Mỹ - Trung cần ngưng “khẩu chiến” về đại dịch COVID-19

Thứ Hai, 30/03/2020, 23:06

Đây là điều mà hai cường quốc thế giới cần làm ngay lúc này để chung tay nỗ lực chống dịch toàn cầu.

“Khẩu chiến” không giúp giải quyết vấn đề

Trả lời phỏng vấn đài CNN (Mỹ) hôm 29-3, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã lên án việc Mỹ và Trung Quốc chơi “trò đổ lỗi” lẫn nhau về đại dịch COVID-19 trong nhiều tuần qua và nói “như thế sẽ không giúp chúng ta giải quyết vấn đề sớm hơn”.

Những bình luận này của nhà lãnh đạo Singapore được đưa ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn hứng chịu nhiều chỉ trích vì phản ứng rời rạc đối với đại dịch, và không có nhiều quốc gia tìm tới cách chống dịch từ phía nhà lãnh đạo Mỹ hoặc các quan chức cấp cao của ông, theo SCMP. 

Thay vào đó, cách phản ứng nhanh nhẹn của Singapore, Hong Kong, Đài Loan và Hàn Quốc trong việc xét nghiệm và theo dõi những người nhiễm bệnh đang được nhiều nước trên thế giới dõi theo. 

Giới phân tích cho rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nên hợp tác cùng nhau để đẩy lùi đại dịch COVID-19. (nguồn: Economist.com)

Giới quan sát nhận định, Trung Quốc, dù chịu những cú sốc ban đầu từ dịch bệnh, nhưng hiện tại đã dần hồi phục và bắt đầu khẳng định vai trò lãnh đạo thế giới bằng cách hỗ trợ vật tư y tế cho hàng chục đối tác thương mại.

Về phần mình, Thủ tướng Singapore cho biết ông muốn thấy được sự lãnh đạo của Mỹ, khi mà dịch COVID-19 hiện giờ đã lây lan tới 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 724.000 người nhiễm và hơn 34.000 người tử vong. 

“Vâng, đương nhiên. Bạn (Mỹ) có nguồn lực, có khoa học, có ảnh hưởng, có quyền lực mềm và từng có kinh nghiêm xử lý các vấn đề tương tự một cách thuyết phục và thành công, vì lợi ích lớn hơn của nhiều quốc gia, không chỉ ở Mỹ”, ông Lý Hiển Long nói, và bày tỏ “đáng tiếc nếu Mỹ không tận dụng những nguồn lực đó ngay bây giờ để đối phó với thách thức rất nghiêm trọng này của nhân loại”. 

Cũng theo Thủ tướng Singapore, màn "khẩu chiến" giữa Washington và Bắc Kinh về việc ai phải chịu trách nhiệm đối với đại dịch COVID-19 là "hoàn cảnh đáng tiếc nhất".

“Nếu Mỹ và Trung Quốc tiếp tục lời qua tiếng lại và đổ lỗi cho nhau về việc ai là bên tạo ra virus này và ‘thả’ nó ra ngoài thế giới, tôi không nghĩ điều đó có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề sớm hơn”, ông Lý Hiển Long tuyên bố, đồng thời cảnh báo các nước có thể tìm đến nơi khác nếu không có sự lãnh đạo rõ ràng của Mỹ trong cuộc chiến chống virus. 

Thủ tướng Singapore lập luận rằng "thế giới từng hưởng lợi lớn từ sự lãnh đạo của Mỹ trong những trường hợp tương tự trong nhiều thập kỷ qua", nhưng nếu Mỹ đi theo hướng khác, thế giới cũng sẽ phải làm như vậy và "đây sẽ là mất mát lớn".

Hi vọng ra sao từ bắt tay Mỹ - Trung?

