Nga, Mỹ lại khẩu chiến về Syria tại cuộc họp khẩn
- Nga-Mỹ khẩu chiến về vụ tấn công đoàn xe cứu trợ ở Syria
- Syria: Vì sao thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ?
- Syria tuyên bố kết thúc lệnh ngừng bắn
Trong khi Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho rằng, hòa bình ở Syria “gần như là một nhiệm vụ bất khả thi vào lúc này” thì Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power chỉ trích hành động của Nga ở Syria là không thể chấp nhận được, không phải chống chủ nghĩa khủng bố.
Đại sứ Samantha nhấn mạnh, thay vì đối phó với khủng bố, những gì Nga đang làm là hành động phá hoại tại Syria: “Thay vì theo đuổi hòa bình, Nga và Tổng thống Syria Bashar Al-Assad đang khơi mào cho cuộc chiến. Thay vì giúp đưa hàng hỗ trợ nhân đạo đến dân thường, Nga và Tổng thống Syria đang giội bom vào các chuyến hàng viện trợ nhân đạo và những người đang cố gắng mang lại cuộc sống cho người dân Syria”.
Điều mà dư luận lo ngại nhất hiện nay là Nga và Mỹ sẽ bắt đầu một chiến dịch hậu thuẫn mạnh cho các bên đối lập trong cuộc xung đột tại Syria thay vì tìm kiếm một giải pháp hòa bình. |
Chỉ trích này ngay lập tức đã bị phía Nga bác bỏ. Đại sứ Churkin cho rằng, sự hỗ trợ của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu đối với các nhóm vũ trang đang ảnh hưởng đến các hoạt động hỗ trợ nhân đạo.
Đại sứ Nga tại LHQ cũng cáo buộc Mỹ đã cung cấp vũ khí, trang thiết bị cho các nhóm phiến quân đang hoành hành tại phía Đông Aleppo: “Tại Đông Aleppo, có khoảng 2.000 tay súng thuộc các nhóm phiến quân khác nhau, và chúng được trang bị vũ khí hạng nặng, xe bọc thép và xe tăng. Chúng không thể tự nhiên mà sở hữu tất cả vũ khí này. Chúng nhận được số vũ khí đó từ chính các nước phương Tây hậu thuẫn cho chúng một cách cực kỳ hào phóng. Đó chính là các nước tham gia liên quân do Mỹ đứng đầu”.
Và Mỹ dường như đã nhắm mắt làm ngơ trước chuyện này. Tình hình này đang làm phức tạp thêm cho cuộc chiến đối phó với chủ nghĩa khủng bố, khiến việc đem lại hòa bình cho Syria vào thời điểm này là một nhiệm vụ bất khả thi.
Bên cạnh đó, Đại sứ Churkin khẳng định, phiến quân al-Nusra đang tấn công các đoàn xe chở hàng viện trợ vào Aleppo: “Chính phủ Syria đã chấp thuận để đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo đi qua khu vực do họ kiểm soát, tuy nhiên, phiến quân al-Nusra đã có những hành động khiêu khích. Chúng liên tục tấn công vào các khu vực nơi quân Chính phủ Syria có mặt với mục tiêu gây ra càng nhiều tổn thất càng tốt”.
Cũng theo ông Churkin: “Từ lâu, những người bạn Mỹ của chúng tôi đã khẳng định rằng, không hề có bóng dáng của lực lượng al-Nusra tại Aleppo, trong khi trên thực tế, al-Nusra là lực lượng chủ chốt tại đó và chúng đang ngăn cản mọi nỗ lực viện trợ nhân đạo cho các thường dân tại đây”.
“Phiến quân al-Nusra đã phá hủy nhiều bệnh viện và những nơi cung cấp nước sạch. Dân thường tại Aleppo đã trở thành “lá chắn sống” cho chúng trong rất nhiều vụ việc gần đây. Chúng cũng tấn công vào các tuyến đường hành lang viện trợ nhân đạo và những người tham gia vào nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo”.
Từ đó, Đại sứ Nga kêu gọi LHQ nỗ lực nối lại tiến trình chính trị giúp tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria. Nhà ngoại giao Churkin cũng nhấn mạnh, Nga và Chính phủ Syria sẽ không chấp nhận các biện pháp đơn phương ngừng bắn ở Syria thêm nữa sau việc mà ông Churkin gọi là “Mỹ sử dụng những mánh khóe chiến thuật” để các phần tử khủng bố tăng cường lực lượng.
Ông Churkin cho biết, phía Mỹ thường yêu cầu ngừng bắn, lúc thì 48 giờ, lúc thì 72 giờ nhưng sau khi phía Chính phủ Syria có bước đi trước thì các nhóm đối lập lại tăng cường lực lượng và tấn công.
Về phía LHQ, Đặc phái viên LHQ về Syria Stafffan De Mistura một lần nữa kêu gọi HĐBA LHQ gây sức ép để các bên chấm dứt bạo lực, bảo vệ dân thường, thiết lập lệnh ngừng bắn 48h/tuần để vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo.
Ông Mistura cho rằng, các bên cần phải tiếp tục nỗ lực mang lại hòa bình cho Syria bất chấp những khó khăn hiện nay. “Tôi vẫn cho rằng chúng ta có thể đảo ngược tình hình. Điều này đã được chứng minh hơn một lần trước đây. Cộng đồng quốc tế sẽ luôn sát cánh cùng người dân Syria và LHQ cũng vậy”, ông Mistura nói.
Đáp lại, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã hối thúc các cường quốc thế giới làm việc tích cực hơn để chấm dứt “cơn ác mộng” ở Syria. Theo ông Ban Ki-moon, dù có bất cứ lý do gì thì cũng không bằng hành động quyết đoán để ngăn chặn tình trạng bất ổn ở Syria.
Trong khi đó, tình hình tại Aleppo tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo các nhà hoạt động tại Syria, quân đội Syria hôm 24-9 tiếp tục các cuộc không kích nhằm vào khu vực phía Đông Aleppo làm 85 người thiệt mạng và hơn 300 người khác bị thương. Các vụ không kích cũng phá hủy các khu dân cư, bệnh viện…
Cùng ngày, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem tuyên bố quân đội nước này đang tiến triển trong “cuộc chiến chống khủng bố”, đồng thời bày tỏ tin tưởng về chiến thắng cuối cùng.
Ông al-Moualem cũng cáo buộc Mỹ và các đồng minh đang “đồng lõa” với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm khủng bố vũ trang khác.
Theo Ngoại trưởng Syria, cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm vào binh lính Syria cách đây một tuần là hành động cố ý, bác bỏ tuyên bố của Washington rằng đây chỉ là một sai lầm đáng tiếc.