Jordan: Kinh tế suy thoái dẫn đến khủng hoảng chính trị

Thứ Tư, 06/06/2018, 09:50
Những ngày tháng 6 không yên bình đang đe dọa nền chính trị quân chủ ở Jordan, nhất là khi số người xuống đường biểu tình phản đối đề xuất tăng thuế ngày càng gia tăng, buộc Thủ tướng phải từ chức sau 2 năm tại nhiệm.

Hãng tin AP cho hay, quyết định từ chức của Thủ tướng Hani Mulki được đưa ra ngay sau cuộc họp bất thường do Quốc vương Jordan Abdullah triệu tập hôm 4-6. Mục đích của cuộc họp và sự ra đi của ông Hani Mulki là nhằm xoa dịu sự tức giận của người dân đối với các chính sách kinh tế của chính phủ. Tuy nhiên, bất chấp tuyên bố từ chức của Thủ tướng, hàng ngàn người vẫn tiếp tục tụ tập bên ngoài Văn phòng Chính phủ ở thủ đô Amman để bày tỏ sự bất bình của mình.

Lực lượng an ninh Jordan được đặt trong tình trạng báo động cao. Ảnh: AP.

Tính đến ngày 5-6, các cuộc biểu tình đã diễn ra được 5 ngày. Đích thân Hoàng Thái tử Hussein bin Abdullah đã phải tới nơi diễn ra cuộc biểu tình và chỉ thị các lực lượng an ninh bảo vệ người dân, không để xảy ra bạo loạn.

Trong khi đó, một mặt chấp thuận đơn từ chức của ông Hani Mulki, mặt khác, Quốc vương Abdullah cũng ngay lập tức chỉ định ông Omar al-Razzar thành lập chính phủ mới. Theo lập luận của Quốc vương, ông Omar al-Razzar là một nhà kinh tế học được đào tạo tại Đại học Harvard (Mỹ), từng phục vụ với tư cách là chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB).

Là Bộ trưởng Giáo dục trong nội các của cựu Thủ tướng Hani Mulki, ông Omar al-Razzar cũng hiểu rõ khó khăn mà chính phủ đang vấp phải và có tiếng nói với các chính trị gia khác.

Omar al-Razzar được kỳ vọng sẽ phản ứng nhanh hơn với các phản ứng của công chúng bởi khi là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông đã thể hiện sự nghiêm túc trong việc lắng nghe ý kiến của người dân và chia sẻ với họ. Nhiệm vụ cấp bách của ông Omar al-Razzar hiện nay là ngăn chặn làn sóng biểu tình và đưa nền kinh tế nước này trở về với quỹ đạo vốn có của nó.

Làn sóng biểu tình làm "rung chuyển" thủ đô Amman và nhiều thành phố khác của Jordan bắt nguồn từ phản ứng của người dân trước dự thảo luật thuế thu nhập và tăng giá cả hàng hóa dựa trên các yêu cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Theo dự luật này, thuế thu nhập đối với người lao động được đề xuất tăng ít nhất 5%, và thuế thu nhập công ty tăng từ 20-40%. Đây là những biện pháp mới nhất trong một loạt cải cách kinh tế kể từ khi Jordan được nhận khoản vay của IMF, trị giá 723 triệu USD trong vòng 3 năm kể từ năm 2016. Hiện dự luật này chưa được Quốc hội Jordan phê chuẩn. Sự tức giận của công chúng đã tăng lên khi Chính phủ dự kiến ban hành các chính sách tăng thuế bán hàng nói chung trong năm nay và bãi bỏ trợ cấp bánh mì.

Những người biểu tình yêu cầu Chính phủ duy trì luật thuế thu nhập và cải cách chính trị, kinh tế, đồng thời nhấn mạnh các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục cho đến khi Chính phủ mới rút dự thảo luật thuế thu nhập. Theo các nhà phân tích, các cuộc biểu tình ở Jordan những ngày qua được tổ chức khá bài bản và trật tự để tránh sự leo thang bất ổn như đã từng xảy ra năm 2011.

Hai ngày trước khi cuộc biểu tình liên hoàn này diễn ra, hơn 30 công đoàn và các nhóm chuyên nghiệp cũng đã tổ chức một cuộc đình công  lớn nhất trong nhiều năm qua. Các bác sĩ bước ra khỏi bệnh viện mặc áo khoác trắng của phòng thí nghiệm, luật sư bước ra khỏi phòng xử án trong áo choàng đen và người bán hàng đóng cửa cửa hàng của họ, treo những dấu hiệu đọc: "Chúng tôi đã đóng cửa. Chúng tôi đang đình công"… Một ngày sau đó, chính phủ tăng giá nhiên liệu hơn 5% và giá điện lên 19%. Cuộc đình công đã trở thành cuộc biểu tình trên toàn quốc với sự tham gia của hàng ngàn người.

Jordan là vương quốc hầu như toàn sa mạc và có rất ít tài nguyên. Trong năm 2017, người dân nơi đây đã phải đối mặt với tình trạng giá cả các loại nhu yếu phẩm và dịch vụ cơ bản như bánh mì, nhiên liệu, điện... không ngừng tăng. Bức tranh kinh tế của đất nước này đang rất ảm đạm, với tỷ lệ thất nghiệp chính thức trên 18% và tỷ lệ nghèo thậm chí cao hơn.

Ước tính, 18,5% người dân Jordan là người lao động làm thuê, trong đó 20% đang đứng ở bờ vực nghèo đói. Thống kê cho thấy, thu nhập ở Jordan đã trì trệ trong nhiều năm vì giá cả tăng vọt. Thủ đô Amman được xếp hạng là thành phố đắt nhất trong thế giới Arab và có chi phí sinh hoạt cao hơn nhiều thành phố giàu có hơn như Dubai, London (Anh) và Washington (Mỹ).

"Trong mắt công chúng, Chính phủ ở Jordan đã thất bại. Họ gặp sai lầm về kế hoạch và thực thi chính sách kinh tế công", Fares Braizat, Chủ tịch của NAMA Strategic Intelligence Solutions, một công ty nghiên cứu, bỏ phiếu và tư vấn có trụ sở tại Amman nhận định.

Còn Ibrahim Saif, một nhà kinh tế học thì cho rằng, việc thay thế Thủ tướng là một chiến thuật thường được Quốc vương Abdullah sử dụng trong nỗ lực xoa dịu dân chúng khi sự bất mãn của họ đe dọa sự ổn định của vương quốc. Nhưng đằng sau các cuộc biểu tình gần đây là một sự va chạm của các yếu tố quốc tế ít được để ý tới. “IMF đang yêu cầu các biện pháp đau đớn để cân bằng ngân sách và tự do hóa nền kinh tế mặc dù tiêu chuẩn sống của Jordan đã giảm trong nhiều năm.

Và vào cuối năm 2017, các chế độ quân chủ vùng Vịnh giàu dầu mỏ đã cắt giảm 1 tỷ USD viện trợ trong một năm cho Jordan. Những dấu hiệu gần đây cho thấy có khoảng cách giữa Quốc vương Abdullah và một số nhà lãnh đạo quan trọng của vùng Vịnh.

Câu hỏi được đặt ra là liệu sự giảm hỗ trợ này xuất phát từ việc giá dầu giảm khiến họ phải giảm ngân sách hay bởi sự khác biệt chính trị giữa Jordan và các quốc gia Arab, nhất là trong vấn đề Israel-Palestine”, Ibrahim Saif nhấn mạnh.

Gia Nam
.
.
.