Giải mã việc khủng bố nhằm vào “trái tim châu Âu”

Thứ Hai, 28/03/2016, 08:12
Tuần qua, cả châu Âu rung chuyển, còn thế giới thì bàng hoàng trước ba vụ khủng bố liên tiếp xảy ra tại Brussels, thủ đô của nước Bỉ và cũng là trung tâm chính trị của Liên minh châu Âu (EU), nơi đặt trụ sở tối cao của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).


Có lẽ chưa bao giờ và không ai có thể ngờ nơi được mệnh danh là “trái tim châu Âu” lại phải trải qua một “ngày đen tối” như hôm 22-3. Vì thế, mặc dù tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ khủng bố nghiêm trọng này, nhưng nhiều câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng và vẫn rất cần có thêm ý kiến trao đổi để “giải mã” sự kiện đang gây tranh cãi này. 

Do đâu IS lại dám khủng bố vào “trái tim châu Âu”?

Là trung tâm chính trị của Liên minh châu Âu và là nơi đặt trụ sở tối cao của NATO, Brussels phải là nơi được bảo vệ cẩn mật nhất. Thế nhưng IS lại tổ chức thành công ba vụ khủng bố liên tiếp cách không xa “trái tim châu Âu”. Do đó, theo nhiều chuyên gia phân tích chính trị quốc tế, trong những vụ khủng bố này có nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp.

Về nguyên nhân sâu xa, NATO và EU từng cổ súy cho các biến động chính trị mang tên “Mùa xuân Arab”, tạo điều kiện cho các lực lượng Hồi giáo cực đoan phát triển và lan tỏa mạnh mẽ chưa từng có kể từ sau chiến tranh lạnh và trở thành lực lượng đóng vai trò then chốt trong các hoạt động lật đổ chính thể nhiều nước Bắc Phi-Trung Đông và hiện nay đang là lực lượng chủ yếu trong cuộc chiến nhằm lật đổ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Vì thế mà NATO, EU nói chung và Bỉ nói riêng đã phạm sai lầm khi cho rằng IS sẽ không chạm đến họ. 

Chính quyền Bỉ trong nhiều năm qua thực hiện chính sách khoan dung đối với các phần tử Hồi giáo cực đoan theo một cách thức nguy hiểm, do đó Brussels đã trở thành nơi chứa chấp các cơ sở đào tạo, huấn luyện và tàng trữ vũ khí khủng bố ở ngay một quận của thủ đô. 

Đến khi các lực lượng Hồi giáo cực đoan trở thành hiểm họa đối với toàn thế giới thì một số nước EU và NATO lại tham gia chiến dịch chống các lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Iraq và Syria do Mỹ chỉ huy. Vì thế, những lực lượng này cảm thấy chúng bị EU và NATO “phản bội” hoặc “bỏ rơi” và chúng bắt đầu hành động.

Phát biểu tại Diễn đàn Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 28-9-2015 nhân kỷ niệm 70 năm thành lập tổ chức này, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo rằng, sẽ là một hiểm họa khi các nước phương Tây sử dụng các tổ chức khủng bố như một công cụ để thực hiện mục đích địa-chính trị của họ và sẽ tiêu diệt chúng sau khi thực hiện được tham vọng của mình. 

Cảnh báo của ông V.Putin đã thành sự thật: IS vốn sinh ra từ chính sách can thiệp của NATO vào chủ quyền của các quốc gia Bắc Phi-Trung Đông, thì nay trở thành hiểm họa không chỉ đối với toàn thế giới mà trước hết là đối với những ai đã “đẻ” ra chúng. Nhận định về ba vụ khủng bố ở Brussels, báo “Huffington Post”-một diễn đàn chính trị ở Mỹ đã đăng bài bình luận, trong đó nhận định rằng “nước Bỉ đã nuôi lớn một con quỷ khủng bố ngay trong lòng mình”.

Về nguyên nhân trực tiếp, sau ngày 18-3 khi cảnh sát Bỉ bắt được Sala Abdeslam - kẻ có liên quan tới vụ khủng bố gây ra vụ thảm sát 130 người tại thủ đô Paris của nước Pháp và lẩn trốn ở Brussels trong hơn 4 tháng qua, cơ quan an ninh cho rằng rằng hiểm họa khủng bố ở Bỉ và châu Âu đã tạm lắng. Nhưng đấy lại là một tính toán sai lầm và rất có thể ba vụ khủng bố ở Brussels là nhằm “trả đũa” hành động của cảnh sát Bỉ bắt giam Sala Abdeslam.

Người dân đặt hoa và thắp nến tưởng niệm các nạn nhân trong loạt vụ đánh bom khủng bố đẫm máu tại Brussels.

Vì sao NATO lúng túng, bị động trước các hành động khủng bố?

