Nga bắt đầu rút khí tài và quân đội khỏi Syria

Thứ Tư, 16/03/2016, 08:29
Cục diện cuộc chiến ở Syria, đặc biệt là chiến dịch chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bước sang một bước ngoặt mới khi Nga tuyên bố rút một phần lớn quân đội khỏi quốc gia này. Đồng thời, để thể hiện thiện chí của mình, chính quyền Moskva cũng bắt đầu rút các loại khí tài từ ngày 15-3. Kế hoạch này ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ).

Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 15-3 cho biết, nước này đã bắt đầu rút các khí tài quân sự khỏi Syria. Các kỹ thuật viên tại căn cứ không quân của Nga ở Syria đã chuẩn bị cho các chuyến bay tầm xa tới những căn cứ không quân Nga. 

Tin từ hãng Itar-Tass, hiện các quân nhân Nga đang bốc dỡ trang thiết bị và vật dụng lên máy bay. Nếu nhanh thì đến ngày 16-3, những chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên của Nga sẽ rời căn cứ ở Syria trở về nước sau khi hoàn thành sứ mệnh trong cuộc chiến chống IS. 

Cũng theo hãng Itar-Tass, việc chuẩn bị rút quân khỏi Syria được Bộ Quốc phòng thực hiện sau khi có lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Vladimir Putin đã ký sắc lệnh này tối 14-3 và giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov cùng phối hợp thực hiện. 

Đồng thời, Tổng thống Nga cũng bày tỏ hy vọng việc bắt đầu rút quân đội Nga khỏi Syria sẽ là kích thích tốt đối với tiến trình đàm phán giữa các lực lượng chính trị ở Syria. Và trong khi Bộ Quốc phòng thực hiện công tác rút quân thì Bộ Ngoại giao lại phải tăng cường hơn nữa sự can dự của Nga trong việc tổ chức tiến trình hòa bình tại Syria.

Các kỹ thuật viên tại căn cứ không quân của Nga ở Syria đã chuẩn bị cho các chuyến bay tầm xa tới những căn cứ không quân Nga. Ảnh: AP

Nhiều nhà phân tích nhận định, dù Moskva chỉ mới bắt đầu rút một số lực lượng chủ yếu và thời hạn rút quân hoàn toàn chưa được công bố, song việc lựa chọn vào thời điểm LHQ nối lại đàm phán hòa bình cho Syria là một nước cờ khá khôn khéo của Tổng thống Nga. Rõ ràng, ông Vladimir Putin đã đẩy cả Moskva và Damascus vào thế chủ động hơn và buộc phe đối lập Syria cùng Mỹ phải có những nhượng bộ cụ thể. 

Đồng thời sắc lệnh này cũng thể hiện và tôn vinh được vị thế cũng như vai trò của Nga trong vấn đề Syria. Hiện tại, thỏa thuận ngừng bắn ở Syria đã được thực hiện hơn 2 tuần nhưng hai bên vẫn chưa xích lại gần nhau trong vấn đề liên quan đến số phận Tổng thống Bashar al-Assad. 

Đặc sứ của LHQ tại Syria, ông Staffan de Mistura cho biết, phe đối lập Syria, Mỹ và một số quốc gia đồng minh vẫn tiếp tục đòi ông Bashar al-Assad phải ra đi trong khi Chính phủ Syria, Nga và Iran kiên quyết không chấp nhận. 

Hãng AP dẫn lời  ông Staffan de Mistura nhấn mạnh, sự căng thẳng được thể hiện ngay trong buổi hòa đàm đầu tiên vào hôm 14-3. Nhưng đến ngày 15-3, tình hình có vẻ lắng dịu và các bên bàn thảo nhiều hơn về quyết định rút quân của Nga. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov thì cho hay, ông Vladimir Putin đã thảo luận rất kỹ và nhận được sự nhất trí cao của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trước khi công bố quyết định của mình. 

Dù rút quân, song Nga vẫn duy trì căn cứ không quân Hemeimeem tại tỉnh Latakia để hỗ trợ giám sát lệnh ngừng bắn, cũng như một cơ sở hải quân tại thành phố cảng Tartous của Syria. 

Một điểm đáng chú ý là song song với việc công bố quyết định rút quân khỏi Syria, Bộ Quốc phòng Nga cũng đã tổng kết những thành quả đạt được sau hơn 5 tháng tham gia chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Cụ thể, nhờ vào các cuộc không kích của Nga, quân đội Syria đã giải phóng được 400 khu vực đông dân cư và hơn 10.000km² lãnh thổ từ tay IS. Các nhóm khủng bố đã bị đẩy lui khỏi Latakia và Aleppo, trong khi quân đội Nga đã chặn đường chúng tại thành phố cổ Palmyra và quân đội Syria sẽ tiếp tục nỗ lực để giải phóng thành phố được UNESCO coi là di sản thế giới này…

Nhiều thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đã hoan nghênh động thái này của Nga và cho rằng, đây là một bước tiến tích cực cho việc giải quyết xung đột ở Syria. Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ Ismael Gaspar Martin lưu ý, có được điều này là do sự hợp tác hiệu quả giữa Nga và Mỹ. 

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thì nhấn mạnh lập trường của Iran về sự cần thiết phải có một lệnh ngừng bắn và một giải pháp chính trị ở Syria và cho rằng, động thái của Nga là một dấu hiệu tích cực đối với lệnh ngừng bắn tại quốc gia Trung Đông này. Riêng Mỹ, trong phản ứng đầu tiên, chính quyền Washington đã bày tỏ sự thận trọng trước quyết định rút quân bất ngờ của Nga. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Mỹ sẽ phải xem xét và đánh giá kỹ lưỡng các ý định của Nga.

Gia Nam
.
.
.