Những vấn đề gai góc tại cuộc họp trực tuyến về COVID-19 của WHO

Thứ Ba, 19/05/2020, 10:11
Kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) trực tuyến đầu tiên diễn ra vào hai ngày 18 và 19-5 trong bối cảnh nhiều vấn đề có liên quan nổi lên giữa lúc đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Cuộc họp của WHA lần thứ 73 năm nay sẽ có sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia, Bộ trưởng Y tế và quan chức cấp cao từ 194 nước thành viên tổ chức Y tế thế giới (WHO). 

Cuộc họp được cắt ngắn từ ba tuần xuống chỉ còn hai ngày, là một hội nghị hết sức quan trọng khi nó diễn ra đúng thời điểm WHO đang là trung tâm của mọi chú ý chưa từng có tiền lệ từ mọi nơi trên thế giới về vai trò của tổ chức này trong điều phối và tư vấn khi dịch bệnh COVID-19 chỉ trong vài tháng qua đã khiến hơn 4,8 triệu người mắc và hơn 315.000 người tử vong. 

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định hôm 15-5 rằng “sự kiện này là một trong những cuộc họp đại hội đồng quan trọng nhất từ khi chúng tôi thành lập năm 1948”. Tuy nhiên, nhiều vấn đề đang phủ bóng cuộc họp quan trọng này.

Theo nhiều chuyên gia, đây sẽ là kỳ họp WHA mang tính chính trị mạnh mẽ nhất từ trước đến nay bởi đại dịch COVID-19  diễn ra phức tạp cũng như năng lực ứng phó còn nhiều khác biệt giữa các quốc gia. 

Vai trò của WHO và phản ứng của tổ chức y tế hàng đầu thế giới này với đại dịch cũng sẽ là một trong những trọng tâm của hội nghị, đặc biệt là sau khi Mỹ, Australia và Đức chỉ trích rằng WHO phản ứng quá chậm khi dịch mới bùng phát và thể hiện sự thiên vị với Trung Quốc. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng trước tuyên bố rút tài trợ của Mỹ cho WHO, và hồi tuần trước thì đe dọa cắt đứt quan hệ với Trung Quốc, đưa ra những cáo buộc rằng virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Cuộc họp được rút ngắn xuống chỉ còn hai ngày nhưng dự kiến vẫn còn nhiều vấn đề gai góc. Ảnh minh họa: Getty Images.

Tổng giám đốc WHO cũng đã hứng chịu nhiều chỉ trích, đặc biệt là từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã cho rằng WHO mang hơi hướng Trung Quốc và đã đưa cho Mỹ một khuyến nghị sai lầm về việc mở cửa biên giới. 

WHO từng bị chỉ trích vì phản ứng với đại dịch trước đây. Năm 2009, tổ chức này tuyên bố dịch cúm H1N1 là một đại dịch, một quyết định sau đó bị chỉ trích bởi một số chính phủ cho rằng nó đã khiến các quốc gia thực hiện các biện pháp đắt đỏ chống lại một dịch bệnh không nghiêm trọng như dự báo. 

Cơ quan này và Tổng giám đốc lúc đó, Margaret Chan, cũng phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt vì không phản ứng đủ nhanh với dịch Ebola ở Tây Phi, bùng phát vào tháng 12/2013.

Bên cạnh đó, hội nghị được cho là sẽ tập trung vào vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), trong bối cảnh hòn đảo này khước từ điều kiện gia nhập WHO mà Bắc Kinh đưa ra. 

Theo SCMP, người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan Trần Thời Trung hôm 15/5 gọi yêu cầu của Bắc Kinh là “điều kiện không tồn tại”, đồng thời khẳng định hòn đảo sẽ không từ bỏ nỗ lực tham gia hội nghị của WHA. 

Phía WHO nhấn mạnh việc cho Đài Loan tham dự hay không sẽ cần một nghị quyết của các quốc gia thành viên, các bên năm 1972 đã quyết định Bắc Kinh là đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại tổ chức này. 

Các đồng minh ngoại giao của Đài Loan, bao gồm Guatemala, Honduras, Nicaragua và Paraguay, đã chính thức yêu cầu mời Đài Loan tham dự cuộc họp với tư cách quan sát viên. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cũng đã công khai bày tỏ muốn có sự tham gia của Đài Loan.

Trong khi đó, ít nhất 122 quốc gia, bao gồm tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, ủng hộ một nghị quyết kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập và có hệ thống về việc ứng phó của thế giới với đại dịch COVID-19, theo hãng tin ABC. 

Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cho biết động thái này “dự kiến sẽ được chứng thực” vào cuộc họp ngày 19/5. Anh, Canada, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, New Zealand và Nga đã bày tỏ sự ủng hộ đối với nghị quyết này. 

Mặc dù không chỉ đích danh Trung Quốc hay Vũ Hán (thành phố nơi ca nhiễm virus đầu tiên được xác nhận), nhưng bản thảo nghị quyết trên vẫn thúc giục cộng đồng quốc tế “xác định nguồn gốc virus và con đường lây nhiễm đến quần thể người, bao gồm cả vai trò có thể có của vật chủ trung gian…”, theo Guardian. 

Bản dự thảo này cũng kêu gọi nỗ lực toàn cầu trong ứng phó với đại dịch, “kêu gọi sự tiếp cận phổ cập, kịp thời và sự phân phối công bằng tất cả các sản phẩm và công nghệ y tế thiết yếu chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá cả phải chăng”.

Lời kêu gọi cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của COVID-19 bị Bắc Kinh cho là một nỗ lực “đổ lỗi” cho nước này khiến căn bệnh bùng lên toàn cầu. Khi Australia lần đầu tiên đề xuất một cuộc điều tra vào tháng trước, Trung Quốc bày tỏ quan ngại và phản đối quyết định này. 

“Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc luôn hành động một cách cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm và thực hiện một loạt các biện pháp kiên quyết, kịp thời và mạnh mẽ”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết. 

Động thái này cũng đã khiến mối quan hệ Australia-Trung Quốc trở nên căng thẳng, Bắc Kinh đề xuất tăng thuế với lúa mạch từ Australia cũng như hạn chế nhập khẩu nhiều mặt hàng. 

Tuy vậy, với sự ủng hộ quốc tế ngày càng tăng cho cuộc điều tra, Trung Quốc đã “dịu giọng” đi đáng kể. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập luận rằng đề nghị của Liên minh châu Âu đệ trình lên WHA nên được xem xét theo một khía cạnh khác với đề xuất ban đầu của Australia.

Bất chấp những căng thẳng, các quốc gia hy vọng sẽ nhất trí được một nghị quyết nhằm thúc đẩy sự phản ứng chung trước đại dịch. Một nguồn tin từ EU cho biết, các quốc gia sẽ không né tránh các chủ đề “gai góc”, trong đó có việc kêu gọi một cuộc cải tổ WHO mạnh mẽ hơn sau khi cho rằng tổ chức này đã cho thấy “sự thiếu khả năng trong việc ngăn cản cuộc khủng hoảng ở mức độ hiện nay”.

Gia Khoa
.
.
.