Tuyên bố cắt viện trợ cho WHO:

Ông Trump đang làm mọi chuyện tồi tệ hơn?

Thứ Tư, 15/04/2020, 17:11
Các chuyên gia nhận định, việc ông Trump tuyên bố sẽ cắt giảm viện trợ đối với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là một “thảm họa” trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.

Hành động không đáng ngạc nhiên…

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/4 (giờ địa phương) cho biết ông đã lên kế hoạch dừng viện trợ cho WHO và xem xét lại vai trò của tổ chức này trong việc “quản lý yếu kém và che đậy sự lây lan của virus Corona một cách nghiêm trọng”. Thông báo này của ông Trump được đưa ra giữa bối cảnh dịch COVID-19 lây lan tồi tệ nhất trong thập kỷ qua và trong khi ông đang bảo vệ nỗ lực kiềm chế dịch bệnh của mình tại Mỹ.

Tổng thống Trump cho rằng WHO đã tin tưởng những khẳng định của Trung Quốc về virus SARS-CoV-2 một cách vô căn cứ và đã không chia sẻ thông tin đầy đủ về dịch COVID-19 khi dịch bệnh này lan rộng. 

 Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty)

“Nếu WHO đã thực hiện đúng nhiệm vụ của mình và đưa các chuyên gia y tế đến Trung Quốc để đánh giá khách quan tình hình tại hiện trường và chỉ ra sự thiếu minh bạch của Trung Quốc, thì dịch bệnh có thể được ngăn chặn từ nguồn khởi phát của nó với rất ít ca tử vong”, ông Trump nói. 

Tổng thống Mỹ cho biết thêm, nếu WHO hành động thích hợp, ông đã có thể ban hành lệnh cấm đi lại đối với những người đến từ Trung Quốc sớm hơn, nhấn mạnh rằng WHO đã đưa ra quyết định “nguy hiểm và tốn kém” khi phản đối các hạn chế đi lại từ Trung Quốc.

Mỹ hiện là nước đóng góp lớn nhất cho WHO trong số 196 quốc gia với hơn 400 triệu USD trong năm 2019, chiếm khoảng 15% ngân quỹ của tổ chức này. Mỹ đã gửi hơn 57,8 triệu USD vào đầu năm nay và cũng đóng góp thêm ngân sách cho các dự án đặc biệt, theo NBC

Hiện chưa rõ khi nào việc dừng cấp kinh phí cho WHO sẽ có hiệu lực và Tổng thống Trump có quyền hạn đến đâu trong vấn đề cần Quốc hội thông qua này. Một quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ nói rằng việc ngưng tài trợ sẽ có hiệu lực ngay lập tức, đồng thời nói rằng chính quyền sẽ thảo luận việc chuyển khoản tiền vốn dành cho WHO đến các tổ chức về sức khỏe khác trong vòng 60 ngày tới.

Có thể nói, quyết định rút tài trợ cho WHO của ông Trump là hành động không đáng ngạc nhiên. Trước đây, Tổng thống Mỹ từng đặt câu hỏi cho việc tài trợ cho Liên Hợp Quốc, rút ​​khỏi các thỏa thuận khí hậu toàn cầu và trừng phạt Tổ chức Thương mại Thế giới. Tất cả với lý do các tổ chức này đang bòn rút của Mỹ.

…nhưng đầy tranh cãi

Tại buổi họp báo ngày 15/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng quyết định của Mỹ làm ảnh hưởng đến tất cả quốc gia trên thế giới cũng như làm suy yếu các nỗ lực phối hợp cần thiết để chống lại đại dịch COVID-19, đồng thời kêu gọi Washington thực hiện nghĩa vụ của mình với WHO giữa lúc đại dịch COVID-19 đang ở trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng”.

Trong một tuyên bố được đưa ra vào tối 14/4, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã bảo vệ WHO, nói rằng “giờ không phải là thời điểm cắt giảm các nguồn tài trợ cho các hoạt động của WHO hoặc bất cứ tổ chức nhân đạo nào trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Hơn lúc nào hết, đây là khoảng thời gian cộng đồng quốc tế cần đoàn kết để ngăn chặn virus và những hậu quả thảm khốc của nó”. 

Về phần mình, Tiến sĩ Nahid Bhadelia, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Boston, cho biết việc cắt viện trợ sẽ là một thảm họa. "Cắt giảm 15% (đóng góp của Mỹ) vào ngân sách WHO trong đại dịch được coi là ​​lớn nhất thế kỷ chắn chắn sẽ gây ra một thảm họa. WHO là một đối tác kỹ thuật toàn cầu, là nền tảng mà qua đó các quốc gia có chủ quyền chia sẻ dữ liệu, công nghệ, là con mắt của chúng ta trước quy mô toàn cầu của đại dịch này", bà Bhadelia nhận định.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại buổi họp báo ở Nhà Trắng ngày 14/4. (Ảnh: Reuters)

Bác sĩ Patrice Harris, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Mỹ cũng lên tiếng phản đối Tổng thống Trump vì đã thực hiện động thái này "trong bối cảnh cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất trong một thế kỷ". 

"Cắt giảm kinh phí cho WHO, thay vì tập trung vào các giải pháp, là một bước đi nguy hiểm tại một thời điểm bấp bênh đối với thế giới", bà Harris nói, đồng thời đại diện Hiệp hội Y khoa Mỹ kêu gọi Tổng thống Trump xem xét lại quyết định của mình.

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Mỹ, cũng chỉ trích gay gắt quyết định cắt tài trợ cho WHO ông Trump trong một tuyên bố hôm 14-4, nói rằng WHO có thể đã "tập trung vào Trung Quốc nhiều hơn" nhưng hiện tại họ vẫn cần "sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ".

Tuy nhiên, ông Trump có thể sẽ nhận được toàn bộ sự ủng hộ từ các thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội về động thái trên. Một số nghị sĩ Cộng hòa, đã cáo buộc WHO “bắt tay” với Trung Quốc nhằm che đậy hoặc giảm thiểu mức độ bùng phát của dịch bệnh. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham thì khẳng định việc cắt ngân sách Mỹ đóng góp cho WHO sẽ được thực hiện trong dự thảo phân bổ ngân sách tiếp theo, tờ Bloomberg cho hay.

Động thái cắt giảm hỗ trợ với WHO giữa một đại dịch toàn cầu là điều chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, theo Jeremy Konyndyk, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, trụ sở ở Washington, quyết định này dường như không liên quan đến việc WHO đã làm hay không làm gì mà chủ yếu nhằm mục đích đánh lạc hướng dư luận khỏi những phản ứng chậm chạp và không hiệu quả đối với đại dịch của chính quyền Trump trong những tuần vừa qua, khiến Mỹ giờ đây trở thành tâm dịch toàn cầu.

Theo thống kê của Worldometers, tính đến 16h ngày 15/4, có hơn 2 triệu ca nhiễm COVID-19 ở 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, trong đó có 127.141 ca tử vong, 486.228 ca bình phục và 51.571 ca nặng, nguy kịch.

Số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới với hơn 614.000 người nhiễm và hơn 26.000 ca tử vong.

Cao Trung (Tổng hợp)
.
.
.