Những thay đổi bất ngờ trong chính quyền Tổng thống Trump

Thứ Năm, 15/03/2018, 08:35
Ngày 13-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo một “cơn địa chấn” có thể coi là lớn nhất trong chính quyền kể từ khi ông nhậm chức cách đây hơn 1 năm, đó là cách chức Ngoại trưởng Rex Tillerson và bổ nhiệm Giám đốc CIA Mike Pompeo thay thế vị trí người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ.

Sau nhiều lời đồn đoán về quãng thời gian cùng làm việc suốt hơn 14 tháng đầy sóng gió với quá nhiều bất đồng về quan điểm, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sa thải ông Rex Tillerson trên Twitter và sau đó lên đường đến San Diego, bang California để “mục sở thị” những bản thiết kế mẫu cho bức tường biên giới với Mexico.

“Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Rex Tillerson vì những đóng góp của ông. Mọi nhiệm vụ đã được hoàn thành xuất sắc trong 14 tháng qua, và tôi chúc ông cùng gia đình khỏe mạnh và hạnh phúc”, Tổng thống Mỹ tuyên bố.

Tại cuộc họp cuối cùng trước báo giới trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ ngày 13-3, ông Rex Tillerson đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đồng nghiệp của ông tại Bộ Ngoại giao cũng như trên toàn thế giới, đồng thời chỉ ra một số thành tựu về chính sách đối ngoại và đưa ra một số vấn đề cho các nhà lãnh đạo tương lai cân nhắc, giải quyết.

Ông nhấn mạnh những thành tựu đạt được trong thời gian ông tại vị Ngoại trưởng Mỹ và động viên những nhân viên Bộ Ngoại giao tiếp tục chăm làm việc và cống hiến cho nước Mỹ. Tuy nhiên, ông lại không đề cập gì đến Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Tillerson, người có rất nhiều nỗ lực trên cương vị tướng lĩnh ngoại giao của cường quốc số 1 thế giới dù trước đây chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, vừa hoàn thành chuyến thăm đến nhiều nước châu Phi để cải thiện quan hệ đồng minh cũng như tạo dựng lại hình ảnh nước Mỹ tại châu lục này trước những ảnh hưởng ngày một lớn của Trung Quốc tại đây.

Ông cũng bày tỏ bất ngờ về việc mình bị sa thải và cho biết đã nhận được cuộc gọi từ Tổng thống và Chánh văn phòng John Kelly “để đảm bảo có sự rõ ràng trong những ngày tới”. Từ ngày 13-3, ông Tillerson từ bỏ mọi nghĩa vụ và sẽ chính thức từ nhiệm cuối tháng này, bàn giao công việc cho Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan.

Cách chức ông Tillerson, bổ nhiệm đương kim Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo thay thế đồng nghĩa với việc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ đang thiếu đi người đứng đầu và ngay lập tức Tổng thống Mỹ đã đề cử bà Gina Haspel giữ chức vụ này.

“Mike Pompeo, Giám đốc CIA, sẽ là Ngoại trưởng mới. Ông ấy sẽ đảm nhiệm chức vụ này tốt nhất. Cảm ơn ông Rex Tillerson vì thời gian giữ chức. Gina Haspel sẽ là Giám đốc mới của CIA, người phụ nữ đầu tiên đảm nhận vị trí này. Chúc mừng tất cả”, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter hôm 13-3.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố đề cử bà Gina Haspel trở thành Giám đốc CIA đi kèm với lời “tạm biệt” ông Rex Tillerson, nay đã là cựu Ngoại trưởng Mỹ, chỉ trong cùng một Tweet duy nhất vào ngày 13-3 được coi là một động thái khá trớ trêu.

Cuộc thay đổi nhân sự này thực là một cú sốc đối với chính trường Mỹ ngay cả dưới thời một người có những quyết định táo bạo như Tổng thống Trump. Hơn tất cả, điều khiến ông Mike Pompeo, một cựu binh, thương gia và nguyên Giám đốc CIA, được Tổng thống lựa chọn cho chiếc ghế ngoại trưởng, chính là sự tương đồng trong quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế, trong đó có Iran cũng như Hiệp định Paris.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cách chức Ngoại trưởng Rex Tillerson. Ảnh Reuters.

Ông Mike Pompeo, 54 tuổi, nếu được Thượng viện thông qua, sẽ trở thành người đứng đầu ngành ngoại giao của Mỹ với trọng trách nặng nề trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Triều Tiên vẫn chỉ đang nhen nhóm. Phát biểu trước báo giới ngày 13-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngợi khen ông Pompeo mang một “nguồn năng lượng lớn, một trí tuệ lớn” và cho rằng ông sẽ trở thành một “ngoại trưởng tuyệt vời”.

Tổng thống Mỹ cũng không quên nhấn mạnh về mối quan hệ tốt đẹp giữa ông và ông Pompeo, người có nhiều quan điểm tương đồng về các vấn đề quốc tế. “Tôi đã làm việc với Mike Pompeo trong một khoảng thời gian khá dài, người có một nguồn năng lượng to lớn, trí tuệ to lớn, chúng tôi luôn có cùng bước sóng quan điểm. Chúng tôi có mối quan hệ tốt và đó là điều tôi cần đối với một Ngoại trưởng”, ông Trump nhấn mạnh.

Dù được coi là người “bắt sóng” rất nhuần nhuyễn với tổng thống, tuy nhiên, ông Pompeo lại có quan điểm “hiếu chiến” với Nga, coi Nga là mối đe dọa an ninh tiềm tàng, phần nào ngược ông Trump, người muốn cải thiện quan hệ với Moscow.

Về bà Haspel, người phụ nữ đầu tiên được đề cử vào vị trí Giám đốc CIA, Tổng thống Trump nhận định việc bổ nhiệm bà Haspel sẽ là một “cột mốc quan trọng trong lịch sử”, đồng thời cho biết thêm, bà Haspel và ông Pompeo “đã cùng làm việc trong hơn 1 năm và có sự tôn trọng lẫn nhau đặc biệt”.

Ông Trump cũng không quên dành lời khen cho bà Haspel: “Gina là một người tôi biết rất, rất rõ và cũng là người tôi đã phối hợp làm việc rất chặt chẽ. Bà ấy là một người xuất chúng". Trong một phát biểu được đưa ra ngày 13-3, bà Haspel đã thể hiện sự vinh dự được làm việc với ông Pompeo trong hơn 1 năm qua.

“Tôi thực sự biết ơn Tổng thống Trump vì cơ hội quí giá cũng như sự tin tưởng của ông ấy vào tôi khi đề cử tôi cho vị trí Giám đốc CIA. Nếu được bổ nhiệm, tôi hy vọng sẽ cung cấp cho ngài Tổng thống sự hỗ trợ về tình báo cần thiết như những gì ông ấy mong đợi trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ”, bà Haspel nói.

Sau những cái tên như Hope Hicks, Michael Flynn, James Comey hay Sean Spicer, việc ông Trump sa thải ông Rex Tillerson nối tiếp danh sách những quan chức Nhà Trắng dứt áo ra đi dù là bị cách chức hay tự nguyện rút lui.

Chính trường Mỹ một lần nữa trải qua sóng gió với rất nhiều ý kiến trái chiều về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cách chức ông Tillerson cũng như đề cử ông Mike Pompeo và bà Gina Haspel giữ những chức vụ quan trọng hàng đầu trong chính quyền của mình. Tuy nhiên, hai ứng viên này vẫn cần được sự đồng ý của Thượng viện Mỹ trước khi được chính thức bổ nhiệm.

Duy Tiến
.
.
.