Kỳ vọng gì với thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một?

Thứ Tư, 15/01/2020, 19:16
Mỹ không lập tức gỡ bỏ hàng rào thuế quan đánh lên hàng hóa Trung Quốc sau khi hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một, song văn kiện này được trông đợi là sẽ tạo tiền đề quan trọng cho một thỏa thuận toàn diện cho tương lai.


Mỹ chưa dỡ bỏ hàng rào thuế quan

Theo kế hoạch, trưa 15-1 (giờ Washington, sáng 16-1 giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ ký Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc giai đoạn một tại Nhà Trắng. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc gặp gỡ tại Nhà Trắng. Ảnh: AP

Đi cùng với ông Lưu tới Washington là các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, trong đó có Bộ trưởng Thương mại, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân, Thứ trưởng các Bộ Tài chính, Công nghiệp, Ngoại giao. Trong khi đó, Nhà Trắng tiết lộ buổi lễ trang trọng trên sẽ có sự tham dự của ít nhất 200 khách mời.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, mọi nội dung của thỏa thuận thương mại giai đoạn một, dài đến 88 trang, sẽ được công bố sau khi hai bên đặt bút ký, ngoại trừ một phụ lục bí mật liệt kê chi tiết các sản phẩm và dịch vụ nhạy cảm.

 Đến nay, các nội dung chính mà giới chức hai bên công bố về văn kiện gồm việc Trung Quốc cam kết mua 200 tỷ USD hàng Mỹ mỗi năm, trong đó từ 40 - 50 tỷ USD hàng nông sản. Đổi lại, phía Mỹ sẽ không áp bổ sung thuế với một số hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ tháng trước tiết lộ, thỏa thuận sẽ có một chương về tiền tệ, gồm “các cam kết tiêu chuẩn cao ngăn việc phá giá đồng tiền để giành lợi thế” và các cơ chế thực thi. 

Trước lễ ký, Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất cơ chế trao đổi 6 tháng/lần giữa lãnh đạo cấp cao hai bên để tháo gỡ các vướng mắc về thương mại và tiền tệ. Những cuộc trao đổi này được tiến hành hoàn toàn độc lập với việc đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn hai.

Trung Quốc hứa mua 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ. Ảnh: Reuters

Tuy vậy, phát biểu với báo giới ngày 14-1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã lưu ý rằng việc “không áp thuế mới” và “dỡ bỏ thuế cũ” không liên quan đến nhau. Washington sẽ duy trì những lệnh áp thuế hiện nay lên hàng hóa Trung Quốc cho tới khi kết thúc giai đoạn hai của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung toàn diện.

 Theo Bộ trưởng Mnuchin, Tổng thống Donald Trump có thể cân nhắc nới lỏng thuế quan nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đẩy nhanh việc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn hai. “Nếu Tổng thống tiến đến giai đoạn hai nhanh chóng, ông sẽ cân nhắc nới lỏng thuế như một phần của thỏa thuận giai đoạn này”, ông Mnuchin nhấn mạnh.

Hầu hết giới phân tích đều nhìn nhận, việc Mỹ chưa vội dỡ bỏ hàng rào thuế quan cho thấy nội dung của thỏa thuận giai đoạn đầu chưa đủ để buộc Trung Quốc tiến hành các cải cách kinh tế lớn như giảm trợ cấp đối với các công ty nhà nước, cũng như những vấn đề gai góc liên quan đến sở hữu trí tuệ, điều mà chính quyền Tổng thống Donald Trump cho là yếu tố gây mất bình đẳng trong quan hệ thương mại và hối thúc Bắc Kinh thay đổi. 

Thoả thuận giai đoạn một được cho là không giải quyết triệt để căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Ảnh: ITN

“Việc ký kết thỏa thuận giai đoạn một là động thái cần được hoan nghênh, dù hiệu quả khá khiêm tốn, bởi nó chưa giải quyết được thực chất “nguồn cơn” của căng thẳng giữa hai nước”, Eswar Prasad, nhà kinh tế thuộc Đại học Cornell và là cựu Giám đốc chi nhánh Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Trung Quốc đánh giá.

