Ông Donald Trump sẽ làm gì trong 100 ngày đầu nhậm chức?

Thứ Sáu, 11/11/2016, 08:11
Trong gần một năm chính thức tham gia tranh cử Tổng thống, tỷ phú Donald Trump đã vạch ra một loạt vấn đề lớn cần phải làm ngay trong 100 ngày đầu của nhiệm kỳ Tổng thống. Và nay, khi đã giành chiến thắng “ngoạn mục” trước đối thủ là cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, các kế hoạch của doanh nhân này đang dần dần đi vào thực tế.


Hàn gắn vết thương chia rẽ

Ngày 9-11 (theo giờ Mỹ), cùng với phó tướng Mike Pence và các thành viên gia đình xuất hiện trước những người ủng hộ, Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đã tuyên bố, ưu tiên hàng đầu của ông bây giờ là hàn gắn vết thương chia rẽ trong nước Mỹ.

Phát biểu trong tiếng hô vang “USA”, ông Donald Trump nói: “Tôi muốn nói với tất cả người đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ và độc lập trên khắp đất nước này rằng đã đến lúc chúng ta xích lại gần nhau, như một dân tộc thống nhất. Làm việc cùng nhau, chúng ta sẽ bắt đầu nhiệm vụ cấp bách là xây dựng lại đất nước và khôi phục giấc mơ Mỹ”.

Theo tin từ hãng AP, chỉ vài tiếng sau khi kết quả kiểm phiếu cho thấy ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử Tổng thống thứ 45 của Mỹ, hàng chục cuộc biểu tình đã bùng phát trên phạm vi toàn quốc. 

Làn sóng biểu tình diễn ra rầm rộ nhất tại các bang bờ Tây của Mỹ đã có tiếng súng nổ và người bị thương. Vì thế, nhiều nhà phân tích nhận định, lời kêu gọi của ông Donald Trump phần nào đã lay động tầng lớp chính trị và tinh hoa của Mỹ. Vì thế, ngay sau tuyên bố của Tổng thống mới đắc cử, nhiều lãnh đạo đảng Dân chủ và Cộng hòa trước kia phản đối ông Donald Trump mạnh mẽ, nay cũng lên tiếng chúc mừng.

Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump trong một lần thăm trường học ở Las Vegas hồi tháng 10 khi đang đi vận động tranh cử. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan, người từng có tranh cãi lớn với Tổng thống mới đắc cử cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với ông Donald Trump để thúc đẩy chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ trong thời gian tới, trong đó có kế hoạch 6 điểm mang tên “Một cách tốt hơn” mà ông đã đề xuất nhằm tạo ra khuôn khổ cho hành động tương lai của Hạ viện.

Một số thành viên khác trong nội các chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama thì khẳng định sẽ giám sát tiến trình chuyển giao quyền lực một cách trật tự cho chính quyền của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump. Riêng đương kim Tổng thống Barack Obama thì có cuộc trao đổi riêng với người kế nhiệm Donald Trump tại phòng bầu dục vào chiều 10-11 (theo giờ địa phương).

Hoàn thiện chương trình nghị sự

Tờ Diplomat nhận định, với cá tính của một doanh nhân, Tổng thống mới đắc cử của Mỹ sẽ bắt tay ngay vào thực hiện chương trình nghị sự mà ông từng công bố hồi cuối tháng 10 trong thời điểm chạy nước rút vào Nhà Trắng.

Đó là tạo ra một chính phủ mới “của người dân và vì người dân” với các vấn đề chính như sau: hạn chế các quan chức Nhà Trắng trở thành nhà vận động hành lang sau khi rời văn phòng; giới hạn nhiệm kỳ cho các thành viên Nghị viện; hủy bỏ các khoản thanh toán cho những chương trình biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc và sắp xếp lại quỹ để sửa chữa cơ sở hạ tầng của nước Mỹ; 

đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ; bãi bỏ các cải cách của ông Barack Obama về cải tổ hệ thống y tế; bắt đầu quá trình trục xuất hơn 2 triệu tội phạm, những người nhập cư bất hợp pháp và từ chối du lịch miễn thị thực cho các nước không nhận trở lại công dân của họ; cam kết mang đến ít nhất 25 triệu việc làm trong 10 năm và cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu và doanh nghiệp…

Đặc biệt, ông Donald Trump đã nhấn mạnh tới vấn đề tham nhũng và tuyên bố thực hiện lời hứa đào tận rễ vấn nạn này trong đó có việc lập ra một bộ máy có thể làm giảm kích thước của chính quyền liên bang, tiến hành cải cách tài chính nhằm ngăn chặn nguồn tiền hỗ trợ từ nước ngoài tác động tới các chiến dịch vận động hành lang ở Mỹ.

Riêng về vấn đề an ninh, Tổng thống mới đắc cử của Mỹ cho biết sẽ tăng cường các chương trình đào tạo cảnh sát và tạo ra một lực lượng đặc nhiệm chuyên trách các vấn đề bạo lực. Do đó, chi tiêu quân sự Mỹ được dự báo có thể tăng thành 1.000 tỷ USD vào năm tài chính 2017…

Và đối phó với thách thức ngoại giao

Giới quan sát nhận định, vào thời điểm này, khi lên làm Tổng thống, không chỉ phải đối mặt với những vấn đề trong nước, ông Donald Trump còn vấp phải rất nhiều thách thức ngoại giao. Vì thế, nhiều khả năng, tỷ phú này sẽ định hướng lại những chính sách của nước Mỹ theo cách riêng của ông.

Trong những bài phát biểu và trả lời phỏng vấn báo giới khi còn tranh cử, ông từng đề cập nhiều đến các vấn đề về quan hệ với Nga, NATO và các nước đồng minh. Chẳng hạn, ông tuyên bố có thể xem xét công nhận chủ quyền của Moskva đối với bán đảo Crimea, vốn là nguyên nhân gây chia rẽ sâu sắc giữa Nga và phương Tây.

Có lẽ vì lời nói này của tỷ phú mà hôm 9-11, sau khi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được công bố, người Nga đã rất hân hoan bởi họ cho rằng, ông Donald Trump là “niềm hy vọng cho hòa bình thế giới”. Nhiều tờ báo của Nga còn kỳ vọng rằng sau khi nhà tài phiệt New York lên làm Tổng thống, Nga và Mỹ sẽ hòa giải những mối bất đồng và cải thiện quan hệ hai nước.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều quốc gia bày tỏ sự nghi ngại. Như ở Mexico, Ngoại trưởng Claudia Ruiz Massieu cho rằng, nước này sẽ không trả tiền xây dựng bức tường biên giới giữa hai nước mà ông Donald Trump nhiều lần nhắc đến.

Liên minh châu Âu thì nhóm họp bất thường vào ngày 13-11 tới theo yêu cầu từ Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier để trao đổi quan điểm định hướng quan hệ EU-Mỹ thời ông Donald Trump làm Tổng thống. NATO cũng đang lo ngại về việc phải thay đổi phương thức hoạt động của tổ chức nếu tỷ phú này nêu vấn đề tái cân bằng cam kết tài chính của các thành viên…

Huyền Chi
.
.
.