Im lặng và phớt lờ trước Australia: Trung Quốc muốn gì?
- Trung Quốc khuyến cáo sinh viên cân nhắc việc du học tại Australia
- Mỹ dọa cắt liên minh tình báo với Australia
- Australia và Trung Quốc khẩu chiến vì nguồn gốc COVID-19
Theo tờ South China Morning Post, điều này tạo ra một tình huống bất thường đối với hai quốc gia vốn có quan hệ thương mại mạnh mẽ và chỉ làm tăng thêm sự nghi ngờ ở Australia rằng thuế quan và lệnh cấm là hình thức trừng phạt việc Canberra nỗ lực thúc đẩy mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc COVID-19.
Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham hồi đầu tuần tiếp tục bày tỏ sự thất vọng của mình khi không nhận được sự hồi đáp từ người đồng cấp Trung Quốc Chung Sơn sau nhiều lần ngỏ ý đàm thoại.
Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn khó khăn. (Ảnh: Shutterstock) |
“Thật không may, đề nghị xúc tiến đàm phán của chúng tôi chỉ gặp kết cục tiêu cực. Thật đáng thất vọng”, ông Birmingham nói với đài ABC.
Các chuyên gia nhận định, động thái im lặng và phớt lờ Australia từ phía Trung Quốc đang cho thấy một phần trong “chính sách ngoại giao mới”, nhưng Bắc Kinh không hề có ý định cắt đứt quan hệ hoàn toàn với Canberra.
“Sự thay đổi thái độ bắt đầu vào năm 2010 khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc vượt qua cả Nhật Bản và sau khi Bắc Kinh đăng cai thành công Thế vận hội Olympic 2008. Tinh thần chủ nghĩa dân tộc dâng cao ở Trung Quốc đã dẫn đến một cuộc tranh luận nội bộ kéo dài cả thập kỷ về việc liệu Trung Quốc có nên tiếp tục ‘náu mình’ hay không. Giờ đây, rõ ràng các tiếng nói ôn hoà không còn được coi trọng”, giáo sư Zhu Zhiqun tại Đại học Bucknell (Mỹ) phân tích.
Theo giáo sư Zhu, Trung Quốc có nhiều phàn nàn về chính sách của Australia, bao gồm cả việc Hải quân Australia tham gia vào các cuộc tập trận chung với Mỹ, cấm Huawei xây dựng mạng 5G hay ủng hộ Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio lập Liên minh Nghị viện chống Trung Quốc…
“Trong mắt Bắc Kinh, chính phủ Australia đang liên tiếp hỗ trợ chính quyền Trump trong cách tiếp cận với Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc không thể tiến hành kinh doanh như thường lệ với Australia… Sự im lặng và phớt lờ của Bắc Kinh là một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng đối với Canberra: đừng quá thân với chính quyền Trump và khiến mối quan hệ Trung Quốc-Australia gặp khó khăn”, ông Zhu nhận định.
Cuối tuần trước, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc khuyến cáo người dân không đến Australia do sự gia tăng đáng kể các vụ việc phân biệt chủng tộc đối với người Trung Quốc và người châu Á. Tuần này, Bộ Giáo dục Trung Quốc đưa ra cảnh báo tương tự đối với sinh viên chuẩn bị trở lại học tập các trường đại học Australia khi học kỳ mới bắt đầu vào tháng 7.
Trước thực tế đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 11-6 đã lên tiếng bác bỏ các cảnh báo của Trung Quốc, đồng thời nói rằng ông sẽ không bao giờ đánh đổi các giá trị của nước mình trước sự cưỡng ép từ bất cứ nơi đâu.
Ben Lowsen, chuyên gia an ninh về Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang áp dụng chính sách đối ngoại mới và quyết đoán hơn mang tên “Chiến Lang”, được đặt theo tên của một bộ phim về các chiến binh Trung Quốc đánh bại đối phương do phương Tây cầm đầu.
“Việc ông Chung phớt lờ các cuộc điện đàm từ phía ông Birmingham cho thấy hai điều: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có ý định thay đổi thuế quan hiện nay và muốn gây áp lực với Australia. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cũng đang nhấn mạnh sự bất mãn của Bắc Kinh đối với Canberra”, ông Lowsen phân tích.
“Thông thường, các quan chức sẽ hồi đáp yêu cầu của người đồng cấp bằng cách trả lời có hoặc không, nhưng đôi khi họ sẽ nói rằng đang cân nhắc. Theo kinh nghiệm của tôi, khoảng thời gian cân nhắc này có thể kéo dài lâu, thậm chí là vô thời hạn, bởi người ra quyết định cảm thấy chưa đúng thời điểm để trả lời có hoặc không”.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc “lạnh lùng” với các nước khác. Năm 2010, quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Na Uy xấu đi sau khi giải Nobel Hòa bình được trao cho nhà văn và nhà hoạt động Trung Quốc Lưu Hiểu Ba, người khi đó đang ngồi tù vì tội "kích động lật đổ nhà nước" Trung Quốc. Bắc Kinh phản đối động thái này, nói rằng đây là hành vi can thiệp nội bộ.
Sự căng thẳng hai nước sau đó kéo dài 6 năm, không có cuộc họp song phương nào được tổ chức và Trung Quốc đã hạn chế nhập khẩu cá hồi Na Uy trước khi lệnh này được dỡ bỏ vào năm 2016.
Các chuyên gia đánh giá, nhờ vào sức mạnh ngày càng tăng của mình, Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục cách tiếp cận ngoại giao cứng rắn hơn và trừng phạt các nước khi họ đưa ra quyết định khiến Bắc Kinh không hài lòng.
Tuy nhiên, trong trường hợp của Australia, thái độ trả đũa này có thể gây phản tác dụng. “Nó chỉ khiến chính phủ Australia thêm cứng rắn và công chúng nước này thêm ‘ác cảm’ với Trung Quốc”, Richard Maude, chuyên gia từ trung tâm nghiên cứu Asia Society Australia nhận định.