Vẫn đáng để kỳ vọng

“Chiến tranh thương mại” giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra từ tháng 7-2018 với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc. Sau nhiều vòng áp thuế, gần như toàn bộ 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ đã bị đánh các mức thuế khác nhau, còn Bắc Kinh cũng trả đũa bằng việc tăng thuế với hơn 100 tỷ USD hàng hóa Mỹ. 

Các biện pháp “ăn miếng, trả miếng” đến nay được thừa nhận là đã gây thiệt hại đáng kể cho cả hai bên cũng như nền kinh tế toàn cầu. Bởi vậy, việc ký thỏa thuận giai đoạn một lần này, dù chưa lập tức vô hiệu hàng rào thuế quan, những vẫn nhận kỳ vọng là sẽ hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, mở đường cho việc sớm ký kết một văn kiện toàn diện trong tương lai.

Trước thềm thăm mới 2020, trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Trump hào hứng tuyên bố: “Tôi sẽ đến Bắc Kinh, nơi sẽ diễn ra các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn hai”. 

Trước đó, ông Trump đề xuất một thỏa thuận thương mại toàn diện có thể bao gồm hai hoặc ba giai đoạn nhưng chưa từng nhắc gì đến kế hoạch đích thân sang Trung Quốc thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại.

Trong bước đi thể hiện thái độ tích cực khác, Bộ Tài chính Mỹ đã dừng gọi Trung Quốc là nước thao túng tỷ giá trong báo cáo tiền tệ định kỳ mỗi năm hai lần công bố ngày 13-1, đảo ngược quyết định đưa ra trong báo cáo hồi tháng 8-2019. 

Sau động thái của Washington, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 14-1 nâng tỷ giá tham chiếu NDT lên mức 6,8 NDT đổi 1 USD, mức cao nhất kể từ tháng 8 năm ngoái, thời điểm Bắc Kinh để đồng NDT giảm giá xuống 7 NDT đổi 1 USD, gây chấn động thị trường chứng khoán toàn cầu và khiến Tổng thống Trump tức giận. 

Ông Stephen Innes, chiến lược gia trưởng khu vực châu Á của AxiTrader, nói rằng việc Mỹ gỡ nhãn thao túng tỷ giá đối với Trung Quốc là động thái “chính xác và rõ ràng nhất” giảm căng thẳng thương chiến tính đến hiện tại. 

Mỹ loại Trung Quốc khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ. Ảnh: ITN

“Sự tăng giá của Nhân dân tệ trước khi thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký là một dấu hiệu cho thấy quan hệ thương mại Mỹ-Trung có thể tiếp tục được cải thiện”, Innes nói với CNN Business.

Đáng lưu ý, việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một diễn ra một tuần trước khi Thượng viện Mỹ bắt đầu phiên luận tội của Tổng thống Trump, sau khi Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ kiểm soát thông qua cáo buộc cho rằng, ông đã lạm dụng quyền lực khi gây sức ép buộc Ukraine điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden - đối thủ của ông trong cuộc bầu cử năm nay. 

Cùng việc cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ tới ngày càng gay cấn, Tổng thống Trump có nhiều lý do để thúc đẩy việc thực thi văn kiện giai đoạn một, tiến đến chấm dứt căng thẳng dai dẳng với Trung Quốc, từ đó tạo ấn tượng mạnh với cử tri đúng theo lời hứa mà ông đưa ra đầu nhiệm kỳ. 

“Dù các cuộc thảo luận về giai đoạn hai sẽ chẳng đi đến hồi kết nào, song thỏa thuận giai đoạn một rõ ràng là dấu ấn mạnh mẽ đối với chính sách ngoại giao thương mại của chính quyền ông Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên và có lẽ nhiều năm sau đó”, Jeff Moon, cựu quan chức Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ nhận định.

 Trong khi đó, trên Guardian, cố vấn kinh tế trưởng thuộc Tập đoàn bảo hiểm Allianz Mohamed El-Erian khuyến nghị, nếu Mỹ và Trung Quốc cùng thực thi thỏa thuận giai đoạn một nghiêm túc, thỏa thuận này chắc chắn sẽ mở đường cho giai đoạn tiếp theo: giải quyết những vấn đề căng thẳng nhất của Mỹ trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Thiện Minh
.
.
.