Quan sát các vụ khủng bố ở Paris, ở Ankara và Brussels, giới phân tích nhận thấy NATO tỏ ra hết sức lúng túng, bị động và bất lực trước các hành động khủng bố nhằm vào chính các quốc gia thành viên của tổ chức này. Do đâu một liên minh quân sự có trong tay cả một bộ máy tình báo khổng lồ và rộng khắp thế giới được trang bị các phương tiện do thám cực kỳ hiện đại, lại có cách hành xử kỳ lạ đến thế?

Nguyên nhân sâu xa ở đây là, kể từ thời chiến tranh lạnh tới nay, các lực lượng khủng bố là công cụ để NATO thực hiện các mục đích địa-chính trị và họ chưa bao giờ chống khủng bố một cách đích thực. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, NATO đã từng sử dụng các lực lượng khủng bố để ngăn chặn sự phát triển ảnh hưởng của các lực lượng cộng sản và cánh tả tiến bộ cũng như phong trào giải phóng dân tộc ở châu Âu và nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. 

Trong đó đáng chú ý nhất là các tổ chức khủng bố mang tên “Gladio” do NATO thành lập chuyên thực hiện các chiến dịch bí mật ở châu Âu. Cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ William Egan Colby từng gọi “Gladio” là “chiến dịch quan trong nhất của Mỹ”. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ luôn phủ nhận “Gladio” là tổ chức khủng bố.

Sau chiến tranh lạnh, NATO tiếp tục núp dưới chiêu bài “chống khủng bố” để thực hiện các mục đích địa-chính trị trên toàn thế giới. Cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố ở Afghanistan là một thí dụ: Sau hơn 10 năm NATO tiến hành “chống khủng bố” thì khủng bố lại càng lan rộng và phát triển cả về quy mô, mức độ tàn bạo và tổ chức. 

Trong cuộc chiến chống IS ở Syria hiện nay, NATO núp dưới khẩu hiệu “chống khủng bố” để tiếp tục ủng hộ cái gọi là “các lực lượng Hồi giáo ôn hòa” để loại Tổng thống Syria Bassa Al-Assad. Vì thế mà NATO chưa bao giờ chống khủng bố một cách thực sự. Đó là lý do họ tỏ ra “lúng túng, bị động và bất lực”. 

Cần chấm dứt “trò chơi địa-chính trị”

Ngay sau ba vụ khủng bố ở Brussels, ngày 23-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi Phương Tây nên ngừng "trò chơi địa-chính trị" và cùng nỗ lực hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố. Đây có thể là giải pháp căn bản để loại trừ nguy cơ khủng bố không chỉ ở châu Âu mà còn trên phạm vi toàn thế giới.

Đề nghị của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov được đưa ra trong bối cảnh Bộ chỉ huy NATO không ngớt đưa ra cáo buộc xuyên tạc rằng cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất ở châu Âu là “hậu quả từ chiến dịch quân sự của Nga chống khủng bố ở Syria”, rằng “Các máy bay chiến đấu của Nga ở Syria không tấn công khủng bố mà là nhằm vào các lực lượng đối lập ôn hòa”.

Ngay sau ba vụ khủng bố ở Brussels, mặc dù IS đã đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện những vụ khủng bố này nhưng Giám đốc Cục An ninh Ukraine, ông Vasili Grisak-một trong những thành viên chủ chốt trong chính quyền Kiev được Mỹ và Phương Tây dựng lên sau vụ đảo chính lật đổ Tổng thống Ukraine Yanucovich ngày 22-2-2014, đưa ra tuyên bố gây sốc rằng trong vụ khủng bố ở Brussels có thể có “bàn tay” của Moskva. 

Còn ông Alechsander Turchinov, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Ukraine, nguyên Chủ tịch Quốc hội Ukraine, đưa ra tuyên bố còn gây sốc gấp bội: “Không phải là Tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông” (tiền thân của IS), gây ra cuộc chiến tranh khủng bố tàn phá hạ tầng cơ sở của Syria và gây ra làn sóng di cư tới châu Âu mà là do Nga. Cũng chính Nga là người đạo diễn các vụ khủng bố ở Ankara, Paris, Brucsel và Miền Đông Ukraine”(?!).

Những tuyên bố gây sốc này của các quan chức Ukraine không thể không khiến Moskva quan ngại. Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, đã đến lúc đưa các quan chức Ukraine này đi chẩn đoán bệnh “loạn thần kinh”. 

Về nhận định của ông Vasili Grisak cho rằng trong vụ khủng bố ở Brussels có thể có “bàn tay” của Moskva, Người phát ngôn Bộ trưởng Ngoại giao Nga, bà Zakharova, viết trên trang Facebook cá nhân như sau: “Là con người thì không ai phát ngôn như vậy cả. Đây là hành động vượt ra khỏi phạm vi ứng xử của con người. Tôi chia sẻ nỗi đau với những người dân mà sự sống chết của họ phụ thuộc vào quyết định của những kẻ không phải là người này”.

Đại tá Lê Thế Mẫu
.
.
.