Phán quyết của PCA về Biển Đông là mang tính ràng buộc

Thứ Sáu, 09/09/2016, 09:37
Phát biểu ngày 8-9 tại một hội nghị cấp cao với các nhà lãnh đạo châu Á tại Lào, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh, phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) hồi tháng 7-2016 khẳng định “các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý” là mang tính “ràng buộc” và đã giúp làm rõ các quyền hàng hải trong khu vực.


Ông chủ Nhà Trắng hối thúc Bắc Kinh tuân thủ nguyên tắc thượng tôn pháp luật và không tiến hành các biện pháp đơn phương có nguy cơ làm leo thang căng thẳng.

Nhà lãnh đạo Mỹ bày tỏ Mỹ muốn làm việc mang tính xây dựng với các nước Đông Nam Á nhằm giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy “trật tự dựa trên những quy tắc” trong khu vực cũng như sự ổn định của khu vực.

Theo ông Obama, Mỹ sẽ tiếp tục làm việc để đảm bảo vấn đề Biển Đông được giải quyết một cách hòa bình. Bên cạnh đó, Washington cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiện đang chờ Quốc hội Mỹ thông qua.

Đồng quan điểm, phát biểu cùng ngày từ Berlin (Đức), Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nhấn mạnh phán quyết của PCA là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc, đồng thời tái khẳng định quyền tự do hàng không và hàng hải của Australia tại Biển Đông.

Ngoại trưởng Bishop kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ những nỗ lực đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông sau khi có cảnh báo về khả năng Bắc Kinh tiến hành cải tạo bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham ở Biển Đông.

Theo Ngoại trưởng Bishop EU hoàn toàn có lý do để ủng hộ Philippines chống lại những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông bởi sau đó, EU sẽ có thể dựa vào cơ sở này để giải quyết những tranh chấp tương tự ở châu Âu.

Bà nói: “Chúng tôi đang chờ đợi EU tuyên bố ủng hộ các quy tắc trật tự quốc tế. PCA đã nhìn thấy rằng, Trung Quốc đang tìm cách vẽ lại đường biên giới trên biển và trên thực tế đã xây dựng các cấu trúc trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Vì thế, chúng tôi cũng muốn thấy EU nêu lập trường của mình dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”.

Tổng thống Obama phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ ở thủ đô Vientiane, Lào ngày 8-9. Ảnh: Reuters.

Trước đó, hôm 7-9, Philippines công bố các bức ảnh cho thấy Trung Quốc bắt đầu bí mật xây đảo nhân tạo tại bãi Scarborough tranh chấp ở Biển Đông. Các bức ảnh trên chụp các tàu của Trung Quốc mà Philippines cho là có khả năng nạo vét cát cũng như tiến hành các hoạt động khác nhằm xây dựng một đảo nhân tạo ở bãi Scarborough.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong khẳng định: “Chúng tôi có lý do để tin rằng sự hiện diện của các tàu này là dấu hiệu chuẩn bị hoạt động xây dựng trên bãi này”. Ông cho biết Philippines đang tiếp tục theo dõi diễn biến “đáng lo ngại” này. Các ảnh chụp được công bố vài giờ trước khi diễn ra cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Lào, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN và các Hội nghị Cấp cao liên quan. Tuy vậy, Bắc Kinh đã lên tiếng phủ nhận khả năng tiến hành cải tạo bãi cạn Scarborough.

Trong diễn biến liên quan, sáng cùng ngày, tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), khi đề cập đến hành vi đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục bày tỏ lo ngại Trung Quốc quân sự hóa và mở rộng xây dựng tại đây, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh phải thực hiện đúng phát ngôn của Chủ tịch nước này Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Trung tổ chức vào tháng 9 năm ngoái rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa tại Biển Đông.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 28-29, Thủ tướng Abe cũng nhấn mạnh tính quan trọng của việc giải quyết hòa bình tranh chấp phải dựa trên luật pháp quốc tế, kêu gọi các bên đương sự bao gồm Trung Quốc và Philippines cần tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đã phủ nhận lập trường của Trung Quốc liên quan tới “đường chín đoạn” tại Biển Đông.

Bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 28-29, tại các cuộc hội đàm riêng rẽ với các nước như Philippines, Lào, Australia, Việt Nam… ông Abe kêu gọi các nước đoàn kết, yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết từ PCA.

Trước đó, trong cuộc gặp hôm 7-9 bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN+3 tại Lào, Thủ tướng Abe và người đồng cấp Australia Malcolm Turnbull đã tái khẳng định lập trường chung của họ về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, trong đó gián tiếp kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA về bác bỏ tuyên bố chủ quyền hầu hết vùng biển này của Bắc Kinh.

Hai bên tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực theo cái cách có thể làm gia tăng căng thẳng, ám chỉ các tuyên bố đòi chủ quyền trên biển của Trung Quốc.

Hai Thủ tướng cũng cam kết thúc đẩy hợp tác an ninh và quốc phòng song phương cũng như với Mỹ, trong “môi trường an ninh ngày càng khắc nghiệt” ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Khổng Hà
.
.
.