Tổng thống Mỹ kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Thứ Hai, 05/09/2016, 08:09
Trong cuộc trao đổi hôm 3-9 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng, kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 khi tiến hành các hoạt động ở Biển Đông. Ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh cam kết vững chắc của Mỹ đối với an ninh của các đồng minh trong khu vực.

Ngay trước thềm chuyến thăm Trung Quốc, trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin CNN, Tổng thống Obama cho biết, Mỹ ủng hộ một Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, song khẳng định Bắc Kinh cần nhận thức rõ rằng “sức mạnh càng lớn thì trách nhiệm càng cao”, đồng thời nhấn mạnh luật pháp quốc tế cần phải được tuân thủ.

Ông nêu rõ, Trung Quốc đã ký các Công ước quốc tế về Luật Biển, do đó nước này cần phải tuân thủ sự phân xử quốc tế về các vấn đề trên biển.

Tổng thống Obama cũng kêu gọi Trung Quốc kiềm chế các hành động tại Biển Đông, đặc biệt là các động thái phô diễn sức mạnh có thể đe dọa các quốc gia láng giềng và làm gia tăng căng thẳng tại khu vực. 

Bên cạnh đó, ông cho biết Washington sẽ có những hành động kiên quyết nếu nhận thấy bất kỳ sự vi phạm luật pháp và chuẩn mực quốc tế nào tại Biển Đông, cũng như trong các chính sách kinh tế chỉ quan tâm tới lợi ích quốc gia mà gây tổn hại cho cho các nước khác.

Theo Nhà Trắng, ông Obama đã có cuộc “trao đổi thẳng thắn” với người đồng cấp phía Trung Quốc Tập Cận Bình ở Hàng Châu, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Nhà Trắng cho biết, trong cuộc hội đàm, Tổng thống Obama nhấn mạnh tầm quan trọng đối với Trung Quốc - một bên tham gia ký kết UNCLOS phải tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo công ước”.

Tuyên bố cũng có đoạn: “Tổng thống Obama tái khẳng định rằng, Mỹ sẽ cùng hợp tác với tất cả các nước trong khu vực, duy trì nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đảm bảo hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở, duy trì tự do hàng hải và hàng không”.

Mỹ cùng với Nhật Bản không ít lần tuyên bố rằng, họ không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, không đứng về bên nào trong tranh chấp nhưng đứng về phía luật pháp quốc tế và ưu tiên hàng đầu là bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: Reuters.

Trước khi tới Trung Quốc tham dự G20, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã cảnh báo Trung Quốc rằng, nếu muốn gia tăng ảnh hưởng trên thế giới thì đồng thời phải tăng trách nhiệm, tránh phô diễn sức mạnh cơ bắp với các nước nhỏ trong tranh chấp Biển Đông. 

“Điều chúng tôi đã từng nói với người Trung Quốc và chúng tôi đã kiên định là bạn phải thừa nhận rằng càng gia tăng sức mạnh thì càng phải gia tăng trách nhiệm”, Tổng thống Obama nhấn mạnh về các vấn đề tranh chấp Biển Đông, tấn công mạng và chính sách kinh tế trong một cuộc phỏng vấn với CNN.

Chuyến thăm Trung Quốc cuối cùng của ông Barack Obama trên cương vị Tổng thống Mỹ đã xảy ra một loạt sự cố không mấy vui vẻ, ngoài Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ bị nạt nộ, nhân viên an ninh Nhà Trắng cũng bị đồng nghiệp phía Trung Quốc dọa tấn công.

Theo Hãng tin AP, sau khi chiếc Air Foce One (Không lực 1) của Tổng thống Obama hạ cánh xuống sân bay quốc tế Hàng Châu, phía Trung Quốc đã không chuẩn bị thang xuống để ông chủ Nhà Trắng rời khỏi máy bay xuống thảm đỏ đón tiếp. Tổng thống Obama đã buộc phải đi xuống bằng đường cửa thoát hiểm.

Bên cạnh đó, thông thường, các phóng viên tháp tùng Tổng thống Mỹ trong các chuyến công du nước ngoài sẽ đứng dưới cánh của chiếc Air Force One để ghi lại hình ảnh Tổng thống bước xuống và vẫy chào. Lần này, an ninh Trung Quốc đã dùng dây để ngăn cách khu vực phóng viên tác nghiệp thật xa nơi Tổng thống Mỹ bước xuống.

Tuy nhiên, dường như cảm thấy chưa đủ, một trong những nhân viên an ninh của nước chủ nhà đã hét vào mặt quan chức Nhà Trắng phụ trách truyền thông, yêu cầu báo chí Mỹ rời khỏi hiện trường khi thấy một nhóm phóng viên Mỹ đi theo Tổng thống cùng xuống sân bay.

Vị quan chức Trung Quốc này cũng ngăn cản Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice và Phó Cố vấn Ben Rhodes sau khi họ vén chiếc dây màu xanh ngăn cho bộ phận truyền thông Nhà Trắng vào để đến gần ông Obama.

Trong khi vị quan chức Nhà Trắng cố gắng giải thích với vị quan chức phía Trung Quốc rằng, đây là máy bay của Mỹ, rằng báo chí Mỹ đang làm đúng theo thông lệ. Tuy nhiên, những gì mà quan chức Nhà Trắng nhận được chỉ là thái độ “phi ngoại giao” của người đàn ông này. “Đây là đất nước của chúng tôi. Đây là sân bay của chúng tôi”, người đàn ông mặc đồ đen hét vào mặt quan chức Nhà Trắng bằng tiếng Anh.

Vụ tranh cãi chỉ dừng lại khi một nhân viên mật vụ đứng ra giải quyết. Trái ngược hoàn toàn với thái độ của nhân viên an ninh Trung Quốc, khi được hỏi rằng chuyện gì đã xảy ra, bà Rice trả lời rất ngoại giao: “Họ đã làm một số điều mà chúng tôi không tính toán trước được”.

Tại Hội trường Westlake – nơi Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra, một nhóm nhân viên Nhà Trắng được cử đến để đảm bảo an ninh trước khi Tổng thống Mỹ đến nơi cũng bị chặn tại cổng bảo vệ.

Tiếp tục lại xảy ra một cuộc tranh luận gay gắt giữa nhân viên an ninh Trung Quốc và đội quản lí Nhà Trắng về số lượng người Mỹ được phép đi qua cổng an ninh trong một lần. Thậm chí, căng thẳng bất hòa leo thang đến mức nhân viên an ninh Trung Quốc chuẩn bị giơ nắm đấm tấn công đoàn bảo vệ Nhà Trắng. 

Cuối cùng, một quan chức ngoại giao người Trung Quốc buộc phải đứng ra hòa giải khi nhìn thấy có sự xuất hiện của phóng viên.

Khổng Hà
.
.
.