Nước Nga “gồng mình” sau 5 năm sáp nhập Crimea
- Nga tuyên bố không đổi Crimea lấy việc dỡ bỏ trừng phạt của Mỹ
- Ukraine tuyên bố tập trận tên lửa sát Crimea
- Nga điều loạt máy bay chiến đấu tới Crimea giữa căng thẳng với Ukraine
Dù nửa thập niên đã trôi qua, nhưng Hiệp ước gia nhập với mục đích đưa Crimea vào sự kiểm soát của Nga vẫn chưa được hầu hết các nước công nhận, trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục giáng thêm các đòn trừng phạt mới vào Moscow.
Kể từ ngày 16-3, sự kiện 5 năm ngày sáp nhập Crimea vào Nga được kỷ niệm tại Moscow trong 3 ngày. Các hoạt động mang tên gọi “Mùa Xuân Crimea” diễn ra tại 13 khu vực công cộng của Thủ đô, gồm các lễ hội ẩm thực Crimea, liên hoan nhạc jazz, các buổi hòa nhạc trên đường phố.
Cây cầu vượt biển trị giá gần 4 tỷ USD nối lục địa Nga và bán đảo Crimea. Ảnh: Sputnik. |
Hơn 300 nhà hàng Nga cũng chuẩn bị thực đơn đặc biệt “Dành cho mùa Xuân Crimea” gồm các món đặc sản của bán đảo. Phản ứng trước việc này, EU hôm 17-3 ra tuyên bố liên quan đến lễ kỷ niệm 5 năm trưng cầu ý dân ở Crimea, tái khẳng định chính sách không công nhận kết quả cuộc trưng cầu và áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt đối với Liên bang Nga.
Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini nhấn mạnh: “EU vẫn cam kết thực hiện đầy đủ chính sách không công nhận Crimea, bao gồm các biện pháp trừng phạt. EU một lần nữa kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc xem xét áp dụng các biện pháp không công nhận tương tự theo nghị quyết Đại hội đồng 68/262”.
Tuyên bố cũng cho biết EU coi sự kiện này là “một thách thức trực tiếp đối với an ninh quốc tế”, điều này “dẫn đến sự gia tăng căng thẳng nguy hiểm ở eo biển Kerch và biển Azov”. EU một lần nữa kêu gọi Nga trả tự do một cách “vô điều kiện và không trì hoãn thêm” cho các thủy thủ Ukraine đang bị giam giữ, cũng như “đảm bảo việc đi lại tự do và không bị cản trở của tất cả các tàu qua Eo biển Kerch đến Biển Azov”.
Trước đó, hôm 15-3, EU cũng tuyên bố sẽ áp dụng lệnh phong tỏa tài khoản và cấm đi lại đối với 8 quan chức Nga vì “những hành động phá hoại ngầm hoặc đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine”.
Theo EU, những người này có liên quan tới vụ bắt giữ những chiếc tàu và thủy thủ đoàn của Ukraine vào tháng 11 năm ngoái. EU cho biết động thái này là sự đáp trả đối với “tình trạng leo thang” ở vùng biển ngoài khơi Ukraine. Như vậy, tính tới nay, đã có 170 cá nhân và 44 thực thể của Nga, gồm các tổ chức, hiệp hội hoặc doanh nghiệp, đang là đối tượng bị áp dụng lệnh trừng phạt của EU, với thời hạn sớm nhất là tới ngày 15-9-2019, vì sự cố này.
Cũng trong ngày 15-3, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo áp lệnh cấm vận với 6 cá nhân và 8 công ty Nga bị cáo buộc đã phối hợp và cung cấp sự hỗ trợ về vật chất cho việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Washington nhắm mục tiêu tới 4 thành viên của Cơ quan An ninh Liên bang Nga vì có liên quan tới vụ xung đột tại eo biển Kerch nối biển Đen và biển Avov gần Crimea.
Danh sách trừng phạt của Mỹ bao gồm 6 doanh nghiệp quốc phòng của Nga hoạt động tại Crimea bị cáo buộc “sử dụng tài sản nhà nước Ukraine để cung cấp dịch vụ cho Quân đội Nga” trong đợt sáp nhập Crimea.
Hầu hết “cái giá” mà Nga đang phải trả cho quyết định của mình đều đến từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, vốn tích tụ dần mỗi năm từ khi Nga sáp nhập Crimea và một số lệnh trừng phạt mới do các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử cũng như các động thái khác của Moscow. Nga vẫn đang gặp không ít khó khăn khi giá dầu lao dốc, trong khi đây chính là nguồn xuất khẩu chính của nước này.
Ngoài ra, kinh tế Nga cũng phải đối mặt với việc đầu tư nước ngoài giảm và thu nhập bình quân đình trệ. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy sự quan tâm của công chúng với quyết định sáp nhập lãnh thổ bên bờ Biển Đen với Nga đã giảm đi nhiều. Các nhà phân tích trên trang Bloomberg Economics ước tính các lệnh trừng phạt đã khiến nền kinh tế Nga sụt giảm 6% trong 5 năm qua.
Một nghiên cứu do nhà phân tích Scott Johnson công bố vào cuối năm 2018 cho thấy nền kinh tế của Nga - nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới đã kém hơn mức dự tính tới hơn 10%, tương đương với 150 tỷ USD so với những tính toán vào cuối năm 2013. 4 điểm phần trăm là do giá dầu giảm và số còn lại có nguyên nhân từ các lệnh trừng phạt cùng các yếu tố khác.
Các lệnh trừng phạt sẽ không thể chấm dứt sớm trong tương lai và các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 có thể khiến tình hình thêm tồi tệ hơn. Số lượng các công ty và các cá nhân của Nga là mục tiêu trừng phạt của Mỹ đã lên tới con số hơn 700 kể từ năm 2014 và một dự luật khác đang được xem xét ở Washington có thể “giáng” thêm những đòn trừng phạt mới vào Moscow trong năm nay.
Kinh tế đình trệ cũng có nghĩa là thu nhập của người dân Nga giảm đi. Thu nhập trung bình của người dân hầu như không vượt quá 30.000 rúp/tháng (tương đương 459 USD) kể từ khi Nga sáp nhập Crimea. Việc giá dầu sụt giảm đã đẩy Nga vào cuộc suy thoái trong gần 2 năm. Khu vực duy nhất có thu nhập bình quân tăng là Crimea.
Sau khi tăng nhẹ vào năm 2017 khi Tổng thống Trump có dấu hiệu sẽ dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt với Nga, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Nga lại giảm và thậm chí còn tăng trưởng âm vào quý 2 của năm 2018. Khi sức ép kinh tế trực tiếp “đè nặng” lên người dân Nga, những phản ứng tích cực về việc sáp nhập bán đảo Crimea của công chúng cách đây 5 năm cũng bắt đầu giảm đi.
Một cuộc khảo sát được công bố ngày 14-3 cho thấy chỉ 39% người dân Nga cho rằng sáp nhập Crimea lợi nhiều hơn hại trong khi con số này vào cuối năm 2014 là 67%. Tuy nhiên, bất chấp các lệnh trừng phạt, Nga vẫn đầu tư hàng tỷ USD xây dựng các nhà máy điện và hoàn thành thi công cây cầu vĩ đại Kerch nối Crimea với lục địa Nga vào năm 2018.