"Thử thách" của tân Tổng thống Mỹ có thể đến rất sớm

Thứ Tư, 28/10/2020, 10:39
Vào ngày thứ 75 trong nhiệm kỳ đầu của ông Barack Obama, động cơ tên lửa của Triều Tiên bắt đầu “gầm thét” ở bên kia đại dương, trở thành cuộc khủng hoảng đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông.
Dù ai chiến thắng trong cuộc bầu cử tới sẽ phải đối mặt với Triều Tiên. Ảnh Getty Images. 

Vụ thử tên lửa đầu tiên của Bình Nhưỡng trong nhiệm kỳ Tổng thống của Donald Trump thậm chí còn diễn ra sớm hơn. Vào ngày thứ 23 ông Trump tại vị, khi ông và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngồi ăn tối trên sân thượng tại Mar-a-Lago, một khu nghỉ dưỡng chơi golf sang trọng của ông Trump. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã giám sát vụ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo này.

Vì vậy, nếu cựu Phó Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11, liệu Triều Tiên có lại tiến hành một số hành động khiêu khích trong những ngày đầu của chính quyền mới?

Điều này cực kỳ khó dự đoán, đặc biệt là khi đó là Triều Tiên, một trong những quốc gia biệt lập và bí hiểm nhất thế giới.

Một điều mà các chuyên gia ở Mỹ nhận định đó là Triều Tiên biết cách thu hút sự chú ý của nước Mỹ và họ hoàn toàn có thể làm một điều tương tự sau khi “nhường lại sân khấu” cho những vấn đề khác, như bầu cử, biểu tình chống phân biệt chủng tộc hay đại dịch COVID-19 đang nóng tại xứ cờ hoa.

Giới quan sát cho rằng, một chính quyền của ông Biden, hoặc của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai, có thể buộc phải đối phó với Bình Nhưỡng sớm hơn những gì họ mong đợi.

Phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên vẫn là một trong những vấn đề chính sách đối ngoại khó nhằn nhất của Mỹ. Từ hồi năm 2006, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm thành công 6 thiết bị hạt nhân và 3 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), những vũ khí mà ông Kim khẳng định là nhằm ngăn chặn sự xâm lược của nước ngoài.

Tuy nhiên, việc kiên định theo đuổi những vũ khí này đã khiến Bình Nhưỡng phải trả một cái giá rất đắt. Các biện pháp trừng phạt trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân đã ngăn cản Triều Tiên - một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới - giao dịch với thế giới bên ngoài. Điều đó có nghĩa là có rất ít cơ hội để Triều Tiên cải thiện nền kinh tế và tăng sinh kế cho người dân, một lời hứa chính mà ông Kim đã đưa ra với người dân của mình.

Mỹ hy vọng rằng các lệnh trừng phạt sẽ làm tê liệt Triều Tiên và buộc lãnh đạo Kim phải ngồi vào bàn đàm phán. Tổng thống Trump, tổng thống đương nhiệm đầu tiên ngồi đối diện trên bán đàm phán với một nhà lãnh đạo Triều Tiên, hy vọng rằng ông có thể tạo ra một số bước đột phá. Tuy vậy, các cuộc đàm phán đã đi vào bế tắc kể từ cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai của hai nhà lãnh đạo vào năm 2019 tại Hà Nội.

Ông Trump muốn một “thỏa thuận lớn” mà trong đó, ​​Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lại việc giảm nhẹ lệnh trừng phạt ngay lập tức, nhưng ông Kim chỉ chuẩn bị đóng cửa Yongbyon, cơ sở lớn nhất và nổi tiếng nhất ở Triều Tiên sản xuất vật liệu phân hạch cho vũ khí hạt nhân, theo cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.

Điều này chưa đủ thỏa mãn ông Trump. Markus Garlauskas, cựu sĩ quan tình báo quốc gia về Triều Tiên tại Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, cho biết, trở ngại đối với một sự đột phá trong đàm phán chính là “ông Kim không hứng thú với việc từ bỏ vũ khí hạt nhân và ông sẵn sàng trả một cái giá đắt để giữ lại vũ khí”, chứ không phải việc thiếu đi mối liên hệ giữa các nhà lãnh đạo. Trên thực tế, theo Garlauskas, đã từng có những cơ hội tiềm năng để hai nhà lãnh đạo thực sự “bắt tay”, nhưng đó “không phải viên đạn bạc để giải quyết tình hình”.

