốc trong 7 năm qua.
Sau đó, Trung Quốc và Nhật Bản đã tổ chức diễn đàn đầu tiên nhằm tăng cường hợp tác với bên thứ ba là Thái Lan, quốc gia có quan hệ ngoại giao thân thiết với cả Bắc Kinh và Tokyo. Cuối cùng, hai bên đã ký thỏa thuận trị giá 18 triệu USD .
Gần đây, Trung-Nhật càng xích lại gần nhau sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về chiến tranh thương mại với hai quốc gia này, theo Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia. "Trước khi ông Trump xuất hiện, hai nhà lãnh đạo Trung-Nhật không có mối quan hệ tốt đến vậy. Giờ đây quan hệ giữa họ giống như 'cuộc hôn nhân lợi ích' để đối phó với mối đe dọa chung mang tên Covid-19", Nakano nói.
Tuy nhiên, nếu như sự hỗ trợ của Thủ tướng Abe dành cho Trung Quốc trong cuộc chiến chống Covid-19 có thể đã mang lại những bước tiến đáng kể trong quan hệ với ông Tập, thì chính điều này lại khiến những người ủng hộ phe diều hâu ở Nhật Bản phẫn nộ, nhất là việc Nhật Bản có phản ứng khá nhẹ nhàng trong việc ngăn dòng người từ Trung Quốc vào lãnh thổ so với các quốc gia khác.
“Một số người ủng hộ ông Abe đã tức giận về điều đó vì họ nghĩ rằng Thủ tướng Nhật Bản ưu tiên mối quan hệ với ông Tập hơn an ninh quốc gia", Nakano nhận định.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 23/12/2019 tại Bắc Kinh. (Ảnh: Kyodo) |
Bất chấp sự tiến bộ gần đây trong quan hệ song phương, về cơ bản, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn có những quan điểm đối đầu về tương lai khu vực châu Á-Thái Bình Dương và vai trò của Trung Quốc trong đó.
Các vấn đề tranh chấp lãnh thổ không biến mất, mà chỉ được tạm gác lại phía sau. "Hiện tại, cả hai bên đều thấy được lợi ích từ việc giảm bớt căng thẳng. Một phần băng vĩnh cửu đã tan băng nhưng vẫn còn những lớp băng khác nữa, và đó không chỉ là về lãnh thổ, mà còn là bất đồng lịch sử", ông Nakano nói.
"Dịch Covid-19 bùng phát đặt ra thử thách căng thẳng cho các mối quan hệ song phương, do đó, sự thông minh nằm ở chỗ biết biến một vấn đề đang gây lo lắng trở thành một cơ hội. Bài thơ đó đang giúp mọi người khơi gợi những phần tốt đẹp trong chính họ”, Jeff Kingston, chuyên gia về Nhật Bản tại Đại học Temple, Mỹ nhận định.