Thế giới "nghi ngại" về chính sách của ông Donald Trump

Thứ Bảy, 12/11/2016, 09:26
Trong khi các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử tiếp tục gia tăng trên khắp các tỉnh, thành của Mỹ thì tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, một loạt kế hoạch hành động cũng đã được phác thảo với mục đích là phù hợp với chính sách sắp tới của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump.


Tờ Diplomat ngày 11-11 đã đăng tải bài viết với nhận định rằng, không chỉ người Mỹ mà cả thế giới đều sốc trước thông tin tỷ phú Donald Trump trúng cử Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Vì vậy, bên cạnh những lời chúc mừng kịp thời và đầy ý nghĩa, lãnh đạo các quốc gia khác trên thế giới cũng đã bắt đầu chuẩn bị một kế hoạch dài hơi nhằm đối phó với phong cách ngoại giao của doanh nhân này. 

Đầu tiên phải kể đến Thủ tướng Anh Theresa May. Vừa chúc mừng thắng lợi của ông Donald Trump, “bà đầm thép” này vừa khẳng định, Anh-Mỹ sẽ vẫn là những đối tác gần gũi, bền chắc về thương mại, an ninh cũng như quốc phòng. 

Đồng thời, Thủ tướng Anh cũng bày tỏ mong muốn sớm được hội đàm với ông Donald Trump vào đầu năm 2017, tức là ngay sau thời điểm ông này tuyên thệ nhậm chức tại Nhà Trắng.

Cách tiếp cận chính sách ngoại giao của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump (phải) được cho là giống cách tiếp cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái). Ảnh: Getty Imagine.

Giới quan sát nhận định, sau 2 nhiệm kỳ Tổng thống của ông Barack Obama, quan hệ Anh-Mỹ thực sự không mấy được cải thiện. Nay khi ông Donald Trump lên nắm quyền, mọi chuyện sẽ khác và cùng với thời điểm thực hiện tiến trình Brexit, Anh rất cần sự ủng hộ của Washington trong mỗi bước đi của mình. 

Bản thân Tổng thống mới đắc cử của Mỹ dường như cũng nhận thấy rõ được điều này nên đã đưa ra lời mời tới Mỹ với bà Theresa May cùng lời khẳng định rằng, mối quan hệ giữa Mỹ-Anh là “rất quan trọng và rất đặc biệt, hai bên cần dành ưu tiên để xây dựng mối hợp tác này”. 

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) lại phản ứng khá thận trọng trước việc tỷ phú Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker hôm 10-11 cho rằng, cần phải làm rõ những ý định, chính sách của Tổng thống mới đắc cử Mỹ Donald Trump trong các vấn đề về thương mại, quan hệ với NATO và biến đổi khí hậu.

Còn đối với châu Á, dù được coi là trọng tâm trong chính sách xoay trục của Mỹ, song Nhật Bản cũng vẫn đang lo rằng sự quan tâm của Washington với nước này sẽ giảm dần theo thời gian. Vì thế, ngay từ cuộc họp chiều 9-11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã yêu cầu cố vấn đặc biệt về chính sách đối ngoại Kawai Katsuyuki thực hiện chuyến thăm Mỹ và hội đàm với người đồng nhiệm trong chính quyền mới của Mỹ vào ngày 14-11. 

Mục đích của chuyến đi là truyền đạt mong muốn của ông Shinzo Abe về việc củng cố vững chắc hơn nữa quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang có những diễn biến căng thẳng. 

Chưa hết, Thủ tướng Nhật Bản còn phá lệ khi quyết định sẽ ăn tối với Tổng thống mới đắc cử của Mỹ vào ngày 17-11. Đây là một điều đặc biệt, bởi các Thủ tướng Nhật Bản chưa từng có tiền lệ gặp Tổng thống mới đắc cử của Mỹ khi chưa chính thức nhậm chức. 

Một số nhà phân tích cho rằng, đây là bước xoa dịu của Tokyo với Washington bởi hôm 10-11, vì biết rõ quan điểm của ông Donald Trump là phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hạ viện Nhật Bản đã thông qua TPP để gây sức ép lên Mỹ. Hãng AP thì dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, dù có thay đổi chính quyền thì liên minh với Nhật Bản luôn là nền tảng trong mối quan hệ của Mỹ với châu Á.

Hàn Quốc – một đồng minh thân cận khác của Mỹ ở châu Á cũng đang xem xét điều một quan chức tới Mỹ để liên hệ với đội ngũ của ông Donald Trump và tham vấn các chính sách về bán đảo Triều Tiên. Thậm chí, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc còn thành lập một nhóm công tác có nhiệm vụ ứng biến với sự đổi thay có thể xảy ra trong quan hệ Mỹ-Hàn sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền. 

Quân đội Hàn Quốc cũng đã triệu tập một cuộc họp khẩn để đánh giá ảnh hưởng của những đổi thay trong chính sách quốc phòng của Mỹ - một nhân tố được coi là có tầm quan trọng cực kỳ to lớn trong việc duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Hiện nay, cả Seoul và Washington đang thực hiện những thỏa thuận chung về chuyển giao quyền lực tác chiến, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD)… 

Trung Quốc cũng đang chuẩn bị lo đối phó với chính sách “rắn” mà chính quyền Tổng thống mới đắc cử Donald Trump có thể đưa ra đối với đồng nhân dân tệ của nước này. Philippines cũng dè dặt hơn trong quan hệ với Mỹ. 

Đáng chú ý là Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vốn là người hay có những phát biểu gây sốc, nay cũng rất từ tốn khi tuyên bố tôn trọng các hiệp ước quân sự với Mỹ và bảo vệ quan hệ đồng minh Philippines-Mỹ. Thái Lan thì cho biết sẽ tuân theo một chính sách đối ngoại cân bằng với Mỹ như cách mà nước này đang áp dụng. Trong khi đó, Iran tuyên bố đã có giải pháp cho trường hợp Mỹ không tiếp tục thực thi cam kết thỏa thuận hạt nhân quốc tế.

Riêng Israel và Nga, tín hiệu tích cực trong quan hệ với Mỹ ngày càng được thể hiện. Các bộ trưởng và chính khách Israel đang thúc giục Tổng thống mới đắc cử của Mỹ thực hiện cam kết từng đưa ra là thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và không chỉ trích việc Tel Aviv xây dựng các khu tái định cư ở đây. Còn Nga thì nhấn mạnh sẵn sàng khôi phục quan hệ với Mỹ, đưa quan hệ hai nước trở lại quỹ đạo phát triển bền vững. 

Một quan chức Điện Kremlin khi trả lời phỏng vấn hãng Reuters còn nhận định, cách tiếp cận chính sách ngoại giao của ông Donald Trump giống cách tiếp cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Điều đó đồng nghĩa với một cơ sở vững chắc để bắt đầu đối thoại giữa hai nước… 

Rõ ràng, với tư tưởng bảo hộ, chú trọng kinh tế nội bộ, khi được bầu làm Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump được cho là sẽ tạo ra những biến động đối với thế giới. Vì thế, sự chủ động hợp tác từ các quốc gia khác trên thế giới đang khiến Mỹ ngày càng lấy lại được vị thế và hình ảnh trên trường quốc tế.

Sông Thương
.
.
.