Mỹ kêu gọi các đồng minh tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông

Chủ Nhật, 30/12/2018, 23:19
Phát biểu ngày 29-12 (giờ địa phương), Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương Randy Schriver đã lên tiếng kêu gọi các đồng minh của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương cần tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông. Đây không phải lần đầu tiên giới chức Mỹ kêu gọi các đồng minh có hành động trước sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong bài phát biểu, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Randy Schriver cảnh báo Trung Quốc có thể đang muốn thiết lập các căn cứ quân sự tại Nam Thái Bình Dương. Ông nêu rõ: “Mỹ hoan ngênh Australia gần đây đã đẩy mạnh hoạt động hải quân ở Biển Đông. Tôi cho rằng, điều có thể gây áp lực lớn hơn đối với Trung Quốc là các đối tác và đồng minh của Mỹ cùng tham gia hoạt động này (tại Biển Đông). Nếu không phải là các chiến dịch tự do hàng hải, thì chỉ cần tuần tra chung và hiện diện”.

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết thêm rằng, các đồng minh khác của Mỹ như Anh, Pháp và Canada cũng đã tăng cường các hoạt động quân sự tại Biển Đông. Ông khẳng định: “Chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều hoạt động của những bên quan tâm khác vì tôi nghĩ có một sự thừa nhận rằng sự xói mòn trong việc tuân thủ luật pháp và các qui tắc quốc tế ở Biển Đông phát đi những tín hiệu toàn cầu”.

Đánh giá về lời kêu gọi của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cùng ngày, ông Paul Buchanan, một chuyên gia về an ninh Mỹ tại Auckland, New Zealand, cho rằng, các đồng minh của Washington có thể sẽ ủng hộ lời kêu gọi thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Ông chỉ ra rằng, Australia và New Zealand, hai đối tác thương mại quan trọng của Bắc Kinh, đang cân bằng các mối quan hệ kinh tế và quốc phòng.

Theo ông Paul Buchanan, một trong những biểu hiện của xu thế này đó là việc mới đây Mỹ và Australia tuyên bố hai nước sẽ hợp tác để tái phát triển căn cứ Lombrum trên Manus, hòn đảo có diện tích 2.100km2 của Papua New Guinea, cũng như việc cấm tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc tham gia các dịch vụ 5G mới tại Australia và New Zealand. Nhật Bản, một đồng minh thân cận khác của Mỹ trong khu vực, mới đây đã phê chuẩn cẩm nang phòng thủ quốc gia mới, trong đó tăng ngân sách quốc phòng lên đến mức kỷ lục 5,26 nghìn tỷ yên (48 tỷ USD) cho năm tài chính 2019.

Chính phủ Nhật Bản khẳng định, việc tăng cường năng lực phòng thủ là cần thiết nhằm chống lại những thách thức an ninh gia tăng trong khu vực, trong đó có căng thẳng với CHDCND Triều Tiên và đặc biệt là sự mở rộng các hoạt động quân sự của Trung Quốc. Trung Quốc đã đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng và mở rộng sự hiện diện quân sự tại Biển Đông, nơi Nhật Bản tiến hành các hoạt động giao thương với các thị trường lớn trong đó có châu Âu và Trung Đông.

Hồi tháng 10 vừa qua, máy bay, tàu chiến của 5 nước Australia, Singapore, Malaysia, New Zealand và Anh đã tham gia cuộc diễn tập Bersama Lima ở khu vực thuộc Biển Đông ngoài khơi Malaysia và Singapore.

Đây không phải lần đầu tiên giới chức Mỹ kêu gọi các đồng minh có hành động trước sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông. Tại Hội nghị Bộ trưởng 2+2 Mỹ - Australia diễn ra cuối tháng 7 ở California, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis của Mỹ cùng Ngoại trưởng Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne của Australia nhấn mạnh hành động quân sự hóa vùng biển tranh chấp của Trung Quốc trên Biển Đông đi ngược lại mục tiêu phát triển hòa bình của khu vực.

Nhóm tàu sân bay Mỹ thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Ảnh: chinadefenseobservation.

Tuyên bố chung sau hội nghị tham vấn ngoại giao - quốc phòng Mỹ-Australia nêu rõ hai bên ủng hộ Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) cần phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, ủng hộ cấu trúc khu vực hiện nay, củng cố cam kết của các bên ngừng những hành động làm phức tạp các tranh chấp và không gây tổn hại lợi ích của các bên thứ ba hoặc quyền lợi của tất cả các nhà nước trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Trước đó, phát biểu tại Đối thoại Shangri-la-17 diễn ra tại Singapore đầu tháng 6-2018, Bộ trưởng James Mattis cũng nhận định việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông thông qua hành động triển khai các hệ thống vũ khí tối tân tại vùng biển này là nhằm mục đích “đe dọa và gây sức ép” với các bên láng giềng.

Người đứng đầu Lầu Năm góc nêu rõ Trung Quốc đã triển khai hàng loạt khí tài quân sự, trong đó có tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không và các thiết bị gây nhiễu điện tử trên khắp Biển Đông, khu vực mà Bắc Kinh đã xây các đảo nhân tạo và biến các thực thể trên biển khác thành các cơ sở quân sự. Trung Quốc còn hạ cánh máy bay ném bom xuống đảo Woody (đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Theo ông James Mattis, đó là những hành động vi phạm luật pháp quốc tế và làm leo thang căng thẳng khu vực.

Việc Mỹ tăng cường hiện diện và đẩy mạnh các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông cũng làm gia tăng nguy cơ đụng độ với Trung Quốc. Hồi tháng 8-2018, một tàu chiến Trung Quốc đã tiếp cận quá gần và suýt va chạm với tàu khu trục Mỹ.

Ngày 2-10, Hải quân Mỹ công bố một loạt ảnh chụp lại vụ chạm mặt giữa tàu USS Decatur và tàu Lan Châu thuộc lớp Lữ Dương II (Type 052C) của Hải quân Trung Quốc tại khu vực gần đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên đá Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trước đó, hồi tháng 4, ba tàu Hải quân Hoàng gia Australia trên đường tới thăm hữu nghị Việt Nam đi qua Biển Đông cũng đã bị các tàu Hải quân Trung Quốc quấy nhiễu.

PV (tổng hợp)
.
.
.