Cho đến nay, chính quyền Trump đã coi chính sách Triều Tiên của mình là một chiến thắng. Kể từ tháng 11/2017, Bình Nhưỡng đã không phóng thử bất kỳ vũ khí hạt nhân hay tên lửa tầm xa nào, những vũ khí được thiết kế để đưa đầu đạn hạt nhân vươn được đến đất Mỹ lục địa.

Trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, hai nhà lãnh đạo đã đạt được một thỏa thuận ngầm rằng, miễn là các cuộc đàm phán còn diễn ra, Triều Tiên sẽ không thử ICBM hoặc bom hạt nhân, đổi lại lại, ông Trump giảm số lượng các cuộc tập trận quân sự mà Mỹ tiến hành với Hàn Quốc. Các cuộc tập trận này nhằm mục đích giữ cho quân đội tư thế sẵn sàng trong trường hợp xảy ra xung đột, nhưng Triều Tiên coi đó là hành động thù địch và cho rằng Mỹ và Hàn Quốc đang tập dượt cho một cuộc xâm lược.

Tuy nhiên, thỏa thuận này không bao gồm các tên lửa tầm ngắn hơn có thể được sử dụng để nhắm vào quân đội Mỹ hoặc các đồng minh trong khu vực mà Triều Tiên đã tiếp tục thử nghiệm. Bình Nhưỡng cũng không cam kết ngừng phát triển hoặc tăng cường vũ khí của mình.

Ngày 10/10, Triều Tiên đã phô trương thứ được cho là một trong những ICBM lớn nhất thế giới tại một cuộc duyệt binh nhân ngày kỷ niệm quan trọng ở Bình Nhưỡng. Các chuyên gia vũ khí cho biết có vẻ như tên lửa khổng lồ này được thiết kế để mang nhiều đầu đạn xuyên qua các hệ thống phòng thủ tên lửa, chứng tỏ rằng việc Triều Tiên cam kết ngừng phóng thử ICBM không có nghĩa là sẽ ngừng các hoạt động khác có liên quan.

Nếu Triều Tiên cho rằng loại tên lửa mới này là khả thi, họ sẽ phải tiến hành một vụ phóng thử. Mặc dù ông Kim đã cam kết không phóng thử ICBM trong các cuộc đàm phán của Mỹ, nhưng trong một bài phát biểu vào năm ngoái, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết rằng ông không còn cảm thấy bị ràng buộc nghĩa vụ phải tuân thủ lời hứa. Ông cũng đổ lỗi cho Mỹ về sự bế tắc ngoại giao và cho rằng Triều Tiên đã “bị Mỹ lừa dối”, lãng phí 18 tháng cho các cuộc đàm phán.

Một số chuyên gia lo ngại rằng việc thử nghiệm loại ICBM khổng lồ mới có thể là một bước khả thi tiếp theo để gây chú ý sau cuộc bầu cử.

Evans Revere, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, cho biết “sẽ không bất ngờ gì nếu Triều Tiên phóng thử một loại tên lửa sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ”, đặc biệt nếu ứng viên Biden thắng cử.

Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất của tân Tổng thống Mỹ, dù là ông Trump hay Biden, có thể xảy ra trong quá trình chuyển giao. Trang web tranh cử của ứng viên Biden chỉ có một câu mơ hồ về chính sách đối với Triều Tiên, vì vậy, nếu đắc cử, ông này và các phụ tá sẽ cần nhanh chóng xác định một chiến lược để đưa Triều Tiên tiến tới phi hạt nhân hóa và tìm đúng người để thực hiện chiến lược đó.

Mỗi ứng viên đều có những ưu nhược điểm riêng. Mối quan hệ của ông Trump với ông Kim có thể giúp tiếp tục hạ nhiệt trên Bán đảo Triều Tiên, nhưng cam kết của ông về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn từ trước đến nay vẫn khó có thể xảy ra.

Tuy vậy, có thể thấy một thực tế là dù ông Biden hay ông Trump thắng cử, ai cũng sẽ phải đối mặt với cùng một thách thức: Làm cách nào để khiến Triều Tiên ngừng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, và cuối cùng, từ bỏ những vũ khí mà họ được coi là quan trọng để ngăn chặn đối thủ?

Duy Tiến (Theo CNN)
.
.
.