Các bệnh truyền nhiễm thường tạo ra cơ hội hợp tác quốc tế. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các nhà khoa học của Liên Xô (cũ) và Mỹ đã cùng nhau phát triển và cải tiến một loại vaccine bại liệt. Tinh thần hợp tác tương tự được Mỹ và Trung Quốc thể hiện đối với sự bùng phát dịch SARS năm 2003.

Vào ngày 6-5-2009, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đích thân điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama để bày tỏ lời chia buồn sâu sắc về sự bùng phát bệnh cúm H1N1 ở Mỹ và mong muốn duy trì liên lạc cũng như tăng cường hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Mỹ và các bên liên quan khác để cùng nhau giải quyết rủi ro của dịch bệnh này đối với sức khỏe và sự an toàn của con người… 

Thế nhưng, mối quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Donald Trump đã căng thẳng trước COVID-19. Theo tờ Atlantic, bài học về dịch bệnh lần này không phải là Mỹ nên ngừng hợp tác với Trung Quốc, mà đó là Mỹ cần phải xây dựng lại hợp tác y tế vốn đã bị phá huỷ trước đó.

Một bức ảnh cho thấy từ "Corona" bị xóa và được thay bằng "Trung Quốc" trong thông báo về dịch COVID-19 của Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: ITN)

Sự bùng phát COVID-19 đã “tạo ra một cơ hội hoàn hảo” cho Washington và Bắc Kinh để vượt lên trên sự khác biệt của họ và cùng nhau giải quyết một mối đe dọa chung. 

Hai nước có thể đã chung tay hỗ trợ WHO trong việc điều phối phản ứng quốc tế đối với đại dịch. Các chuyên gia từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ có thể đã giúp Trung Quốc điều tra nguồn gốc và bản chất của virus, tại thời điểm các đối tác Trung Quốc của họ cần chuyên môn chuyên sâu hơn trong lĩnh vực này. Là một nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu về dược phẩm, Trung Quốc có thể đã hợp tác chặt chẽ với Mỹ để giảm thiểu sự gián đoạn của chuỗi cung ứng thuốc. Cả hai quốc gia đều có năng lực mạnh mẽ để sản xuất vaccine...

Với những tiềm năng hợp tác như vậy, kết hợp với thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà hai nước ký trong tháng 1-2020, sẽ làm dịu căng thẳng và khơi dậy mối quan hệ hợp tác vốn đã bị rạn nứt bởi chiến tranh thương mại và sự cạnh tranh chiến lược trong suốt thời gian qua.

Thế nhưng, cuộc “khẩu chiến” không khoan nhượng giữa Mỹ và Trung Quốc về nguyên nhân dẫn đến dịch COVID-19, trong đó đỉnh điểm là việc Tổng thống Donald Trump cùng các quan chức của ông gọi virus Corona chủng mới là “virus Trung Quốc” đã lại làm cho quan hệ ngoại giao vốn dĩ căng thẳng giữa hai nước nay lại càng nóng hơn. 

Sau khi liên tiếp “lời qua tiếng lại”, tới ngày 27-3, ông Trump đã nói rằng hai nước đang tiến hành hợp tác chặt chẽ để ứng phó với dịch bệnh. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cho biết Trung Quốc sẽ hỗ trợ nước Mỹ nhưng cũng kêu gọi Washington thực hiện các bước cụ thể để thúc đẩy hợp tác.

Tại thời điểm hiện tại, mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa hai nước đều khiến người ta hoài nghi về việc liệu hai bên có thực sự duy trì sự phối hợp này trong lâu dài. 

Các nhà phân tích, trong đó có Chin-hao Huang, trợ lý giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Yale-NUS ở Singapore đã bày tỏ sự lạc quan về vấn đề này. "Tôi nghĩ rằng quyết định vượt ra khỏi trò chơi đổ lỗi cho nhau có lẽ là tín hiệu cho thấy cả hai bên nhận ra rằng vẫn còn rất nhiều công việc phía trước, không chỉ là về đại dịch", ông Huang nhận định.


Hồ Thiên
.
.
.