Hai thái cực đối lập Á – Âu trong cuộc chiến chống COVID-19
- Thứ trưởng Y tế Anh nhiễm COVID-19, Italia "điêu đứng" vì đại dịch
- Hơn 9 nghìn người nhiễm COVID-19, Italia phong tỏa toàn bộ lãnh thổ
- Không phải Hàn Quốc, Italia mới là ổ dịch COVID-19 lớn thứ 2 thế giới
Italia hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với 10.149 ca mắc và 631 ca tử vong tính đến chiều ngày 11/3. So với con số ca tử vong mới được công bố gần nhất của Trung Quốc - với 22 ca được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 11/3, số ca tử vong mới ở Italy đã cao gấp 7,6 lần.
“Tâm dịch COVID-19 trên thế giới hiện đã chuyển từ Trung Quốc sang Italia”, Giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield nhận định.
Hiện tại, lệnh phong toả toàn lãnh thổ tại Italia đã được áp dụng từ ngày 10/3 và có tác động trực tiếp tới 60 triệu người dân nước này. Đức, Pháp và Tây Ban Nha cũng ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt, trong khi ở Anh số người nhiễm tăng gấp 8 lần trong vòng một tuần.
Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tập tại Italia và các nước châu Âu khác. (Ảnh: Getty) |
Tại Tây Ban Nha, hiện số ca nhiễm COVID-19 tăng lên 1.696 trường hợp và 36 ca tử vong. Các trường học tại thủ đô Madrid đều đóng cửa. Hạ viện Tây Ban Nha đã dừng mọi hoạt động trong ít nhất một tuần sau khi nghị sĩ Javier Ortega của đảng Vox xác nhận dương tính với COVID-19, theo tờ El Pais.
Theo một nghiên cứu của giáo sư Mark Handley - một nhà khoa học đến từ Đại học College London, các ca nhiễm tăng dần ở Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ và Thụy Sĩ đều theo cùng một quỹ đạo như Italia. Mỗi ngày, các quốc gia này tăng khoảng 33% số ca nhiễm mới. Giáo sư Handley so sánh với Nhật Bản - nơi tốc độ gia tăng ca nhiễm mới thấp hơn đáng kể do quy trình xét nghiệm, chẩn đoán lâu hơn. Ông Mark Handley nói: "Những nơi khác rồi sẽ giống với Italia trong 9 đến 14 ngày tới".
Điều đáng nói ở đây là, thực tế tình hình dịch bệnh và những biện pháp kiểm soát của các nước đến nay đã bộc lộ nhiều điểm yếu, hạn chế trong khâu kiểm soát dịch. Người châu Âu dường như vẫn tin rằng COVID-19 hầu như không nghiêm trọng hơn bệnh cúm và khó có thể gây ra mối đe dọa đối với sự liên tục của đời sống kinh tế và xã hội thường nhật.
“Chính phủ của họ cho đến nay chỉ thực hiện các biện pháp ‘mềm’ và công dân tại đây vẫn chưa điều chỉnh lối sống. Nhưng các thông tin, số liệu và bài học kinh nghiệm từ châu Á cho thấy họ nên làm ngược lại, cần thức tỉnh và hành động nhanh chóng để tránh những thiệt hại lâu dài”, giáo sư W.M. de Jong từ Đại học Eramus Rotterdam, Hà Lan nhận định.
Chính vì việc giới y tế châu Âu lại coi COVID-19 giống như cúm mùa nên không tập trung nguồn lực truy tìm từng ca bệnh cũng như những người tiếp xúc F1, F2, mà chủ yếu cho cách ly tại nhà. Nhiều người không có biểu hiện bệnh nhưng có mang virus nên đã truyền sang cho người khác.
Trong cuộc họp về ứng phó với dịch COVID-19 hôm 10/3 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước tình thế lưỡng nan khi niềm tự hào của họ - quyền đi lại tự do trong khối Schengen - đang khiến các quan chức đau đầu mùa dịch.
