Hi vọng mới cho cuộc khủng hoảng Syria

Chủ Nhật, 17/09/2017, 07:43
Sau hai ngày diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan, vòng đàm phán thứ 6 về hòa bình Syria đã kết thúc với tuyên bố chung về 4 khu vực giảm căng thẳng tại Syria.

Cụ thể, ngoài 3 khu vực giảm căng thẳng tại Homs, Đông Ghouta và tại tỉnh Derea ở biên giới miền Tây Nam Syria với Jordan, khu vực thứ 4 sẽ được khởi động tại tỉnh Idlib. Bên cạnh đó, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận về việc cùng nhau giám sát khu vực giảm căng thẳng thứ tư này.

Theo tuyên bố chung, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý phân bổ lực lượng giám sát khu vực bao gồm tỉnh Idlib đang do lực lượng đối lập kiểm soát, các khu vực sát với Latakia, Hama và Aleppo. Các lực lượng của 3 nước này sẽ được triển khai dọc theo các giới tuyến đã được các bên nhất trí vào đầu tháng này tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện trường một vụ đánh bom ở tỉnh Idlib.

Tuy nhiên, chi tiết về thời gian và các địa điểm chính xác vẫn chưa được tiết lộ. Ngoài ra, một “Trung tâm điều phối chung Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ” cũng sẽ được thành lập để “điều phối các hoạt động của các lực lượng giảm căng thẳng”.

Trưởng đoàn đàm phán Nga Alexander Lavrentyev đánh giá thỏa thuận là “giai đoạn cuối cùng” trong việc thành lập 4 khu vực giảm căng thẳng, cũng như khẳng định thỏa thuận sẽ “tạo ra lộ trình rõ ràng về việc chấm dứt đổ máu”, đưa đến hy vọng “khôi phục cuộc sống hòa bình” ở Syria. Tuy nhiên, ông Lavrentyev cũng thừa nhận vẫn còn “một chặng đường dài phía trước để tăng cường niềm tin” giữa Chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al Assad và các nhóm vũ trang đối lập dù cả hai đều gửi phái đoàn tham gia đàm phán hòa bình.

Về phía Syria, đại diện đoàn đàm phán của chính quyền nước này, ông Bashar al-Jaafari, khẳng định Damascus “ủng hộ bất kỳ sáng kiến nào tại Syria nhằm tiến tới chấm dứt đổ máu và giảm đau thương”. Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Syria, ông Staffan de Mistura thì kêu gọi “mang động lực của Astana” tới đàm phán về Syria do LHQ tổ chức tại Geneva, nhấn mạnh: “Không có khu vực giảm căng thẳng nào có thể được duy trì mà không có một tiến trình chính trị toàn diện và tiến trình đó phải dựa vào đàm phán tại Geneva”.

Trong khi đó, trên thực địa, sau một chiến thắng lớn gần tỉnh Deir al-Zor, quân đội chính phủ Syria tiếp tục quét sạch các phần tử khủng bố thuộc cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khỏi các khu vực phía Đông nước này. Vùng ngoại ô của trung tâm tỉnh này đã được giải phóng.

Ngày 15-9, các đơn vị tiên phong đã vượt sông Euphrates thành công và chiếm giữ nhiều vị trí ở bờ phía Đông. Cùng ngày, Cố vấn hàng đầu của Tổng thống Bashar al-Assad, bà Bouthaina Shaaban tuyên bố chính phủ nước này sẽ chiến đấu chống lại bất kỳ lực lượng nào, trong đó có cả các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn cũng đang chiến đấu chống các tay súng của IS, trong công cuộc giành lại toàn bộ lãnh thổ Syria.

Bà Shaaban nhấn mạnh: “Cho dù đó là Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) hay Daesh (IS) hoặc bất cứ lực lượng nước ngoài hiện diện không chính đáng tại Syria... chúng tôi sẽ chiến đấu và hành động để chống lại chúng đến khi đất nước chúng tôi được giải phóng hoàn toàn khỏi bất cứ kẻ xâm lược nào”.

Theo vị cố vấn cấp cao này, SDF do Mỹ hậu thuẫn đã chiếm đóng nhiều khu vực từ IS “mà không cần chiến đấu”, ngầm cáo buộc lực lượng này thông đồng với IS. Trước đó, hôm 12-9, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Nga tại Syria, Trung tướng Alexander Lapin tuyên bố Damascus đã giải phóng được 85% lãnh thổ nước này khỏi tay IS. Hiện còn khoảng 15% lãnh thổ còn lại, tương đương 27.000km2, vẫn nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng cực đoan.

Nhận xét về nỗ lực thành lập các khu vực giảm căng thẳng của các bên tham gia vòng đàm phán tại Astana, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley tuyên bố, Washington sẽ không hài lòng cho tới khi Tổng thống Bashar al-Assad bị phế truất.

Bà Nikki Haley nói rõ: “Mỹ sẽ không cảm thấy thỏa mãn cho tới khi chúng tôi nhìn thấy sự ổn định lâu dài ở Syria và điều này không thể được thực hiện khi ông Assad vẫn còn tại vị”. Vị quan chức này nhắc lại mục đích của Mỹ ở Syria là chiến đấu chống IS thông qua sự hỗ trợ cho SDF, lực lượng vốn chủ yếu là các chiến binh người Kurd và Arab.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.