Ngành du lịch thế giới ảnh hưởng nặng nề vì dịch do virus Corona

Chủ Nhật, 02/02/2020, 15:58

Với sự bùng phát của dịch viêm hô hấp do chủng mới của virus Corona, nhiều nước đã hạn chế cho người từ Trung Quốc nói chung và tỉnh Hồ Bắc nói riêng nhập cảnh, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến du lịch của nhiều nơi.

Ngành du lịch của hàng loạt nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm di chuyển do virus Corona. Ảnh minh họa.

Bill Egerton, chủ tour du lịch Koala Blue tại Queensland, Australia trong hơn 25 năm qua, cho biết rằng ông đã mất 15 tour trong tháng 2 này. “Du khách đến từ Trung Quốc chiếm khoảng 10 đến 20% trong công việc kinh doanh tôi và có vẻ như chính quyền chẳng mấy hiểu về mất mát về thu nhập và ảnh hưởng đến công việc của tôi. Các công viên giải trí sẽ bị ảnh hưởng, cùng với đó là các khách sạn. Những nhóm du khách có từ 20 đến 400 người. Trung Quốc là thị trường du khách lớn nhất của chúng tôi”, ông Egerton cho biết.

Tại khu vực Gold Coast, địa điểm du lịch hàng đầu của Australia, du khách Trung Quốc đem lại đến 1,6 tỷ USD trong năm 2019.

Tổng cộng, Australia đón tiếp 9,4 triệu khách du lịch năm 2019, trong đó 7,96 triệu người Trung Quốc đóng góp đến 21,95 triệu USD cho ngành du lịch xứ sở chuột túi.

Trung Quốc là thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới. Số người Trung Quốc du lịch nước ngoài nhảy vọt từ 4,5 triệu năm 2000 lên 150 triệu năm 2018

Trong thập kỷ này, con số này được cho là sẽ nhân đôi khi 20% dân số Trung Quốc sẽ được cấp passport.

Trung Quốc cũng là nước chi nhiều tiền nhất cho du lịch, khoảng 277 tỷ USD, tương đương 16% tổng số tiền dành cho việc đi du lịch của thế giới, theo UNWTO.

Với lệnh cấm du lịch theo nhóm của Trung Quốc cũng như sự dè chừng của các nước, sự vắng mặt của các du khách Trung Quốc sẽ hiện hữu ngày càng rõ rệt trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khu vực dựa khá nhiều vào khách du lịch Trung Quốc, trong khi nhiều nơi tại châu Âu và châu Mỹ cũng sẽ cảm thấy phần nào những áp lực.

Ngày 30-1, Tổ chức Y tế Thế giới công bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu liên quan đến dịch viêm hô hấp do chủng mới của virus Corona, hồi chuông cảnh báo trên phạm vi thế giới. Bộ Ngoại giao Mỹ đã tăng mức khuyến cáo di chuyển, cảnh báo người dân không đi đến Trung Quốc. Anh và Canada cũng có động thái tương tự.

Các hãng hàng không United, American, Delta hay British Airways, KLM, Air Canada và Lufthansa cũng đã dừng cung cấp dịch vụ đến và từ nhiều thành phố của Trung Quốc trong khi các hãng như Cathay Pacific đã giảm đáng kể chuyến bay.

Ngày 31-1, Mỹ ban bố tạm cấm nhập cảnh với người nước ngoài từng đến Trung Quốc trong 14 ngày qua. Bộ Y tế Singapore cũng cấm tất cả những người từng đến Trung Quốc trong 14 ngày qua đến hoặc quá cảnh tại nước này.

Hong Kong, Macau, Mông Cổ, Hàn Quốc và Nga cũng đã đóng một phần hoặc toàn bộ biên giới với Trung Quốc nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Do ảnh hưởng của những lệnh cấm du lịch, những địa điểm vốn đông du khách như Angkor Wat của Campuchia, Cung điện Vàng của Thái Lan hay Điện Hoàng gia của Tokyo đã trở nên vắng vẻ lạ thường.

Theo hãng phân tích dữ liệu du lịch ForwardKeys, ảnh hưởng trở nên rõ ràng vào thời điểm giữa kỳ nghỉ Tết, một dịp du lịch đông đúc nhất của năm. Từ ngày 19 đến 26-1, các đơn đặt phòng tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên, khi lệnh cấm di chuyển đi vào hiệu lực, số đơn đặt phòng giảm 6,8%.

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thường đón tiếp đến 75% du khách Trung Quốc dịp Tết Nguyên đán, đã bị ảnh hưởng nặng nề. Đơn đặt phòng giảm 1,3% sau lệnh cấm, sau đó là tiếp tục giảm 15% sau chỉ trong 1 tuần lễ.

Các nước như Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản – những địa điểm mà du khách Trung Quốc thường dành kỳ nghỉ Tết – bị ảnh hưởng lớn bởi lệnh cấm di chuyển.

Riêng Trung Quốc đã đóng góp đến 51% GDP du lịch và di chuyển tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2018, theo số liệu của Hội đồng Du lịch và Di chuyển thế giới.

Tại Thái Lan, nơi mà du khách Trung Quốc chiếm đến 30% lượt đến, ảnh hưởng của virus Corona dường như rất rõ ràng. Theo Chủ tịch Hiệp hội các công ty du lịch Thái Lan Vichit Prakobgosol, từ 1,2 đến 1,3 triệu du khách Trung Quốc đã hủy chuyến đi đến Thái Lan trong tháng 2 và 3.

Tại Nhật Bản, nơi du khách Trung Quốc chiếm khoảng 27% lượng khách nội địa, một loạt các chuyến du lịch theo nhóm của Trung Quốc đã khiến các công ty du lịch như Kamome, có trụ sở tại Tokyo bị áp đảo. Theo công ty, hơn 20.000 khách hàng du lịch trọn gói Trung Quốc đã rút đơn đặt phòng trên tất cả các chuyến đi đến Nhật Bản cho đến ngày 10-2.

Trung Quốc là thị trường du lịch quốc tế hàng đầu tại Nhật Bản. Du khách Trung Quốc đã chi 15,6 tỷ USD vào năm 2019, chiếm 36,8% tổng chi tiêu của khách du lịch nước ngoài tại Nhật Bản.

Mặc dù hiện nay vẫn còn quá sớm để tính toán thiệt hại về kinh tế, nhưng ảnh hưởng toàn cầu đối với ngành du lịch sẽ dựa vào thời gian virus Corona bị dập tắt.

Dịch SARS đã “đốt” của nền kinh tế toàn cầu khoảng 30-50 tỷ USD, khiến Trung Quốc mất 16 tháng để phục hồi tình trạng trước khủng hoảng.

Tuy nhiên, lần này, chính phủ Trung Quốc có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó với đợt bùng phát. Nước này đã phản ứng nhanh hơn nhiều so với dịch SARS.

Duy Tiến (Theo CNN)
.
.
.