Nhân viên y tế lấy mẫu thử từ nhân viên tại tòa nhà ở Seoul, nơi phát hiện 46 ca nhiễm hôm 9/3. (Ảnh: Getty) |
Trên thực tế, chính phủ các nước EU có thể đưa ra biện pháp kiểm soát tạm thời trong trường hợp khẩn cấp, ví dụ như cuộc khủng hoảng di cư năm 2015. Tuy nhiên, đến thời điểm này, không nước nào thực hiện biện pháp này khi dịch COVID-19 bùng phát. "Các nước châu Âu không thể cấm công dân Italia nhập cảnh trong khu vực Schengen. Cách khả thi duy nhất là thủ tướng Italia kêu gọi công dân tránh du lịch đến các nước EU" - Thủ tướng Cộng hoà Czech Andrej Babis kêu gọi vào ngày 10/3.
Về phía Anh, kể từ ngày đầu tiên phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên cho đến nay, giới chức nước này đã không thực hiện bất kỳ biện pháp mạnh mẽ nào để ngăn chặn sự lây lan của virus. Thủ tướng Boris Johnson vừa đối mặt với một phản ứng dữ dội sau khi ông vẫn đề cập đến các biện pháp trong giai đoạn một - "ngăn chặn sự lây lan". Giới chức Anh đã bàn đến giai đoạn hai - "làm chậm sự lây lan" - nhưng vẫn chưa thực hiện vào lúc này. Khi được hỏi liệu có nguy cơ Chính phủ Anh đang hành động quá chậm không, ông Boris Johnson cho biết giới chức vẫn đang thực hiện các bước "đúng thời điểm" và "tuân theo khoa học".
Trong khi các nước châu Âu đang “vật lộn” với COVID-19, tại châu Á, tình hình dịch ở Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản đều đang có những dấu hiệu chuyển biến tích cực.
Tại Trung Quốc, nhờ việc phong toả hàng loạt thành phố, hạn chế du lịch, chuyển đổi nhiều địa điểm công cộng thành bệnh viện dã chiến đã giúp ứng phó hiệu quả với dịch bệnh. Theo báo cáo từ Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 11/3, nước này chỉ ghi nhận 24 ca nhiễm mới, tuy có tăng so với 19 ca ghi nhận vào một ngày trước đó, nhưng đây cũng là con số “khả quan” trong thời điểm hiện tại.
Các nhân viên y tế mừng tất cả bệnh nhân được xuất viện tại một bệnh viện tạm thời ở Vũ Hán hôm 9/3. (Ảnh: ITN) |
Tới hết ngày 10/3, tất cả 16 bệnh viện tạm thời tại Vũ Hán đã hoàn thành sứ mệnh điều trị cho tổng cộng 12.000 ca nhiễm nhẹ và nghi nhiễm. Cùng ngày, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có chuyến thăm đầu tiên tới Vũ Hán, động thái dường như muốn cho thế giới thấy Trung Quốc đã "chiến thắng" COVID-19.
Trước tình hình các ca nhiễm đang tăng nhanh chóng mặt hồi đầu tháng, đặc biệt là tại Daegu và Bắc Gyeongsang, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã lập tức tuyên bố tình trạng "báo động khẩn 24 giờ và tăng cường tập trung cao độ vào "trận chiến" chống COVID-19, đồng thời triển khai gói trợ giúp trị giá 30 nghìn tỉ won (25 tỉ USD) bao gồm cả ngân sách bổ sung, nhằm ứng phó trực tiếp hoặc gián tiếp với các tác động tiêu cực của COVID-19 tại nước này. Nhật Bản cũng tiến hành hủy hàng loạt sự kiện lớn, thậm chí cách ly tất cả những ai từ vùng dịch xin nhập cảnh…
Mỗi nơi tình hình dịch bệnh khác nhau, khó có thể bê nguyên xi biện pháp phòng chống từ nước này sang nước kia, nhưng nhìn vào phản ứng của các nước châu Âu thì rõ ràng chưa coi dịch COVID-19 là mối đe dọa nghiêm trọng, dẫn tới các biện pháp chưa đủ mạnh.