Dư luận quốc tế xung quanh việc Tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel
- Bạo lực bùng phát ở Jerusalem sau quyết định của Tổng thống Trump?
- Người Palestine biểu tình phản đối Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel
Trăm lời phản đối
Từ châu Á, trong thông báo ngày 7-12, với lời lẽ mạnh mẽ, Malaysia nhấn mạnh Mỹ “phải xem xét lại” quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vì động thái này sẽ chấm dứt “tất cả những nỗ lực” được đưa ra hướng tới việc giải quyết vấn đề Palestine cũng như sẽ “gây ra những hậu quả nghiêm trọng” cho sự ổn định của Trung Đông và “kích động những tư tưởng gây khó khăn hơn cho nỗ lực chống khủng bố”.
Ngoại trưởng Malaysia Najib Tun Razak đã kêu gọi cộng đồng người Hồi giáo trên toàn thế giới phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ. Cùng chung quan điểm, Indonesia cũng lên án quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng. Australia thì bày tỏ quan ngại về những căng thẳng đã gia tăng từ quyết định của Mỹ di chuyển đại sứ quán của nước này ở Israel. Ngoại trưởng Julie Bishop khẳng định Canberra không có ý định di dời đại sứ quán nước này tại Tel Aviv.
Còn Singapore tái khẳng định sự ủng hộ lâu dài và kiên định đối với giải pháp hai nhà nước cho xung đột Israel - Palestine, đồng thời cảnh báo rằng “bất cứ hành động đơn phương và hấp tấp nào nhằm thay đổi tình trạng của Jerusalem sẽ cản trở tiến trình” hướng tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề này.
Trong khi đó, tại châu Âu, Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini ra thông cáo bày tỏ “EU quan ngại sâu sắc” trước quyết định của Tổng thống Mỹ và e ngại quyết định này sẽ có những tác động tiêu cực đến viễn cảnh hoà bình tại Trung Đông.
Từ Đức, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố, chính phủ nước này không ủng hộ quyết định của ông Donald Trump và quy chế về Jerusalem “chỉ có thể được đàm phán trong khuôn khổ giải pháp về hai nhà nước”.
Pháp cũng tuyên bố không công nhận quyết định trên, rằng đó là “điều đáng tiếc”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh, quyết định từ phía Mỹ là “đi ngược lại với luật pháp quốc tế và các Nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ)”, đồng thời khẳng định, vấn đề Jerusalem chỉ có thể giải quyết bằng đối thoại.
Từ xứ sở sương mù, Thủ tướng Theresa May cũng cho rằng, quyết định từ phía Mỹ là không hợp lý trước khi có một thoả thuận cuối cùng về quy chế của Jerusalem và Chính phủ Anh phản đối quyết định của Mỹ chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel về thành phố Jerusalem.
Từ châu Mỹ, Bộ Ngoại giao Cuba đã bày tỏ sự quan ngại và bác bỏ quyết định của Tổng thống Mỹ về Jerusalem. La Habana nhấn mạnh đây là hành vi vi phạm Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của LHQ, đồng thời cảnh báo quyết định này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong khu vực.
Chia sẻ quan điểm này, trong một tuyên bố chính thức, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro lên án quyết định của Chính phủ Mỹ và coi đó là một sự vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế. Canada khẳng định sẽ không đưa Đại sứ quán của mình từ Tel Aviv về Jerusalem, đồng thời khẳng định giữ vững lập trường ủng hộ giải quyết tranh chấp vùng đất Jerusalem như một phần của thỏa thuận hòa giải chung giữa Israel và Palestine. Mexico cũng cùng chung quan điểm giữ Đại sứ quán nước này tại Tel Aviv.
Các nước thuộc khu vực Trung Đông cũng mạnh mẽ lên án quyết định của Tổng thống Donald Trump. Nhấn mạnh đó là một hành động “tồi tệ và không thể chấp nhận được”, và là một bước đi “đơn phương và khiêu khích, phá hoại tất cả các nỗ lực hòa bình Trung Đông”, Palestine đã yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ gây sức ép buộc Mỹ phải thu hồi lại quyết định trên. Lebanon thì nhấn mạnh quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ đối mặt với sự phản đối của “toàn bộ cộng đồng Arab và đe dọa thổi bùng căng thẳng tại khu vực”.
Cũng lên án hành động của Tổng thống Mỹ, Jordan gọi đây là sự vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Trong khi đó, Chính phủ Iraq miêu tả quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng là “một cuộc tấn công”.
Người dân Palestine biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Hệ quả từ một quyết định không “khôn ngoan đúng thời điểm”
Là Tổng thống Mỹ đầu tiên quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel kể từ khi nước này được sáng lập vào năm 1948, ông Donald Trump đang hoàn thành một lời hứa lúc vận động tranh cử rằng, ông sẽ dời Đại sứ quán Mỹ ở Israel về Jerusalem. Lời hứa này giúp ông lấy lòng các cử tri, các nhà tài trợ giàu có của đảng Cộng hòa và những người ủng hộ chính sách đối ngoại diều hâu.
Thực tế cho thấy, Tổng thống thứ 45 của “xứ cờ hoa” lâu nay xây dựng hình ảnh của mình dựa trên ý tưởng rằng, ông có đủ can đảm để làm những việc mà những người tiền nhiệm không dám làm. Việc công nhận Jerusalem còn giúp ông chủ Nhà Trắng làm hài lòng Israel cũng như Thủ tướng của nước này, ông Benjamin Netanyahu, một trong những người ủng hộ Trump mạnh mẽ nhất trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, nó còn cho phép Tổng thống Mỹ tạo uy thế với những chính trị gia theo trường phái đối ngoại truyền thống, thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo cứng rắn ở Trung Đông, một trong những khu vực hỗn loạn nhất trên thế giới. Giới chức Mỹ trước đó gọi quyết định của Tổng thống Mỹ là một sự công nhận “thực tế lịch sử và hiện tại”, chứ không phải là một tuyên bố mang tính chính trị.
Tuy nhiên, giới chuyên gia có chung nhận định rằng, đó không phải là một quyết định “khôn ngoan đúng thời điểm” vì nó đi ngược với chính sách của những người tiền nhiệm nhiều thập kỷ qua và gây cản trở nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình giữa Israel và Palestine mà chính ông Donald Trump đang theo đuổi, có thể dẫn tới hàng loạt các cuộc biểu tình và bạo động trên diện rộng.