Tổng thống Philippenes: Phán quyết Biển Đông là “ràng buộc, không thể kháng cáo”

Thứ Bảy, 31/08/2019, 09:15
Tại cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 29-8, Tổng thống Philippenes Rodrigo Duterte khẳng định, phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông là “phán quyết cuối cùng, mang tính ràng buộc và không thể kháng cáo”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Tập Cận Bình tái khẳng định, lập trường của Chính phủ Trung Quốc không công nhận phán quyết của PCA, cũng như không thay đổi quan điểm.

Biển Đông là một phần của lợi ích chung toàn cầu

Ngày 29-8, trang web Bộ Ngoại giao Đức đã đăng tải thông cáo về tuyên bố chung của Pháp, Đức và Anh về tình hình Biển Đông. Là các quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh mối quan tâm đối với việc áp dụng phổ biến Công ước trong khuôn khổ pháp lý toàn diện, tạo cơ sở cho sự hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải. Ba nước nhấn mạnh tới Phán quyết của PCA được đưa ra theo UNCLOS vào ngày 12-7-2016.

Cũng theo thông cáo, Pháp, Đức và Anh hoan nghênh các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) dựa trên các quy tắc, hợp tác và hiệu quả phù hợp với UNCLOS. Đức, Pháp và Anh kêu gọi tất cả các quốc gia ven biển trong khu vực Biển Đông thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng, góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực, bao gồm việc đảm bảo quyền của các quốc gia ven biển trong vùng biển, quyền tự do hàng hải trên khu vực Biển Đông.

Các tàu chiến của Trung Quốc tại Biển Đông. Ảnh: AP.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng khẳng định, nước này có lợi ích trong hòa bình và ổn định ở Biển Đông, đồng thời bày tỏ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở ở các vùng biển quốc tế theo luật pháp quốc tế.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar nhấn mạnh: “Biển Đông là một phần của lợi ích chung toàn cầu. Do đó, Ấn Độ có lợi ích gắn bó với hòa bình và ổn định trong khu vực”. Phía New Delhi cũng cho rằng, mọi bất đồng phải được giải quyết một cách hòa bình, bằng việc tôn trọng các quy trình pháp lý và ngoại giao, không chọn cách đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Trong khi đó, trước việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vào Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, Điều phối viên của Viện Nghiên cứu quốc phòng và chiến lược Indonesia (Lesperssi), chuyên gia Beni Sukadis cho rằng, bất kỳ quốc gia nào đã thông qua UNCLOS đều phải tuân thủ văn kiện này.

Ông Sukadis khẳng định, việc Trung Quốc đưa nhóm tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vào EEZ của Việt Nam rõ ràng là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và cần bị lên án. Chuyên gia Beni Sukadis cho rằng, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận nhiều hơn tại các diễn đàn.

Theo chuyên gia này, ASEAN có những nguyên tắc chuẩn mực riêng của khối, gọi là “Phương cách ASEAN”, trong đó có nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Những nguyên tắc cơ bản này cần được đề cao không chỉ giữa các nước thành viên ASEAN mà ở cả khu vực Đông Nam Á.

Theo ông Sukadis, nếu một quốc gia ngoài ASEAN vi phạm lãnh thổ của một quốc gia thành viên ASEAN thì toàn bộ khối phải có nghĩa vụ tập hợp lại để thảo luận nghiêm túc về vấn đề này. Ông cũng bày tỏ hy vọng tiến trình thảo luận về COC giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ đạt kết quả tích cực. Về phần mình, chuyên gia Dinna Wisnu của Đại học Quốc gia Indonesia cho rằng những gì Trung Quốc đang thực hiện ở Biển Đông là “không thể chấp nhận được” và khiến các nước trong khu vực rất quan ngại.

Bà Wisnu nhấn mạnh, các quốc gia trong khu vực cần có hành động mạnh mẽ hơn với Trung Quốc. Theo bà Dinna Wisnu, cần đẩy mạnh hơn nữa các thỏa thuận song phương giữa các nước thành viên ASEAN, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, nhằm tạo sức mạnh và vị thế cho ASEAN trên các diễn đàn quốc tế.

Trung Quốc phớt lờ lợi ích hợp pháp của nhiều nước ở Biển Đông

Trong khi cộng đồng quốc tế mong mỏi ASEAN và Trung Quốc có thể nhanh chóng đạt được COC có hiệu lực, thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý thông qua các cuộc đàm phán một cách minh bạch, thì Bắc Kinh có ý đồ muốn đòi hỏi COC phải bao gồm các nội dung: các điều khoản trong UNCLOS sẽ không áp dụng đối với văn kiện này; tất cả cuộc tập trận với các nước ngoài khu vực chỉ được tổ chức với sự đồng ý của tất cả bên liên quan trong COC; không hoạt động liên quan đến khai thác tài nguyên nào được thực hiện với các nước ngoài khu vực.

Theo đánh giá của giới quan sát, Trung Quốc đang muốn ép buộc Malaysia, Philippines, Việt Nam và các bên có quyền lợi và yêu sách khác ở Biển Đông chỉ liên doanh với các công ty dầu khí của Trung Quốc. Cách hành xử này rõ ràng là không công bằng, và dĩ nhiên, ASEAN không thể nào chấp nhận các yêu cầu đó,  bởi như thế sẽ gần như vô hiệu hóa hoàn toàn Phán quyết của PCA năm 2016 và hạn chế sự hiện diện của các đối tác đối trọng như Mỹ và châu Âu.

Trong khi không ngừng cản phá hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên phù hợp với luật pháp quốc tế của các quốc gia trong khu vực, Trung Quốc cũng không từ bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của họ ở Biển Đông bằng cách gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực, ở các tiền đồn trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bất chấp luật pháp quốc tế để bồi đắp ở Biển Đông.

Đối với những nước nhỏ thì công cụ tốt nhất để bảo vệ chủ quyền và yêu sách của họ chính luật pháp quốc tế nhưng thực tế cho thấy, Trung Quốc đã phớt lờ điều đó, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế.

Những gì xảy ra gần Bãi Tư Chính - khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam thời gian qua được cho là sự vụ tiêu biểu nhất cho căng thẳng những năm gần đây ở Biển Đông và dấu hiệu cho thấy Trung Quốc tiếp tục không tuân thủ UNCLOS, trong khi vẫn tìm cách hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý của họ ở vùng biển này.

Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL) cho rằng, các hành động khiêu khích của Trung Quốc gần Bãi Tư Chính đã ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực. IADL yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng chấm dứt các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, ngừng các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, làm gia tăng căng thẳng giữa các bên liên quan và tập trung vào việc xây dựng lòng tin để duy trì an ninh, hòa bình và ổn định.

Bên cạnh Việt Nam, có nhiều thông tin cho thấy Malaysia và Philippines cũng đang bị các tàu Trung Quốc quấy nhiễu. Lâu nay, giới phân tích đã chỉ ra một trong những ý đồ của Trung Quốc là muốn cưỡng ép các bên khác đồng ý thỏa thuận song phương chấp nhận khai thác chung tại cả những vùng không tranh chấp nhưng bị Bắc Kinh tự ý đưa vào yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của họ.

Nhìn chung, cả Malaysia, Philippines hay Việt Nam đều không xa lạ gì với mưu đồ của Trung Quốc ở Biển Đông để hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý.

Tuy nhiên, vụ việc mới nhất gần Bãi Tư Chính vẫn là một lời nhắc nhở với cả thế giới về tham vọng của Trung Quốc khi sẵn sàng bỏ qua luật pháp quốc tế để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Tất cả những điều này sẽ dẫn đến hậu quả là làm suy yếu an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.