Quan điểm chính sách quân sự của Mỹ dưới thời Donald Trump

Thứ Sáu, 09/12/2016, 07:40
Phát biểu hôm 7-12 tại thành phố Fayetteville, bang North Carolina, Tổng thống mới đắc cử Mỹ Donald Trump cho rằng, Washington không nên can thiệp vào công việc của nước khác mà nên tập trung vào việc đánh bại chủ nghĩa khủng bố và cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tuyên bố này của ông Trump tương tự như những quan điểm mà ông từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử khi kịch liệt lên án cuộc chiến tranh ở Iraq.

Để làm rõ quan điểm của mình, Tổng thống đắc cử Trump khẳng định chính sách can thiệp và gây bất ổn cần phải được chấm dứt: “Chúng ta sẽ dừng cuộc rượt đuổi nhằm lật đổ các chế độ nước ngoài mà chúng ta không biết đến và không nên dính dáng đến. Thay vào đó, trọng tâm của chúng ta phải là đánh bại chủ nghĩa khủng bố và hủy diệt IS. Chúng ta sẽ làm được như vậy”.

Cùng với đó, lực lượng vũ trang Mỹ đang được triển khai ở nhiều nơi trên khắp toàn cầu thì chỉ nên tập trung vào cuộc chiến tại Trung Đông, đặc biệt là tại Iraq và Syria.

Tổng thống đắc cử Donald Trump phát biểu tại thành phố Fayetteville ở bang North Carolina hôm 7-12. Ảnh: Reuters

Ông Trump cũng cam kết sẽ tiến hành tái xây dựng quân đội Mỹ hùng mạnh theo hướng không dàn trải bởi theo ông, hiện lực lượng Mỹ đang bị “dàn trải quá mỏng” vì can dự vào quá nhiều địa bàn.

Bên cạnh đó, thay vì đầu tư vào các cuộc chiến, ông cho biết sẽ đầu tư tiền bạc để hiện đại hóa hạ tầng giao thông, cầu cống và sân bay đã xuống cấp tại Mỹ.

Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Mỹ vẫn muốn tăng cường chi tiêu cho quân sự, nhưng không nhằm mục đích “gây hấn” mà chỉ là một biện pháp “phòng ngừa” thông qua củng cố sức mạnh của mình.

Ông nói: “Chúng tôi không muốn có một quân đội cạn kiệt vì tham chiến ở mọi mặt trận trong khu vực - ở những nơi mà chúng ta không nên tham chiến.

Chi tiêu cho quân đội sẽ không bị cạn kiệt nữa” và rằng: “Chúng tôi sẽ xây dựng sức mạnh của quân đội không hướng tới mục đích gây hấn mà nhằm mục đích phòng ngừa. Trong ngắn hạn, chúng tôi tìm kiếm hòa bình thông qua sức mạnh”.

Cũng trong buổi nói chuyện, ông Trump tuyên bố sẽ xem xét bãi bỏ đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare vì cho rằng, những thiệt hại mà đạo luật này gây ra sẽ không thể đảo ngược nếu Obamacare không được loại bỏ sớm.

Tổng thống đắc cử Mỹ cáo buộc đạo luật Obamacare đang gây bất lợi đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, làm gia tăng phí bảo hiểm, loại bỏ các công ty bảo hiểm ra khỏi thị trường, cho đây là lý do cần phải loại bỏ và thay thế đạo luật này bằng một chính sách chăm sóc sức khỏe khác.

Đồng quan điểm, Phó Tổng thống Mỹ đắc cử Mike Pence cùng ngày cho biết, ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới của Mỹ sẽ là loại bỏ đạo luật Obamacare và cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp với hy vọng giúp các doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh và tạo việc làm cho người lao động.

Bên cạnh hai vấn đề trên, trong buổi phát biểu tại thành phố Fayetteville, ông Trump đã giới thiệu lựa chọn của mình cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, Tướng James Mattis, đồng thời hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua việc miễn trừ, dọn đường cho ông Mattis trở thành chủ nhân mới của Lầu Năm Góc.

Lựa chọn này của ông Trump đã nhận được sự ủng hộ của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Phát biểu ngày 6-12 sau cuộc gặp với những người đồng cấp Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ), người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ khẳng định ông Mattis sẽ tiếp tục giữ cam kết đối với những nội dung cốt lõi của liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh, sự thay đổi chính quyền tại Nhà Trắng sẽ không kéo theo những thay đổi đối với các cam kết vững chắc của Mỹ về trách nhiệm đối với NATO.

Ông khẳng định cả chính quyền của Tổng thống đắc cử Trump và Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ NATO, đồng thời bày tỏ hoàn toàn tin tưởng rằng, chính quyền mới và Quốc hội Mỹ sẽ hợp tác với nhau trong vấn đề này.

Bên cạnh đó, mặc dù không đưa ra ý kiến nào về ngoại trưởng tương lai trong chính quyền của Tổng thống đắc cử Trump nhưng ông Kerry khẳng định thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran với nhóm P5+1 đáng để giữ gìn. Trước đó, ông Trump từng nhấn mạnh trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ hủy bỏ thỏa thuận này nếu đắc cử.

Theo giới phân tích, các phát biểu trên của Ngoại trưởng Kerry được đưa ra nhằm trấn an những quan ngại của các đồng minh với Mỹ ở bên kia bờ Đại Tây Dương.

Khổng Hà
.
.
.