Liên hợp quốc cảnh báo khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất có thể xảy ra ở Syria

Thứ Tư, 12/09/2018, 07:51
Bạo lực ở phía Tây Bắc Syria đã khiến hơn 30.000 người nước này phải sơ tán khẩn cấp chỉ trong 10 ngày tháng 9. Liên hợp quốc (LHQ) đang cảnh báo nguy cơ cuộc tấn công ở Idlib sẽ tạo nên một "thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất".

Tỉnh Idlib và các khu vực nông thôn liền kề đang trở thành vùng lãnh thổ lớn nhất mà lực lượng chống đối và Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - một liên minh dẫn đầu bởi các chiến binh thánh chiến liên kết với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda giành quyền kiểm soát. 

Hiện nay, quân đội Chính phủ Syria đang tập trung tiến hành các cuộc không kích mới nhằm vào Idlib với mục đích tiêu diệt thật gọn tàn dư của khủng bố. Những trận pháo lửa dữ dội, liên tiếp đã khiến hơn 30.000 người ở Idlib và tỉnh Hama kế đó phải di tản khẩn cấp. 

Phát ngôn viên của Cơ quan điều phối nhân đạo LHQ (UNOCHA) David Swanson hôm 10-9 nói: "Chúng tôi rất lo ngại về sự leo thang bạo lực gần đây. Điều này đã dẫn đến sự dịch chuyển của hơn 30.000 người trong khu vực. Đó là điều chúng tôi đang giám sát chặt chẽ". 

Điều tra của UNOCHA cũng cho thấy, phần lớn những người di tản đó đã chạy về biên giới phía Bắc Syria để tìm cách trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ. 

Số còn lại trú ẩn trong các trại tị nạn hoặc sống nhờ và các gia đình họ hàng ở khu vực khác. Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề về nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock thì cảnh báo, một chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm vào tỉnh Idlib, miền Tây Bắc Syria, có thể gây ra “thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế kỷ”. 

Ông Mark Lowcock nói: “Cần phải có các cách thức giải quyết vấn đề Idlib, nếu không, trong những tháng tới, một thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất sẽ xảy ra tại đây, với sự chết chóc lớn nhất của thế kỷ XXI. 

Chúng ta đã trải qua thảm họa sóng thần năm 2004, với 250.000 người thiệt mạng; nạn đói tại Somalia năm 2011 với số người chết tương tự. Chúng ta không thể để một sự mất mát lớn hơn xảy ra với Idlib trong thời gian tới”. 

Đồng thời, ông Mark Lowcock cũng cho hay, LHQ đang lên các phương án hỗ trợ dân thường tại Idlib di tản đến các khu vực an toàn bởi nếu để người dân tự chạy loạn thì hậu quả cũng khó lường.

Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 9, hơn 30.000 người Syria ở Idlibi đã phải di tản khẩn cấp. Ảnh: AP

Có mặt tại Idlib trong những ngày “bão lửa” này, phóng viên hãng AP đã chứng kiến hàng trăm gia đình di tản tiến về phía biên giới để thoát bom đạn. 

Ngày thứ hai đến đây, phóng viên này còn phát hiện một đoàn người đi trên đường cao tốc chính chạy ngang qua tỉnh. Những người đàn ông trên xe máy đi về phía Bắc với con cái của họ đi bộ theo để chăn thả đàn cừu. “Chúng tôi đã trốn thoát”, Abu Jassim vừa thở hổn hển vừa nói. 

Ông cho biết cả gia đình vừa chạy thoát vụ bắn phá mới nhất gần thị trấn phía Nam Khan Sheikhun, sau khi đã bị di dời nhiều lần trong tỉnh do chiến tranh. “Họ bắn liền một lúc 4 tên lửa. Chúng tôi sẽ đi bất cứ nơi nào khác để được an toàn. Tôi có 30 con cừu. Mỗi ngày, tôi cần nước, cỏ khô và cám để cho chúng ăn”. 

UNOCHA cho biết, nếu tính từ tháng 8 tới nay thì có tới 800.000 người Syria đã rời bỏ Idlib và các khu vực xung quanh. Trước đó, Idlib có khoảng 3 triệu người sinh sống. Sau 7 năm nội chiến ở Syria, hơn ½ trong số đó đã di tản và những người khác ở lại sống phụ thuộc nhiều vào viện trợ nhân đạo. 

Bà Christy Delafield, đại diện của tổ chức nhân đạo Mercy Corps ở Syria chia sẻ, các nhân viên và tình nguyện viên của tổ chức rất khó theo kịp sự dịch chuyển của người dân. Khả năng đáp ứng những nhu cầu tối thiểu cho dòng người di tản cũng rất khó. 

“Thiếu khả năng chứa nước ở nhiều khu vực mà chúng tôi hoạt động, chỉ với hai hoặc ba ngày là có nước sẵn nhưng sau đó là cạn kiệt. Các điểm giao cắt dọc theo tuyến đầu giữa chính phủ và các khu vực kiểm soát đối lập đã bị đóng cửa, và kết quả là, giá lương thực tăng lên đáng kể”, bà Christy Delafield nói.

Hiện nay, Nga và Iran - hai nước được xem là đồng minh của Chính phủ Syria vẫn thể hiện quyết tâm quét sạch các phần tử khủng bố và lập lại hòa bình tại Syria, ủng hộ quân đội nước này trong cuộc chiến tổng lực giải phóng Idlib, bởi nơi đây là "điểm nóng cuối cùng" của khủng bố. 

Cả lãnh đạo Syria, Nga và Iran đều cho rằng giành lại Idlib có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực hoàn thành chiến thắng quân sự nhằm quét sạch khủng bố và phiến quân tại Syria, sau khi binh sỹ Syria tái chiếm gần như toàn bộ các thành phố và thị trấn chủ chốt. 

Riêng với Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù ủng hộ Syria chống phiến quân và khủng bố nhưng nước này cũng thừa nhận, bất cứ cuộc tổng tiến công nào vào Idlib sẽ là một thảm họa. 

Ankara hiện đang phải tiếp nhận tới 3,5 triệu người tị nạn Syria và không đủ năng lực cơ sở hạ tầng để đón thêm hàng trăm nghìn người nữa từ Idlib đổ sang. 

Vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực tìm cách thuyết phục HTS và các nhóm chống đối ở Idlib chấp nhận dàn xếp với Chính phủ Syria như các nhóm nổi dậy khác đã làm. 

Cùng hỗ trợ chính quyền Ankara, Đặc sứ LHQ Staffan de Mistura đã bắt đầu hai ngày đàm phán tại Geneva (từ hôm 10-10) với các quan chức cấp cao từ Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về việc thành lập Ủy ban Hiến pháp tại Syria. Mọi cố gắng đều nhằm mục đích giảm đổ máu và súng đạn.

Gia Nam (tổng hợp)
.
.
.