Luận giải nguyên nhân liên tiếp xảy ra các vụ khủng bố ở Pháp

Thứ Hai, 18/07/2016, 13:03
Chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, nước Pháp đã liên tục gánh chịu ba vụ tấn công khủng bố tàn bạo, đẫm máu, cướp đi sinh mạng của hàng trăm con người vô tội.


Hồi tháng 1-2015 là vụ tấn công vào tòa soạn tờ báo trào phúng Charlie Hebdo ở thủ đô Paris. Tiếp đó là vụ tấn công khủng bố xảy ra ở nhà hát Bataclan, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về môi trường COP 21 hồi tháng 11-2015. Và gần đây nhất là thảm kịch tại thành phố Nice ở miền Nam nước Pháp đêm 14-7. Vậy, lý do gì khiến Pháp trở thành mục tiêu của khủng bố?

Người dân đặt hoa trên đường tưởng nhớ những nạn nhân trong cuộc tấn công khủng bố đêm 14-7 vừa qua. Ảnh: Reuters.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), đối với các vụ ở Pháp, thực chất, lực lượng khủng bố đã thực hiện vụ tấn công vào châu Âu. Pháp là trung tâm của châu Âu nên việc tấn công thẳng vào Pháp sẽ tạo ra một sự lan tỏa ảnh hưởng về mặt tâm trạng, tâm lý với không chỉ riêng nước Pháp mà với toàn bộ 28 nước châu Âu, với cả cộng đồng quốc tế. Từ đó cho thấy, những người đưa ra chủ trương này đã rất “cẩn thận” về mặt chiến lược, địa chính trị.

Thứ hai, trong liên minh chống cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do Mỹ dẫn dắt cầm đầu từ tháng 8-2014, Pháp là nước đi đầu trong 28 nước châu Âu, thường xuyên sát cánh với Mỹ trong việc tổ chức không kích IS tại Iraq và Syria.

Chia sẻ luận điểm này, bà Ronja Kempin, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Những vấn đề quốc tế và an toàn Đức (SWP) và nhà khoa học về khoa học chính trị Pháp chỉ ra rằng, Pháp là một trong các nước châu Âu đã tham gia sâu vào cuộc chiến chống khủng bố quốc tế và Paris vẫn tiếp tục tham gia ném bom xuống các vị trí căn cứ của IS tại Syria và Iraq.

Trên thực tế, nhiều nước khác cũng hỗ trợ tích cực cho mặt trận chống khủng bố Hồi giáo như Anh và Mỹ. Song nếu so với cường quốc này, Pháp là địa điểm dễ tiếp cận hơn về mặt địa lý so với quốc đảo như Vương quốc Anh. Những kẻ khủng bố bị cực đoan hoá tại Bắc Phi, vùng Sahel, Syria và Iraq tại Trung Đông sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong việc xâm nhập vào Mỹ so với Pháp.

Trong khi đó, Will McCants, một chuyên gia về chủ nghĩa cực đoan, đồng thời là tác giả của cuốn sách mới phát hành gần đây mang tên “The ISIS Apocalypse” (tạm dịch “Sách Khải huyền ISIS” – ISIS là cách gọi khác của IS) phân tích rằng: “Quốc gia mà IS coi là kẻ thù lớn nhất là nước Mỹ. Và ai cũng có thể biết rằng Mỹ sẽ nằm ở vị trí cao nhất trong danh sách mục tiêu của IS. Tuy nhiên rất khó để tấn công vào nước Mỹ”.

Chuyên gia McCants đồng thời chỉ ra rằng, Pháp là nơi mà IS gặt hái thành công nhiều hơn trong chiến dịch tuyển mộ chiến binh phương Tây. IS lôi kéo được nhiều người từ thủ đô của nước Pháp hơn so với bất kỳ thành phố châu Âu nào.

Bên cạnh đó, theo Thiếu tướng Lê Văn Cương còn phải nói đến chính sách nhập cư dễ dãi ở châu Âu, đặc biệt là ở Pháp. Là nước dung nạp người nhập cư Hồi giáo và Arab nhiều nhất ở châu Âu, tới nay, trong số 28 triệu người Arab, Hồi giáo thì Pháp đã chiếm đến 5 - 6 triệu người. Đây là môi trường hoàn hảo để Al Qaeda, IS hoặc các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác cài cắm người vào.

Những người Hồi giáo này, mặc dù là công dân Pháp, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của Pháp, nhưng sâu xa trong tâm hồn họ vẫn là người Arab, là người Hồi giáo. Khi có lực lượng thánh chiến mời chào, tác động, họ sẵn sàng tham gia.

Thêm vào đó, bức tranh xã hội ở Pháp phát triển cao nhưng vấn đề phân biệt chủng tộc chưa giải quyết được. Pháp là một quốc gia muốn bảo vệ giá trị cộng hòa nên không đồng ý đa dạng văn hóa. Paris đã quyết định cấm người Hồi giáo ở Pháp che mặt ra ngoài đường phố. Chính quy định này đã tạo ra sự phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng Hồi giáo, và điều này đã tạo khe hở để Al Qaeda, IS hay các tổ chức khủng bố cực đoan khác cài cắm người vào để lôi kéo người gia nhập tổ chức khủng bố, tiến hành các cuộc tấn công.

Trong khi đó, bà Kempin phân tích rằng, Pháp có một cộng đồng Hồi giáo lớn gồm những người có hai quốc tịch: Pháp và quốc tịch nước xuất xứ. Do vậy, các nhà chức trách Pháp khó có thể theo dõi những công dân đang bị cực đoan hoá vì những người này có thể dễ dàng nhập cảnh và xuất cảnh khỏi Pháp mà không cần hộ chiếu Pháp. Họ không cần visa ở lại Pháp nếu là người Syria, Tunisia, và Angeria. Chuyên gia Kempin đồng thời nêu thêm hai lý do khiến Pháp trở nên dễ bị khủng bố.

Thứ nhất, Pháp là nước có tỉ lệ thất nghiệp cao. Gần 10% dân số không có việc làm. Đây là vấn đề nghiêm trọng khi xét đến thực tế là 46% thanh niên nhập cư Pháp thất nghiệp và không có tương lai. Xét về khía cạnh này, nguy cơ cực đoan hoá nằm chính trong nước Pháp.

Và thứ hai là sự phối hợp giữa các cơ quan tình báo Pháp vẫn còn nhiều bất cập như trước đây. Các cơ quan tình báo Pháp chưa phối hợp nhịp nhàng với nhau. Những lỗ hổng thông tin thường xuất hiện và đồng thời các chính trị gia chưa tìm ra được phương cách để nâng cao hợp tác giữa các cơ quan khác nhau.

Thực tế đã chứng minh, các lỗ hổng này thường dẫn đến các hậu quả tang thương cho đất nước và nhân dân Pháp.

Minh Nhật
.
.
.