Ông Donald Trump đối phó thế nào với các vụ kiện
- Thế giới "nghi ngại" về chính sách của ông Donald Trump
- An ninh Mỹ toát mồ hôi lo bảo vệ nơi ở gia đình Trump
Vụ kiện này được chính thức đưa ra xét xử vào ngày 28-11. Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump sẽ phải đối mặt với tố cáo của nhiều sinh viên ở California, New York và Florida.
Cụ thể, những sinh viên này cho biết họ bị lừa trả tiền lên đến 35.000 USD cho các hội thảo bất động sản được Đại học Trump tổ chức. Ông Donald Trump được mời đến tòa để làm chứng cho cả hai bên.
Thẩm phán tòa án tối cao Gonzalo Cruiel, người từng là mục tiêu “tấn công” của ông Donald Trump trong mùa hè năm nay sẽ chủ trì phiên xét xử ở San Diego. Hôm 11-11, thẩm phán Gonzalo Curiel đã từ chối yêu cầu từ các luật sư của ông Donald Trump về việc miễn trừ trách nhiệm đối với Tổng thống vừa đắc cử.
Tổng thống mới đắc cử Donald Trump và phu nhân vào Nhà Trắng gặp Tổng thống đương nhiệm Barack Obama. |
Mark Rozell, một chuyên gia về Đặc quyền hành pháp kiêm Trưởng khoa Chính sách và Quản lý Hành chính Đại học Goergte Mason nói: “Ông Donald Trump cùng đội ngũ luật sư có thể tham khảo giới hạn về quyền miễn trừ pháp lý của mình, tuy nhiên, tôi khẳng định họ phải tuân thủ luật pháp”.
Trước đó, Tòa án tối cao Mỹ cũng tuyên bố Tổng thống mới đắc cử Donald Trump sẽ không thể sử dụng Nhà Trắng để làm “lá chắn” nhằm thoát khỏi kiện tụng về những hành vi bị tố phạm pháp trước khi nhậm chức, một tiền lệ từng áp dụng chống lại cựu Tổng thống Bill Clinton vào năm 1997. Vào thời điểm đó, tòa án ra phán quyết những cáo buộc quấy rối tình dục của cô Paula Jones, tố cáo ông Bill Clinton được đem ra xét xử.
Ông Mark Rozell nhấn mạnh: “Nói cách khác, Tổng thống Mỹ, cho dù sắp nhậm chức hay đang nắm quyền lực, không có đặc quyền “đạp lên” pháp luật. Tiền lệ án cho thấy, có người vẫn phải hầu tòa khi họ còn tại chức miễn là hành động bị tố cáo bất hợp pháp trước khi Tổng thống nhậm chức. Nếu Donald Trump bị thua kiện ở Đại học Trump, ông sẽ phải trả tiền đền bù thiệt hại cho hàng trăm sinh viên”.
Ngoài vướng vào vụ kiện lừa tiền sinh viên, ông Donald Trump còn phải đối mặt với một vụ kiện dân sự khác được thiết lập hồ sơ tại tòa án liên bang San Diego và một vụ gian lận thuế ở tòa án liên bang New York từ năm 2010 do đích thân Tổng chưởng lý Eric Schneiderman khởi kiện.
Trong khi đó, những người ủng hộ đảng Dân chủ thì lại cho rằng, đây có thể là cơ hội để bà Hillary Clinton đảo ngược tình thế và tiến vào Nhà Trắng. Hãng AP cho biết, cơ hội cuối cùng này là dùng sự “đảo chiều” trong đại cử tri đoàn.
Theo Hiến pháp Mỹ, đại cử tri mới là người trực tiếp bầu Tổng thống và những người này sẽ tập trung tại thủ đô Washington D.C vào ngày 19-12 tới để tiến hành bỏ phiếu. Về mặt kỹ thuật, không có gì ngăn những người này bỏ phiếu theo nguyện vọng của mình và từ chối ủng hộ ứng viên mà họ cam kết bầu trước đó.
Năm 2000, người Mỹ từng tính đến việc này khi ứng cử viên đảng Cộng hòa George Bush đánh bại đối thủ đảng Dân chủ Al-Gore dù giành được ít phiếu phổ thông hơn. Chính vì lẽ đó mà đến chiều 12-11, có tới hơn 3,2 triệu người đã ký tên vào đơn kiến nghị có tiêu đề “Cử tri đoàn: Hãy đưa Hillary Clinton trở thành Tổng thống vào ngày 19-12”.
Đơn kiến nghị này được đăng tải trên trang web Change.org từ hôm 10-11 và có đoạn viết: “Chúng tôi kêu gọi các đại cử tri hãy quên đi kết quả phiếu bầu ở các bang mà họ đại diện và bỏ phiếu cho cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Tại sao ư, vì ông Donald Trump không thích hợp làm Tổng thống Mỹ.
Giới quan sát nhận định, kể từ khi thắng cử đến nay, ông Donald Trump khá thận trọng trong cách ứng cử. Làn sóng biểu tình phản đối ông vẫn chưa chấm dứt mà có nguy cơ phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Vì vậy, những quyết sách của ông và việc chuẩn bị cho nội các khi nhậm chức bắt đầu có nhiều thay đổi, đôi khi cảm thấy có sự nhượng bộ.
Đầu tiên là việc phát ngôn viên của ông Donald Trump bác bỏ khả năng đưa bà Hillary Clinton ra xét xử vì bê bối email cá nhân như những gì mà Tổng thống mới đắc cử này tuyên bố khi tranh cử. Thứ đến là việc ông Donald Trump khẳng định sẽ cân nhắc duy trì một số điều khoản trong Đạo luật chăm sóc sức khỏe của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama (thường gọi là Obamacare).
Hiện tại, ông Donald Trump đã giao cho Phó Tổng thống mới đắc cử Mike Pence là người đứng đầu đội ngũ chuyển giao quyền lực tại Mỹ. Dự kiến, ông Donald Trump sẽ phải chuẩn bị tới 4.000 nhân sự cho nội các mới trong thời gian từ nay đến ngày nhậm chức chính thức 20-1-2017.