Nhiều nước đồng thuận thực hiện ngay Nghị quyết 2401 của Liên Hợp Quốc về Syria

Thứ Hai, 26/02/2018, 09:07
Đó là đánh giá của giới quan sát về Nghị quyết 2401 mới được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) thông qua hôm 24-2 (giờ địa phương) yêu cầu ngừng bắn 30 ngày tại Syria.

Trước đó, rất nhiều dự thảo nghị quyết về Syria trong suốt hơn 7 năm qua đều bị đổ vỡ do sự khác biệt về lập trường giữa các bên.

Đồng thuận nhưng chưa hết nghi ngờ

Bày tỏ hoan nghênh quyết định trên của HĐBA LHQ, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ mong muốn, Nghị quyết 2401 sẽ được thực thi ngay lập tức và được duy trì, đặc biệt để đảm bảo vận chuyển các hoạt động cứu trợ và viện trợ “ngay lập tức, an toàn, không bị ngăn cản và kéo dài”, cũng như việc sơ tán người ốm và người bị thương, giảm bớt nỗi đau của người dân Syria. 

Tổng Thư ký Antonio Guterres lưu ý rằng, tất cả các bên “đều có nghĩa vụ tối cao là bảo vệ dân thường”, đồng thời nhấn mạnh rằng, “các nỗ lực chống khủng bố không thể thay thế nghĩa vụ trên”. 

Hai nhóm nổi dậy chính ở Syria là Jaish al-Islam và Failaq al-Rahman cũng tuyên bố ủng hộ nghị quyết ngừng bắn của LHQ. Trong các tuyên bố riêng rẽ, các nhóm này cam kết bảo vệ các đoàn xe viện trợ đi vào các khu vực mà họ đang kiểm soát ở gần thủ đô Damascus. 

Các tuyên bố nêu rõ lực lượng nổi dậy “sẽ tuân thủ nghị quyết ngừng bắn nhưng sẽ đáp trả bất cứ hành động vi phạm nào”.

Bên cạnh những ý kiến hoan nghênh là những thái độ hoài nghi. Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho biết, Washington muốn lệnh ngừng bắn tại Syria được thực thi ngay lập tức, song bày tỏ hoài nghi về khả năng tuân thủ của Chính phủ Syria. 

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cho rằng, khó có thể thực thi một lệnh ngừng bắn tại Syria “nếu không có các thỏa thuận cụ thể” giữa các bên tham chiến. 

Chia sẻ quan điểm này, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Mã Triều Húc kêu gọi thực thi đầy đủ Nghị quyết 2401, cho rằng cộng đồng quốc tế nên phối hợp đảm bảo việc thực thi đầy đủ nghị quyết  để văn kiện này đóng một vai trò tích cực trong việc cải thiện tình hình nhân đạo tại Syria. 

Đại sứ Mã Triều Húc cũng nhấn mạnh rằng, một giải pháp chính trị là lối thoát duy nhất cho cuộc nội chiến tại Syria và kêu gọi cộng đồng quốc tế cần ủng hộ các bên tìm một giải pháp được tất cả chấp nhận, dưới vai trò trung gian của LHQ, thông qua “một tiến trình chính trị do Syria và của người Syria” càng sớm càng tốt.

Trong ngày 25-2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên kế hoạch tiến hành hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc thực thi Nghị quyết 2401. 

Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, bên cạnh vấn đề thực thi nghị quyết này, các bên sẽ thảo luận một lộ trình chính trị cần để đạt được hòa bình vĩnh viễn tại Syria. Tuyên bố của Văn phòng trên cho biết “ngừng bắn là một bước đi quan trọng đầu tiên” và cần “đặc biệt thận trọng” trong việc thực thi nghị quyết này.

Phiên họp về Syria của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 24-2 (giờ địa phương).

Đòn bẩy cho một giải pháp chính trị

Nghị quyết 2401 yêu cầu tất cả các bên liên quan “không trì hoãn”, phải chấm dứt ngay các hoạt động thù địch trên toàn Syria trong ít nhất là 30 ngày liên tiếp để tạo điều kiện cho một lệnh ngừng bắn nhân đạo bền vững. Mục tiêu là cho phép các hoạt động vận chuyển “an toàn và đều đặn” hàng viện trợ, cũng như sơ tán những người ốm và bị thương.

 Để nhận được sự tán thành của Nga, Nghị quyết 2401 có một số điều chỉnh so với dự thảo ban đầu. Đơn cử như chi tiết lệnh ngừng bắn sẽ bắt đầu có hiệu lực 72 giờ sau khi dự thảo được thông qua, được thay bằng cụm từ “không trì hoãn”, và cụm từ “ngay lập tức” cũng được đưa vào đoạn nói về hoạt động vận chuyển và sơ tán y tế. 

Một thay đổi khác theo yêu cầu của Nga là nghị quyết nêu rõ lệnh ngừng bắn sẽ không được áp dụng đối với các chiến dịch chống lại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay al-Qaeda, cùng với các “cá nhân, tổ chức và thực thể” có liên quan với các tổ chức khủng bố. 

Điều này sẽ cho phép Chính phủ Syria tiếp tục tấn công những phần tử thánh chiến có quan hệ với al-Qaeda ở Idlib- tỉnh cuối cùng ở Syria còn nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền. 

Nghị quyết cũng yêu cầu chấm dứt tất cả các cuộc bao vây, bao gồm ở Đông Ghouta, Yarmouk, Foua và Kefraya, đồng thời đề nghị tất cả các bên “chấm dứt việc cướp bóc thuốc men và thực phẩm của dân thường”.

Mặc dù khẳng định sự ủng hộ đối với Nghị quyết 2401 vì những người dân vô tội Syria, những người cần được giúp đỡ, song phía Mỹ vẫn bày tỏ thái độ không đồng tình đối với những sửa đổi theo yêu cầu của Nga. 

Đại sứ Nikki Haley nhấn mạnh rằng: “Mọi con mắt hiện nay đều dõi theo chính quyền Syria, Iran và Nga. Mục tiêu của chúng ta với nghị quyết này là rõ ràng: chính quyền Syria cần phải chấm dứt các hoạt động quân sự xung quanh Đông Ghouta và cho phép các hỗ trợ nhân đạo có thể tiếp cận với tất cả những người có nhu cầu”. 

Đáp lại, bác bỏ mạnh mẽ những chỉ trích của Mỹ, Đại sứ Vasily Nebenzya “bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước những tuyên bố công khai của một số quan chức Mỹ, đe dọa tấn công nhằm vào một quốc gia có chủ quyền, đó là nước Cộng hòa Syria. Chúng tôi sẽ không quan tâm tới bất kỳ những diễn giải nào khác đối với nghị quyết vừa được thông qua”. 

Cũng theo Đại sứ Nga tại LHQ, cần phải chấm dứt những tuyên bố không mang tính xây dựng và thay vào đó là cùng tham gia nỗ lực chung nhằm  giải quyết cuộc xung đột tại Syria trên cơ sở Nghị quyết 2254 của HĐBA LHQ. 

Trong khi đó, Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre nhấn mạnh, cần phải sử dụng lệnh ngừng bắn đạt được như “một đòn bẩy” để đi tới một thỏa thuận chính trị. Chia sẻ quan điểm này, Đại sứ Thụy Điển tại LHQ Olof Skoog nhấn mạnh, nghị quyết không phải là một thỏa thuận hòa bình về Syria, mà thuần túy mang ý nghĩa nhân đạo.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.