Những điều chưa biết về các lần họp thượng đỉnh liên Triều

Thứ Năm, 26/04/2018, 08:26
Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra trước buổi trưa 27-4 tại làng đình chiến Panmunjom. Kể từ năm 2000 đến nay, đây là lần thứ 3 các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên có cuộc gặp trực tiếp.

Theo thông báo của Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kwun Hyuk-ki, nhiều khả năng, vào sáng 27-4, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un sẽ đi bộ qua biên giới, vào nhà hòa bình – một địa điểm nằm ở phía Hàn Quốc của làng đình chiến Panmunjom. Lịch trình của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều sẽ bao gồm một buổi lễ chào mừng, các cuộc đàm phán và cuối cùng là bữa ăn tối chính thức với sự tham dự của cả hai nhà lãnh đạo.

Ông Kwun Hyuk-ki cũng cho biết thêm rằng, các cuộc đàm phán cấp chuyên viên và cấp cao trước đó đã giúp hai bên đi đến sự thống nhất về nghi thức lễ tân, các biện pháp an ninh và việc đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử này.

Cho đến sáng 24-4, cả hai bên vẫn nhất trí việc cho phép truyền hình trực tiếp cuộc gặp thượng đỉnh cũng như việc có một đội tiền trạm của CHDCND Triều Tiên đến làng đình chiến Panmunjom từ ngày 25-4 để tiến hành các bước chuẩn bị. Một đường dây điện thoại trực tiếp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên cũng đã được thiết lập…

Giới quan sát nhận định rằng, cuộc gặp ngày 27-4 tới không chỉ là bước ngoặt cho mối quan hệ giữa hai nước Hàn Quốc - CHDCND Triều Tiên mà còn có ý nghĩa lớn đối với hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như thế giới. 3 vấn đề chính dự kiến được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh lần này gồm phi hạt nhân hóa, thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên và cải thiện các mối quan hệ liên Triều.

Cho đến thời điểm này, đã có khá nhiều dấu hiệu tích cực trong đó đặc biệt phải chú ý đến tuyên bố của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un về việc ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã phải thốt lên rằng: "Nếu Triều Tiên tiến một bước hướng tới phi hạt nhân hóa, bắt đầu từ việc ngừng thử hạt nhân, điều này có thể đảm bảo một tương lai tươi sáng”. Và để tỏ rõ thiện chí của mình, chính quyền Seoul cũng kêu gọi ngừng tranh cãi chính trị và thực hiện việc ngừng phát thanh tuyên truyền nhằm mục đích “giảm căng thẳng quân sự giữa hai miền Triều Tiên và tạo bầu không khí cho đối thoại hòa bình”.

Trên thực tế, cuộc gặp ngày 27-4 sẽ là Hội nghị thượng đỉnh thứ 3 giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên trong vòng 18 năm qua. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên diễn ra vào năm 2000 và liên quan đến cố lãnh đạo Kim Jong Il cùng Tổng thống Hàn Quốc thời bấy giờ Kim Dae-jung.

Vào thời điểm đó, nền kinh tế của CHDCND Triều Tiên đang trong tình trạng khó khăn và cố lãnh đạo Kim Jong Il muốn tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài. Còn Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung là một nhà hoạt động dân chủ tự do, từng nhận giải Nobel Hòa bình vì “chính sách Ánh dương” đối với CHDCND Triều Tiên với nội dung lập lại mối quan hệ hữu nghị giữa hai miền.

Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và nhà lãnh đạo Kim Jong-il trong Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên năm 2000. Ảnh: Getty.

Nhà phân tích chính trị đồng thời là chuyên gia châu Á Sean King từng nhận xét, “hai tư tưởng lớn gặp nhau tạo nên cuộc họp thượng đỉnh”. Hãng Yonhap và KCNA ngày ấy đưa tin: “Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên đã diễn ra trong 3 ngày, từ 13 đến 15-6-2000, tại thủ đô Bình Nhưỡng của CHDCND Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung đã tới Bình Nhưỡng bằng máy bay để tham dự hội nghị. Cuộc đàm thoại giữa hai nhà lãnh đạo đã gợi mở các quan hệ và đối thoại tốt đẹp giữa Hàn Quốc- CHDCND Triều Tiên. Hai bên đã đưa ra được tuyên bố chung”.

Kể từ sau cuộc gặp này, nhiều đường tàu đường bộ nối liền 2 miền đã được xây dựng và các gia đình sống ở 2 miền cũng có cơ hội được đoàn tụ. Cũng trong năm 2000, cố lãnh đạo Kim Jong-il đã mời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tới CHDCND Triều Tiên nhưng cựu Ngoại trưởng Madeleine K. Albright đã đi thay nhà lãnh đạo Mỹ. Bà Albright tới Bình Nhưỡng với nỗ lực mở rộng Thỏa thuận khung, bao gồm việc thuyết phục CHDCND Triều Tiên dừng các vụ thử tên lửa đạn đạo mà nước này đang phát triển và bán ra bên ngoài.

Nhưng cho mãi đến khi cựu Tổng thống Clinton rời Nhà Trắng và người kế nhiệm ông là cựu Tổng thống George W. Bush nhậm chức năm 2001, không có văn kiên nào được ký kết tiếp theo khi hai bên đạt được Thỏa thuận khung.

Năm 2007, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il lại nhận được lời kêu gọi đến bàn đàm phán. Người đưa ra đề xuất này là Tổng thống Hàn Quốc thời bấy giờ Roh Moo-hyun.

Tờ Korean Times khi đó đưa tin: “Ngày 2-10-2007, bán đảo Triều Tiên chứng kiến giây phút lịch sử đầy cảm xúc: Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun đi bộ qua biên giới 2 nước rồi đi ôtô tới Bình Nhưỡng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Il. Đây là lần đầu tiên một vị Tổng thống Hàn Quốc đi bộ qua ranh giới này”.

Và Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 2 đã dẫn đến một thỏa thuận cùng nhau phát triển Khu công nghiệp Kaesong ở phía Bắc biên giới. Nhà phân tích Im Jong-seok cho rằng, các thỏa thuận trong quá khứ liên quan đến phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên đã không được thực hiện, một phần do thiếu sự ủng hộ hoặc sự đồng thuận từ phía Mỹ.

Vì vậy, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 này có ý nghĩa quan trọng bởi nó mở đường cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - CHDCND Triều Tiên (dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5, đầu tháng 6), thậm chí có thể có một hội nghị thượng đỉnh ba bên.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thì khẳng định, sự thành công của cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sắp tới, cũng như cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, đòi hỏi những ý tưởng mới mẻ, táo bạo và không phạm phải những sai lầm trong quá khứ”.

Huyền Chi
.
.
.