Mỹ - Trung đạt thỏa thuận tránh nguy cơ chiến tranh thương mại

Thứ Hai, 21/05/2018, 09:35
Sau 2 ngày đàm phán trong khuôn khổ vòng đàm phán thứ 2 nhằm giải quyết những bất đồng thương mại gây căng thẳng thời gian qua, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí từ bỏ chiến tranh thương mại và rút lại các lời đe dọa áp thuế.

Đây được đánh giá là bước tiến khá lớn sau khi vòng đàm phán thứ nhất diễn ra cách đây hơn 2 tuần đã kết thúc mà hầu như không đạt được tiến triển nào.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người đứng đầu phái đoàn đàm phán của Trung Quốc, ngày 20-5 xác nhận: “Hai bên đã đạt đồng thuận, sẽ không tiến hành một cuộc chiến thương mại, và sẽ ngừng tăng thuế lẫn nhau”. Tuyên bố chung đưa ra sau khi kết thúc đàm phán cũng nêu rõ: “Hai bên đã đạt được sự đồng thuận đối với các biện pháp hiệu quả nhằm giảm đáng kể thâm hụt thương mại hàng hóa giữa Mỹ với Trung Quốc.

Tàu YM Bamboo của Hãng vận tải biển Trung Quốc (COSCO) cập cảng Oakland ở Oakland, California (Mỹ). Ảnh: Reuters.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân Trung Quốc cũng như nhu cầu phát triển kinh tế chất lượng cao, Trung Quốc sẽ tăng cường đáng kể việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Điều này sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng và việc làm tại Mỹ”. Theo tuyên bố chung, Trung Quốc sẽ mua thêm nhiều hàng hóa trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp của Mỹ nhằm giảm khoản thâm hụt thương mại khổng lồ với Mỹ lên tới hơn 370 tỷ USD. Tuy nhiên, tuyên bố trên không nêu chi tiết con số mà Trung Quốc đưa ra.

Tuyên bố chung khẳng định, Mỹ và Trung Quốc sẽ tránh đẩy tình trạng căng thẳng leo thang liên quan tới mức thuế quan và nhất trí giải quyết những mối lo ngại về thương mại “một cách chủ động”. Trước đó, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Larry Kudlow cho biết Trung Quốc đã đồng ý mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ nhằm giảm mạnh thâm hụt thương mại.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, với tổng giá trị hàng hóa mà Trung Quốc mua từ Mỹ vào năm ngoái là 130 tỷ USD, Trung Quốc khó có thể đạt được con số trên nhằm đáp ứng mục tiêu mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đề ra trước vòng đàm phán đầu tiên diễn hai tuần trước ở Bắc Kinh.

Thành công của vòng đàm phán được đánh giá là sẽ giúp tạm đẩy lùi nguy cơ chiến tranh mậu dịch giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo tuyên bố chung, hai bên đồng ý tiếp tục đàm phán. Như vậy, có lẽ Washington sẽ tạm gác kế hoạch thực thi vòng áp thuế quan đầu tiên đối với 50 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc xuất sang Mỹ, được dự kiến vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau.

Nếu Mỹ không hành động, Trung Quốc cũng sẽ không áp dụng các biện pháp thuế quan trả đũa tương đương. Washington cũng có thể tuyên bố là đã thành công với chiến lược gây áp lực lên Bắc Kinh càng mạnh càng tốt để rốt cuộc Trung Quốc phải có một số nhượng bộ. Tín hiệu tích cực từ phía Bắc Kinh là, hôm 18-5, trong khi hai bên tiến hành đàm phán thương mại tại Washington, Bộ Thương mại Trung Quốc đã thông báo ngừng điều tra chống bán phá giá và trợ cấp đối với các sản phẩm lúa miến nhập khẩu từ Mỹ.

Theo giới phân tích, nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là khó xảy ra. Bởi tới nay, người đứng đầu Nhà Trắng dù vẫn tỏ ra cứng rắn trong vấn đề thương mại và thực hiện lời hứa tranh cử là đạt được một thỏa thuận có lợi hơn cho nước Mỹ, song nước này cũng lo ngại hành động trả đũa của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới các bang nông nghiệp vốn ủng hộ đảng Cộng hòa, hay ảnh hưởng tới nền kinh tế trước cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 11 tới.

Trong khi đó, Trung Quốc dù tuyên bố sẽ kiên quyết bảo vệ các lợi ích của nước này và sẽ không đưa ra bất kỳ thỏa thuận nào xâm phạm tới lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, song cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cuộc tham vấn thương mại.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết: “Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế lớn có quan hệ kinh tế và thương mại khá chặt chẽ. Chúng ta không thể tránh khỏi những quan điểm khác nhau và gặp phải một số vấn đề. Vì thế, các cuộc tham vấn là rất quan trọng nhằm giải tỏa những lo ngại của nhau, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, cũng như nhằm hướng tới sự thỏa hiệp”.

Nhìn chung, có thể thấy cuộc tranh chấp mậu dịch hiện hành giữa Mỹ và Trung Quốc mới chỉ là “vòng một” của cuộc chiến kinh tế sẽ kéo dài nhiều năm, nếu không nói là hàng thập niên. Bất luận nước nào ở thế thượng phong thì cuộc chiến đó cũng gây ảnh hưởng bất lợi tới phần còn lại của thế giới, nhất là những nền kinh tế nhỏ hơn vốn phải dựa vào cả hai nước này để phát triển.

Trong bối cảnh đó, xây dựng nền kinh tế dựa trên tri thức, đổi mới công nghệ là chìa khóa để những nền kinh tế nhỏ đối phó với những “cơn gió ngược” đến từ cuộc chiến kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.