Quan hệ Trung - Nhật đi về đâu?

Thứ Tư, 03/10/2012, 09:11
Quan hệ Trung - Nhật lên xuống thất thường như thời tiết lúc giao thời chuyển mùa, nhưng chưa có những hiện tượng “thời tiết cực đoan”, ít ra từ nay đến năm 2020.
>> Trung Quốc lại cảnh báo Philippines và Nhật Bản về tranh chấp biển đảo

Năm 2012, năm thứ 40 Trung Quốc và Nhật Bản bình thường hóa quan hệ. Thông thường, vào các năm chẵn của các sự kiện trọng đại người ta hay tổ chức linh đình nhiều hoạt động lớn để gợi nhớ, để động viên và cổ vũ tiến về phía trước.

Trung Quốc và Nhật Bản là cường quốc số 1 và số 1.5 ở châu Á - châu lục lớn nhất về diện tích, nhiều nhất về dân số, năng động nhất về kinh tế và cũng phức tạp nhất, đa dạng nhất về tôn giáo, về dân tộc, chủng tộc. Có lẽ, vào năm 2010 hoặc trước đó Bắc Kinh và Tokyo đã tính chuyện tổ chức lớn các kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ.

Rất tiếc, năm 2012 quan hệ Trung - Nhật phát triển không theo thông lệ trên, ngược lại hết sức lạnh nhạt, căng thẳng, thậm chí cận kề đối đầu và rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 40 năm qua.

Ngày 11/9/2012, Nhật Bản chi 2,05 tỷ yên trong quỹ dự phòng để mua 3 hòn đảo ở Votsurijima, Kitakojima và Minamikojima thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Trong ngày họp cuối cùng của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Vladivostok (Nga), Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nói với Thủ tướng Noda là: Hành động quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc Điếu Ngư/Senkaku là “bất hợp pháp và vô hiệu, Trung Quốc kiên quyết phản đối”.

Sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố: “Nếu Nhật Bản không lắng nghe mà đơn phương hành động thì Nhật sẽ phải hoàn toàn hứng chịu hậu quả của hành động đó”.

Tàu Nhật Bản và Đài Loan đấu vòi rồng trên biển.

Tiếp theo những lời cảnh cáo nghiêm khắc nói trên là một phong trào chống Nhật lan rộng ở khoảng 80 thành phố Trung Quốc lôi cuốn hàng trăm (có tin là hàng triệu) người tham gia. Song song với làn sóng biểu tình chống Nhật dữ dội ở các thành phố, lực lượng hải quân, không quân và tên lửa chiến lược thuộc Quân khu Nam Kinh tập trận lớn ở biển Hoàng Hải và sa mạc Gôbi. 

Cũng trong thời gian trên (nửa đầu tháng 9/2012), các quân khu Thành Đô, Tế Nam và Quảng Châu cũng tổ chức tập trận lớn. Các cuộc tập trận lớn dồn dập của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có nội dung: Tập trận tấn công đổ bộ bằng đường biển và đánh chặn tên lửa biển đối biển.

Không cần giải thích, ai cũng biết các cuộc tập trận lớn nói trên có định hướng tới đâu và nhằm răn đe ai.

Ở phía Đông của biển Hoàng Hải, ngày 22/9/2012, đã diễn ra cuộc biểu tình lớn phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với sự tham gia của khoảng 1.000 người dân Nhật Bản.

Trên đường về Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo, đoàn người biểu tình mang biểu ngữ và hô vang các khẩu hiệu  “Senkaku thuộc về Nhật Bản từ thời cổ đại”, “Tăng cường kiểm soát Senkaku”, “Bảo vệ quần đảo Senkaku đến giọt máu cuối cùng” …

Có vẻ như Trung Quốc và Nhật Bản đang tiến về hai bên bờ vực thẳm.

