Hàng triệu cử tri tham gia cuộc bầu cử "định hình nước Mỹ"

Thứ Ba, 06/11/2018, 15:55
Chỉ còn một vài tiếng nữa, cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ sẽ chính thức bắt đầu. Dự kiến sẽ có khoảng 45% cử tri Mỹ đi bầu trong cuộc bỏ phiếu ngày 6-11 (giờ địa phương), một con số kỷ lục trong vòng nửa thế kỷ qua.
Tổng thống Mỹ trong một cuộc "tiếp xúc cử tri" trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Ảnh Reuters.

Hầu hết các điểm bỏ phiếu tại Mỹ được mở cửa từ 7h sáng tới 19h tối tuy nhiên tại một số bang, hoạt động bỏ phiếu bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc vào 20h tối. Các điểm bỏ phiếu ở một số bang đã bắt đầu mở cửa và người dân có khoảng 12 tiếng để tới bỏ phiếu. Kết quả kiểm phiếu dự kiến sẽ được công bố vào cuối ngày 6-11.

Mặc dù ngày bầu cử chính thức là 6-11 nhưng đã có ít nhất 31 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm hoặc bỏ phiếu qua hình thức gửi thư. Con số này cao hơn nhiều so với số cử tri bỏ phiếu sớm năm 2014 là 22 triệu người.

Mỹ có hệ thống bầu cử với các quy tắc, quy định khá phức tạp và cuộc bầu cử giữa kỳ cũng vậy. Cuộc bầu cử này diễn ra vào giữa nhiệm kỳ 4 năm của tổng thống đương nhiệm và chứng kiến hàng loạt cuộc đối đầu giữa các ứng viên, từ các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ ở Washington cho tới ủy viên hội đồng trường học ở địa phương.

Cuộc bầu cử các ghế ở hạ viện và thượng viện Mỹ diễn ra hai năm một lần được coi là cuộc đua tranh khốc liệt nhất và đáng chú ý nhất. Trong cuộc bỏ phiếu năm nay, cử tri Mỹ sẽ bầu lại tất cả 435 ghế hạ nghị sỹ, 35/100 ghế thượng nghị sỹ, và 39 ghế thống đốc bang và vùng lãnh thổ.

Tất cả những quy định về nhiệm kỳ và ngày bỏ phiếu đều được quy định trong hiến pháp Mỹ. Hiến pháp quy định một đảng cần nắm giữ ít nhất 51 ghế để kiểm soát thượng viện và 218 ghế để kiểm soát hạ viện. Đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump đang kiểm soát lưỡng viện quốc hội Mỹ, bởi đảng Dân chủ hiện chỉ nắm 49 ghế ở thượng viện và 193 ghế tại hạ viện.

Cuộc bầu cử mang tính định hình nước Mỹ trong hai năm tới.

Cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ được đánh giá là có vai trò quan trọng đối với bất kỳ tổng thống Mỹ đương nhiệm nào. Kết quả của cuộc bỏ phiếu sẽ khiến tổng thống “lên hương” hoặc trở thành cơn ác mộng thực sự.

Đến nay có nhiều dự đoán và khảo sát về kết quả của cuộc bầu cử, nhưng mọi chuyện sẽ chỉ được định đoạt sau khi lá phiếu cuối cùng được tính.

Tên của Tổng thống Mỹ Donald Trump không xuất hiện trên các lá phiếu, nhưng thực chất, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ lại là sự tranh giành “số ghế” của hai đảng lớn của Mỹ trong Thượng và Hạ viện. Kết quả của cuộc bầu cử cũng sẽ có ảnh hưởng tới bối cảnh chính trị của nước Mỹ, đặc biệt là với những chính sách gây tranh cãi trong hai năm qua của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Như cựu Tổng thống Barack Obama từng phát biểu trong cuộc vận động cho đảng Dân chủ mới đây, lá phiếu mà cử tri đi bầu sẽ “xác định tính chất của nước Mỹ” trong tương lai.

Một số chương trình hành động và cam kết tranh cử có thể được ông Trump hồi sinh nếu đảng Cộng hòa bảo vệ được quyền kiểm soát quốc hội của mình. Tổng thống Mỹ từng nhiều lần tuyên bố sẽ bãi bỏ và thay thế đạo luật Obamacare, thậm chí nỗ lực đưa đạo luật mới ra trước thượng viện hồi năm ngoái nhưng chưa thành công. Nếu sau cuộc bầu cử giữa kỳ này, đảng Cộng hòa vẫn chiếm đa số tại hạ viện và thượng viện, nỗ lực bãi bỏ Obamacare của Trump được dự đoán là sẽ thuận lợi hơn nhiều và đạo luật thay thế có thể được thông qua ngay trong năm tới.

