Nước cờ cao tay của Tổng thống Nga

Thứ Năm, 17/03/2016, 07:58
Vào đúng thời điểm các bên xung đột tại Syria đang tiến hành đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một quyết định gây bất ngờ, không chỉ đối với phương Tây mà còn đối với các chỉ huy quân sự cấp cao của Nga, khi ông ra lệnh cho phần lớn lực lượng, khoảng 3.000 – 6.000 binh sĩ, rút khỏi Syria từ ngày 15-3. Đây được xem là một thắng lợi chính trị, là chất xúc tác cho các cuộc đàm phán chính trị về Syria do Liên hợp quốc (LHQ) làm trung gian.

Quyết định rút quân của Tổng thống Putin ngay lập tức nhận sự đánh giá cao từ các chuyên gia quốc tế, rằng đây là động lực thúc đẩy tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng vốn đã kéo dài 5 năm tại Syria. Tổng thống Putin đã chiến thắng và đạt được mục tiêu tại Syria, “chơi trội” so với Mỹ. Phái viên LHQ tại Syria Staffan de Misture nhấn mạnh “đây là một bước tiến quan trọng mà chúng tôi hy vọng sẽ tác động tích cực đối với tiến trình đàm phán ở Geneva”.

Người phát ngôn của phe đối lập Syria là Salem Al Mislet cũng hoan nghênh quyết định rút quân của Nga, cho rằng động thái này sẽ giúp ích lâu dài cho các cuộc đàm phán. Trong khi đó, chuyên gia quan hệ quốc tế Mỹ James Jatras nhấn mạnh: “Chúng ta phải ghi nhớ rằng, giải pháp chính trị của cuộc xung đột có thể đã không xảy ra nếu Nga không tiến hành không kích hỗ trợ quân đội chính quyền. Hoạt động này buộc những kẻ khủng bố phải chuyển sang thế phòng thủ”.

Quan điểm trên cũng nhận được sự ủng hộ từ nhà phân tích chính trị John Wight. Ông này cho rằng hoạt động không kích của Nga đã tăng mạnh tinh thần của quân đội Syria và thay đổi tình hình theo hướng có lợi cho chính quyền. Việc Nga rút quân còn được cho là đã tạo cho Tổng thống Putin một thời cơ thích hợp để tuyên bố rằng, sự can thiệp của Moskva hầu như đã hoàn tất, đồng thời thể hiện là một người kiến tạo hòa bình và giúp xoa dịu căng thẳng với quốc gia thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các nền quân chủ vùng Vịnh vốn không hài lòng với chiến dịch quân sự của Kremlin.

Trước đây, phương Tây luôn viện cớ do Nga hậu thuẫn cho quân chính phủ Syria bằng các đợt không kích, nên việc đàm phán hòa bình bị cản trở. Và bây giờ sẽ chẳng còn lý do để gây trở ngại cho tiến trình đàm phán.

Chiến đấu cơ Su-30 đang trên đường rời khỏi Syria.

Về phía Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết quyết định rút các lực lượng chính của nước này ra khỏi Syria của Tổng thống Putin không phải “để ai đó hài lòng”, mà là nhằm đạt được tiến bộ trong việc giải quyết hòa bình vấn đề Syria, đồng thời nhấn mạnh quyết định trên bắt nguồn từ lợi ích của người dân Syria, của khu vực Trung Đông, từ mục tiêu huy động tối đa sự hỗ trợ quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, quyết định ngừng một phần chiến dịch không kích của Nga tại Syria là do nhiệm vụ mà Tổng thống Putin giao phó cho quân đội Nga, hỗ trợ nhằm tăng cường khả năng chiến đấu cho quân đội Syria chống khủng bố theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhìn chung đã hoàn thành. Truyền thông Nga cũng đưa tin đậm về sự kiện này.

Tờ Izvestia khẳng định: “Nga đặt ra hình mẫu về cách tiếp cận hòa bình nhằm giải quyết xung đột. Bằng cách tuyên bố rút các lực lượng chính ra khỏi Syria từ ngày 15-3, Nga có đủ cơ sở để tuyên bố rằng chiến dịch tại Syria là một thắng lợi”.

Tờ Thương mại dẫn một số nguồn tin cấp cao khác từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết quyết định của Tổng thống Putin đưa ra sau chiến dịch kéo dài hơn 5 tháng là hoàn toàn tự nguyện, không bị tác động từ bên ngoài.

Với quyết định rút quân và tất cả những gì làm được tại Syria trong thời gian qua, Tổng thống Putin đã chứng minh được rằng, Nga hoàn toàn có thể thay đổi cục diện chính trị ở Trung Đông bằng sức mạnh của mình. Mặc dù tiến trình đàm phán hòa bình có thể kéo dài, nhưng Nga đã xác lập được vị trí có ảnh hưởng rất lớn trên bàn đàm phán và có thể bảo vệ các lợi ích quốc gia ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung trong một thỏa thuận hòa bình cuối cùng. Nếu ngoại giao cuối cùng có tác dụng đối với vấn đề Syria thì có thể coi đây là một thành quả lớn, một chiến thắng cho tất cả các bên.

Khổng Hà
.
.
.