Những vấn đề liên quan đến vụ luận tội Tổng thống Trump lần hai

Thứ Năm, 14/01/2021, 16:00
Hạ viện Mỹ ngày 13/1 đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống Donald Trump với cáo buộc “kích động nổi dậy” liên quan đến cuộc bạo loạn chết người làm rung chuyển Đồi Capitol ở Washington DC vào ngày 6/1.
Ảnh minh họa Reuters.

Với 232 phiếu thuận và 197 phiếu chống, Hạ viện thông qua việc luận tội ông Trump, khiến ông trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội hai lần khi còn tại vị.

Trong số những người ủng hộ động thái lật đổ tổng thống khỏi quyền lực có ít nhất 10 đảng viên Cộng hòa, những người đã “đổi phe” để ủng hộ nỗ lực của đảng Dân chủ.

Trong bối cảnh nghị quyết luận tội đã được chuyển lên Thượng viện, vẫn còn một số câu hỏi chưa có câu trả lời, chẳng hạn như liệu việc luận tội có thể dẫn đến kết tội hay không, hay liệu một phiên tòa có thể được tổ chức sau khi tổng thống rời nhiệm sở và chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử hay không.

Hai lần bị luận tội

Trong bối cảnh vụ bạo động chết người nhấn chìm Điện Capitol vào ngày 6/1, khi một phiên họp chung của Quốc hội được triệu tập để chứng nhận kết quả kiểm phiếu của Cử tri đoàn, đảng Dân chủ đã nhanh chóng cáo buộc Tổng thống Trump “kích động bạo lực”.

Ngay sau cuộc biểu tình “Ngăn chặn vụ đánh cắp cuộc bầu cử” do ông Trump tổ chức bên ngoài Nhà Trắng, nơi ông nhắc lại rằng cuộc bầu cử đã bị “đánh cắp” khỏi ông, đám đông những người ủng hộ tổng thống đã tràn vào Điện Capitol, làm gián đoạn thủ tục chứng nhận kết quả bầu cử ở Quốc hội và dẫn đến 5 người chết, trong đó có một sĩ quan cảnh sát.

Mặc dù Tổng thống Trump phủ nhận trách nhiệm kích động cuộc nổi dậy, khẳng định ông chưa bao giờ trực tiếp khuyến khích những người ủng hộ mình tiến hành các hành động bạo lực, bản luận tội đã được đảng Dân chủ đưa ra hôm 11/1.

Trước đó, đảng Dân chủ đã thúc giục Phó Tổng thống Mike Pence viện dẫn Tu chính án thứ 25 để loại bỏ ông Trump khỏi nhiệm sở, tuy nhiên, sau đó ông Pence đã từ chối, với lý do rằng hành động này không “vì lợi ích cao nhất của quốc gia hoặc phù hợp với Hiến pháp”.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã cảnh báo rằng Hạ viện sẽ chuyển sang luận tội nếu Phó Tổng thống từ chối viện dẫn phần của Tu chính án thứ 25, cho phép phó tổng thống và đa số nội các tước quyền lực ông Trump nếu xác định được tổng thống “không thể thực hiện các quyền hạn và nhiệm vụ của mình”.

Sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện ngày 13/1, mọi con mắt đều đổ dồn về Thượng viện. Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mitch McConnell, đã bị thúc giục viện dẫn một nghị quyết năm 2004 có thể triệu tập gấp một phiên họp tại Thượng viện khởi động phiên tòa luận tội.

Trong khi lễ nhậm chức của ông Joe Biden dự kiến ​​diễn ra ngày 20/1, văn phòng của ông McConnell ngày 13/1 thông báo rằng họ sẽ không viện dẫn nghị quyết, báo hiệu rằng bất kỳ phiên tòa luận tội nào chỉ có thể bắt đầu sau khi ông Trump rời nhiệm sở.

Theo một bản ghi nhớ được ông McConnell gửi cho các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa trước đó, Thượng viện sẽ không thể họp lại cho đến ngày 19/1 - một ngày trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ nhậm chức - nếu không có sự đồng ý của tất cả 100 thượng nghị sĩ.