Có thể khiến quãng thời gian còn lại của ông Trump trong nhiệm sở "lên hương" hay trở thành "ác mộng".

Ngược lại, nhiều chuyên gia cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đối diện với “ác mộng” nếu đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ khi phần lớn chương trình nghị sự cũng như các chính sách của Tổng thống Trump có nguy cơ bị đóng băng hoặc phải điều chỉnh rất nhiều để có thể thành hiện thực.

Không dừng lại ở đó, nội các của ông Trump cũng sẽ không được yên khi có nhiều khả năng các cuộc điều tra liên quan đến Nga can thiệp bầu cử năm 2016 sẽ lại được khơi lại và mạnh mẽ hơn. Thêm nữa, khả năng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020 tới của ông Trump cũng bị thu hẹp đáng kể.

Nếu đảng Dân chủ chỉ giành được quyền kiểm soát Hạ viện, việc triển khai các chính sách đặc biệt là chính sách đối nội của Tổng thống Trump, như những chính sách liên quan đến người nhập cư, chăm sóc sức khỏe, kiểm soát vũ khí… sẽ gặp ít nhiều khó khăn. Tất cả 435 ghế trong Hạ viện sẽ được bầu lại. Nếu đảng Dân chủ muốn giành quyền kiểm soát Hạ viện, họ cần phải giành được ít nhất 218 ghế.

Các cuộc thăm dò cho thấy đảng Dân chủ đang chiếm ưu thế, nhưng chưa thể kết luận được cho đến khi kết quả được công bố.

Kịch bản mà Tổng thống Trump mong đợi nhất không gì khác ngoài đảng Cộng hòa tiếp tục giữ được đa số tại cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ, một thắng lợi quan trọng đối với cả ông Trump lẫn đảng Cộng hòa.

Tuy vậy, thực tế cho thấy thế lực đảng Cộng hòa tại Hạ viện có nhiều khó khăn. Một số lượng lớn các Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa sẽ nghỉ hưu trong năm nay, do đó, đảng này được dự báo sẽ mất khá nhiều ghế tại Hạ viện.

Trong cuộc bầu cử này, cử tri Mỹ còn bầu ra 36 thống đốc bang và nhiều chức danh cấp địa phương khác. Hiến pháp Mỹ quy định cứ 10 năm lại tiến hành tổng điều tra dân số một lần và số ghế ở hạ viện của mỗi bang được phân chia theo kết quả điều tra dân số này, hậu quả là một số bang được thêm hoặc mất ghế tại hạ viện do những thay đổi về dân số.

Cựu Tổng thống Barack Obama cũng xuất hiện trong một số cuộc tiếp xúc cử tri của đảng Dân chủ. 

Nếu đảng nào giành được nhiều ghế thống đốc hoặc đa số trong các cơ quan lập pháp cấp bang, đảng đó sẽ có nhiều tiếng nói trong việc vẽ lại bản đồ này trong năm 2021. Đảng cầm quyền có thể lợi dụng điều này để vẽ ra những khu vực bầu cử có lợi nhất cho mình và gây trở ngại lớn nhất cho đảng đối lập. Đảng đối lập có thể khiếu nại việc vẽ bản đồ khu vực bầu cử lên tòa án và nếu nhận thấy hành động đó là bất công, thẩm phán có thể yêu cầu vẽ lại bản đồ khu vực bầu cử, nhưng thường sẽ kéo theo nhiều hỗn loạn.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, thì đảng Dân chủ đang chiếm ưu thế. Một số chuyên gia cho rằng, năm nay có thể chứng kiến “làn sóng xanh”, khi đảng Dân chủ sẽ giành lại được đa số ghế. Tất cả các dấu hiệu từ trước tới nay đều chỉ tới một sự thất bại cho Tổng thống Trump. Tuy vậy, càng kề sát thời điểm bỏ phiếu, những sự khác biệt đang dần được thu hẹp lại. Từ kết quả bất ngờ của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 có thể thấy rằng bất cứ cuộc bỏ phiếu nào tại Mỹ đều có thể nằm ngoài dự đoán của bất kỳ ai và cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ cũng không phải ngoại lệ.


Duy Tiến (Tổng hợp) Ảnh: Reuters, AP, Getty Images.
.
.
.