Màn tranh luận cuối cùng và cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng
Cuộc tranh luận cuối cùng được giới chuyên gia theo dõi đặc biệt. Ảnh NBC. |
Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên từ đảng Dân chủ Joe Biden sẽ đối mặt trong cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng tại Đại học Belmont, Nashville, bang Tennessee trong ngày 22-10 (giờ Mỹ), dưới sự điều hành của người dẫn chương trình Kristen Welker từ đài NBC.
Trong chặng cuối của cuộc đua, cả hai bên vẫn không mệt mỏi với những hoạt động tranh cử. Mới đây, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã xuất hiện tại sự kiện của đảng Dân chủ ở Philadelphia, lấp đầy khoảng trống do ứng viên Joe Biden vắng mặt, tập trung chỉ trích người kế nhiệm về nhiều vấn đề. Ủy ban về tranh luận bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 19-10 công bố sự thay đổi về “luật chơi” vào phút chót.
Theo đó, mỗi ứng viên sẽ bị ngắt micro khi đối thủ đang trình bày trong khoảng thời gian hai phút vào thời điểm bắt đầu mỗi chủ đề tranh luận. Quy định mới được cho là nhằm giải quyết vấn đề khá nhức nhối trong buổi tranh luận trực tiếp đầu tiên khi hai ứng viên liên tục ngắt lời nhau, biến cuộc tranh luận trở thành một cuộc cãi vã. Cuối tuần trước, dẫn chương trình Welker đã công bố 6 chủ đề tranh luận chính trong sự kiện lần này, bao gồm “cuộc chiến chống COVID-19”, “các gia đình Mỹ”, “sắc tộc tại Mỹ”, “biến đổi khí hậu”, “an ninh quốc gia” và “vai trò lãnh đạo”.
Đáp lại thông báo của Ủy ban, đội ngũ tranh cử của ông Trump bày tỏ thất vọng trước sự thay đổi quy tắc vào phút chót cũng như việc những chủ đề được đưa ra không hề có “chính sách ngoại giao”. Đội ngũ tranh cử của ông Trump trong một lá thư gửi đến Ủy ban cho biết, mặc dù những chủ đề được người dẫn chương trình Welker đưa ra được cho là đáng được thảo luận nhất, nhưng “phần lớn những chủ đề này đều đã được thảo luận chi tiết trong cuộc tranh luận đầu tiên mà ông Trump giành phần thắng trước người dẫn chương trình Chris Wallace và ứng viên Joe Biden”.
Những người ủng hộ ông Trump cho rằng đây là một sự thiên vị chính trị có chủ đích của người điều hành, người được cho là đến từ một “gia đình từ lâu theo đảng Dân chủ”, đã quyên góp hàng nghìn USD cho các ứng cử viên đảng Dân chủ, bao gồm Barack Obama, Hillary Clinton và Joe Biden, theo tờ New York Post.
Bất chấp những thay đổi này, chiến dịch tranh cử của ông Trump vẫn đồng ý tham gia cuộc tranh luận khi chỉ còn hai tuần nữa cuộc bầu cử sẽ chính thức bắt đầu. Các học giả Mỹ đưa ra nhiều quan điểm về những thay đổi trong chặng cuối của cuộc đua. Nhà phân tích chính trị của đảng Cộng hòa Anthony Angelini cho biết, “Biden càng không bị chen ngang, ông ta sẽ càng tự chui đầu vào hố. Hãy cứ để Biden nói”.
Chuyên gia này cũng cho rằng chính sách đối ngoại sẽ là một điểm mạnh cho ông Trump khi ông là “tổng thống đầu tiên không bắt đầu một cuộc chiến tranh mới, ký kết các thỏa thuận lịch sử với Israel và các nước Arab”. Chuyên gia này cho biết, vấn đề kinh tế cũng có thể là một con bài chủ lực của ông Trump. Khi đại dịch COVID tiếp tục hoành hành, người Mỹ sẽ tìm kiếm một người nào đó để xây dựng lại nền kinh tế, và ông Trump dường như là người thích hợp cho công việc này, Angelini tin tưởng.
Cuộc tranh luận sắp tới diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm cao kỷ lục, dường như hầu hết người dân Mỹ đã có sự lựa chọn của mình. Eric S. Heberlig, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Bắc Carolina, cho biết, “ứng viên Biden đang dẫn trước ông Trump trong các cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc và ở các bang quan trọng”. “Số cử tri chưa quyết định vào thời điểm này ít hơn so với những cuộc bầu cử trước. Vì vậy, có thể không có nhiều người sẽ đưa ra sự lựa chọn dựa trên cách mỗi ứng cử viên thể hiện trong cuộc tranh luận. Điều này có nghĩa là nếu ông Biden không mắc phải sai lầm lớn nào, cuộc tranh luận tới sẽ được coi là thành công”.
Tuy nhiên, quản lý chiến dịch của ông Biden, Jen O’Malley, gần đây đã bày tỏ không tin tưởng vào các cuộc thăm dò rằng ứng cử viên đảng Dân chủ đang dẫn trước rất xa Tổng thống đương nhiệm. “Các cuộc thăm dò có thể sai”, Bill Ravotti, một nhà phân tích chính trị cho biết. Nhiều người Mỹ được cho là “không dám công khai thể hiện sự ủng hộ của họ đối với ông Trump vì sợ bị tấn công hoặc bị ném gạch vào cửa sổ, những người khác sợ nói lên ý kiến của họ vì mất việc”, ông Ravotti cho biết.
David Schultz, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Hamline, cho rằng những cuộc thăm dò dư luận tại Mỹ không nói lên nhiều điều. Ở Mỹ, lá phiếu phổ thông không chọn Tổng thống mà thay vào đó là phiếu đại cử tri. Một ứng cử viên phải giành được 270 phiếu đại cử tri qua 50 cuộc bầu cử riêng biệt cấp bang để trở thành Tổng thống. Theo ông Schultz, cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng có vai trò quan trọng trong hướng lái những cử tri còn do dự ở 7 bang lớn: Arizona, Florida, Michigan, Minnesota, Bắc Carolina, Pennsylvania và Wisconsin. Hồi năm 2016, ông Trump đã đặt cược vào những bang do dự này và vươn lên dẫn đầu mặc dù bị đối thủ Hillary Clinton bỏ xa về số phiếu phổ thông.
Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 diễn ra trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ, từ đại dịch, suy thoái kinh tế đến bất ổn xã hội. Đa phần cử tri tại Mỹ được cho là đã có quyết định của mình, tuy vậy, nhiều chuyên gia vẫn theo dõi chặt chẽ diễn biến của cuộc tranh luận sắp tới và những diễn biến theo sau trong cuộc bầu cử “vô tiền khoáng hậu” này.