Hơn một năm nay, cả thế giới dồn về cuộc xung đột ở Syria và hiện nay, quan hệ Trung - Nhật đang nổi lên là một điểm nóng lôi cuốn sự quan tâm của dư luận quốc tế. Khác với Syria, đây là mâu thuẫn giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Sự phát triển của quan hệ Trung – Nhật không chỉ tác động đến tình hình Đông Á, mà còn tác động đến tình hình chính trị, an ninh và kinh tế trên thế giới.

Quan hệ Trung - Nhật đi về đâu?

Đây là vấn đề, có thể nói, cả thế giới quan tâm.

Quan hệ Trung - Nhật đã, đang và tiếp tục phát triển phức tạp, quanh co, hàm chứa cả đột biến, bất ngờ và rất khó đoán định được những bước đi cụ thể. Nhưng có thể dự báo về hướng phát triển của quan hệ Trung - Nhật trong 5 - 10 năm tới nếu làm rõ được những nhân tố có vai trò kìm hãm không cho phép quan hệ giữa hai nước vượt quá “vạch đỏ”.

Có ba nhân tố có vai trò làm “phanh hãm” quan hệ Trung -– Nhật:

Một là, nhân tố Mỹ. Sau chiến tranh thế giới thứ II, Mỹ quản lý quần đảo Senkaku đến năm 1972 mới bàn giao cho Nhật. Khác với Scarbourogh của Philippines, quần đảo Senkaku thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật 1960, nghĩa là một khi Senkaku bị nước ngoài xâm chiếm thì Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ. Mọi hành động của Trung Quốc, nhất là các hoạt động quân sự, đối với Điếu Ngư/Senkaku đều phải cân nhắc cẩn thận nhân tố Mỹ. Từ nay đến năm 2020, Trung Quốc chưa sẵn sàng cho một cuộc đối đầu quân sự với Mỹ.

Hai là, lợi ích kinh tế và sự phụ thuộc kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản là rất lớn. Có hơn 35.000 tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn ở Trung Quốc, thương mại hai chiều Trung - Nhật đã vượt quá 300 tỷ USD. Họ là đối tác kinh tế hàng đầu của nhau. Đây là việc làm, là đời sống của hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu người ở Trung Quốc và Nhật Bản. Bây giờ chưa phải là lúc mà cả lãnh đạo Trung Quốc và lãnh đạo Nhật Bản có thể đánh đổi sự phát triển của nền kinh tế thứ hai, thứ ba thế giới và đời sống của hàng chục triệu người để lấy mấy hòn đảo hoang.

Ba là, từ nay đến năm 2020 là thời cơ chiến lược đối với cả Trung Quốc và Nhật Bản. Nếu xảy ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Nhật Bản thì sẽ không có ai thắng, mà cả Trung Quốc và Nhật Bản đều bị thua thiệt, nếu không muốn nói là thất bại. Cụ thể là: Thứ nhất, đảo lộn cả kinh tế và chính trị ở Trung Quốc và Nhật Bản; thứ hai, bỏ lỡ thời cơ có thể tận dụng để phát triển đuổi kịp Mỹ đối với Trung Quốc và ra khỏi trì trệ, khó khăn đối với Nhật Bản; thứ ba, tương quan lực lượng và lợi thế so sánh sẽ nghiêng về phía Mỹ, Ấn Độ và các nước vốn không thân thiện với Trung Quốc.

Tôi tin chắc rằng: Lãnh đạo Trung Quốc, lãnh đạo Nhật Bản cũng đủ thông minh giải được các phép tính nêu trên và dù có bất bình, giận dữ đến đâu họ cũng tỉnh táo kìm nén không để xảy ra xung đột quân sự quy mô lớn.

Cả Nhật Bản và Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư. Cuộc tranh chấp chủ yếu vốn là khẩu chiến, các biện pháp ngoại giao được huy động tối đa, còn trả đũa nhau về kinh tế chỉ có giới hạn nhất định vì cả hai đều thiệt. Quan hệ Trung - Nhật lên xuống thất thường như thời tiết lúc giao thời chuyển mùa, nhưng chưa có những hiện tượng “thời tiết cực đoan”, ít ra từ nay đến năm 2020.

Hà Nội, tháng 10 năm 2012

L.V.C.
.
.
.