Người ta cho rằng phiên tòa luận tội sớm nhất có thể bắt đầu là 1 giờ chiều ngày 20/1 - một giờ sau khi Tổng thống đắc cử Biden được nhậm chức.

Phiên tòa này, nếu diễn ra, có thể kéo dài trong nhiều tuần.

Rào cản luật pháp, hiến pháp

Một vấn đề khác là liệu một phiên tòa luận tội tại Thượng viện có hợp hiến hay không sau khi ông Trump đã rời Nhà Trắng. Nếu Thượng viện tiến hành một phiên tòa như vậy, có thể phải đối mặt với các rào cản pháp lý.

Theo ý kiến ​​của J. Michael Luttig, cựu thẩm phán của Tòa phúc thẩm Mỹ, động thái này sẽ không phù hợp với luật tối cao của nước này. Trong một bài báo trên tờ Washington Post vào ngày 12/1, ông Luttig nhận định rằng bản thân Hiến pháp đưa ra câu trả lời rõ ràng rằng điều này không thể được thực hiện, vì quyền lực duy nhất của Thượng viện theo Hiến pháp là kết tội - hoặc không kết tội - một tổng thống đương nhiệm.

Sau khi nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc vào ngày 20/1, Quốc hội “mất thẩm quyền theo Hiến pháp trong việc tiếp tục các thủ tục luận tội chống lại ông - ngay cả khi Hạ viện đã thông qua các bản luận tội”.

Theo cựu thẩm phán, ông Trump sẽ không còn “đương nhiệm trong Văn phòng Tổng thống” khi Thượng viện bắt đầu tiến hành các thủ tục, và theo đó, ông sẽ không còn bị Thượng viện “kết tội”, theo Hiến pháp.

Tuy nhiên, truyền thông Mỹ trích dẫn các chuyên gia có quan điểm khác và các nhà lãnh đạo Thượng viện dường như đã chuẩn bị tiến hành thủ tục này.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer đã tuyên bố rằng một phiên tòa sẽ được tổ chức.

Phiên tòa luận tội “hợp lệ”

Trong những trường hợp tương tự trước đây, khi các quan chức bị luận tội sau khi rời nhiệm sở, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu để bỏ qua một số vụ án với lý do các đối tượng không còn giữ chức vụ của mình. Tuy nhiên, không ai trong số họ là tổng thống.

Trong trường hợp này, mặc dù ông Trump sẽ không còn giữ chức vụ, nhưng việc ông bị kết án tại Thượng viện sẽ đem lại cho đảng Dân chủ một niềm hy vọng rằng ông sẽ không thể tái tranh cử vào năm 2024, một điều mà ông Trump cho biết rằng đã cân nhắc. Hơn nữa, những lợi ích sau khi mãn nhiệm của ông cũng sẽ bị giảm.

Vào tháng 12/2019, Hạ viện đã bỏ phiếu luận tội ông Trump lần đầu tiên với cáo buộc tạo áp lực lên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhằm bắt đầu một cuộc điều tra đối với Hunter Biden, con trai của ông Joe Biden.

Hạ viện cáo buộc các tội danh “lạm dụng quyền lực” và “cản trở công lý”. Tuy nhiên, ông Trump đã thoát cửa ải này tại Thượng viện.

Trong trường hợp bị luận tội lần thứ hai, diễn ra sau khi ông rời nhiệm sở, câu hỏi đặt ra là làm thế nào ông Trump sẽ được đại diện hợp pháp và ai sẽ đưa ra dự luật bào chữa. Trong lần luận tội đầu tiên, hồ sơ tài chính chiến dịch cho thấy rằng ít nhất hai trong số các luật sư đã được Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa thuê và trả lương.

Ngay sau khi Hạ viện bỏ phiếu luận tội Tổng thống Donald Trump, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell nhấn mạnh trong một tuyên bố công khai rằng một phiên tòa tại Thượng viện khó có thể kết thúc trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức.

Duy Tiến (Theo Sputnik)
.
.
.