Bắc Kinh trông đợi một "khởi đầu mới" dù ông chủ mới của Nhà Trắng là ai

Thứ Hai, 26/10/2020, 15:45
Mỗi khi có sự chuyển giao quyền lực ở Washington, theo truyền thống, Tổng thống sắp mãn nhiệm sẽ viết cho người kế nhiệm một bức thư, đưa ra lời khuyên và lời chào mừng “tình huynh đệ” giữa các nhà lãnh đạo Mỹ.
Ảnh minh họa Getty Images. 

Cựu Tổng thống George W. Bush cảnh báo người kế nhiệm Barack Obama rằng “những người chỉ trích sẽ nổi giận (và) ‘bạn bè’ sẽ khiến ông thất vọng”, trong khi ông Obama thúc giục Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump “duy trì trật tự quốc tế vốn được mở rộng và ổn định kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”.

Theo CNN, bất kỳ ai muốn muốn đưa ra lời khuyên cho người làm chủ Phòng Bầu dục vào tháng 1/2021, dù đó là ông Trump với nhiệm kỳ thứ hai, hay một người mới như ứng viên Joe Biden, sẽ thúc giục tân Tổng thống tập trung vào mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc, được coi là xuống cấp nghiêm trọng trong thời gian gần đây.

Thật vậy, Tổng thống tuyên thệ nhậm chức vào năm 2021 có thể là người đầu tiên trong hai thập kỷ mà thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất không phải là đống đổ nát do cuộc chiến của Washington ở Afghanistan và Iraq, mà là đối phó với một trật tự thế giới đa cực mới, nơi có Mỹ không còn là siêu cường duy nhất.

Trung Quốc hiện vươn tới tham vọng vượt qua Mỹ để giành vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới, với lực lượng quân đội được mở rộng và tăng cường mạnh mẽ, đe dọa các lực lượng của Mỹ hoặc đồng minh của họ tại một số điểm nóng tiềm tàng. Các nhà quan sát đã cảnh báo về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, hoặc thậm chí là một cuộc xung đột công khai hoặc các cuộc chiến ủy nhiệm giữa hai cường quốc.

Dưới thời của ông Trump, Washington đã tấn công Trung Quốc bằng thuế quan thương mại, trừng phạt các quan chức Trung Quốc, đồng thời tăng cường viện trợ và hỗ trợ cho Đài Loan. Năm nay, Tổng thống Trump đã liên tục đổ lỗi cho Bắc Kinh về đại dịch COVID-19 cũng như việc đóng cửa các lãnh sự quán ở cả Mỹ và Trung Quốc.

Về phần mình, Bắc Kinh đang mong đợi một sự khởi đầu lại vào tháng 1/2021 bất kể cuộc bầu cử Mỹ diễn ra như thế nào. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không hài lòng với việc nước này trở thành một chủ đề trong các cuộc tranh luận tổng thống tại Mỹ, một điều được coi là đã cho thấy thái độ diều hâu đối với Bắc Kinh ngày càng trở thành sự đồng thuận giữa các bên ở Washington.

Phát biểu vào đầu tháng này, Đại sứ Trung Quốc tại Washington Cui Tiankai cho biết, Bắc Kinh “kiên quyết phản đối một cuộc ‘Chiến tranh Lạnh’ mới và cam kết mang lại sự phát triển lành mạnh và ổn định cho mối quan hệ Trung - Mỹ “. “Mối quan hệ Trung - Mỹ đang gặp khó khăn nghiêm trọng hiếm thấy trong suốt 41 năm quan hệ ngoại giao. Điều này đã làm xói mòn nghiêm trọng các lợi ích cơ bản của người dân Trung Quốc và Mỹ”, Đại sứ Trung Quốc cho biết.

Tuy vậy, sự rạn nứt trong quan hệ hai nước không chỉ đơn thuần xuất phát từ phía Mỹ. Một khía cạnh nào đó, đây còn là hậu quả của chính sách ngoại giao ngày càng hung hăng của Bắc Kinh và chủ nghĩa bành trướng trong quân sự.

Đại dịch COVID-19, trong khi gây ảnh hưởng đến vị thế của Bắc Kinh trên toàn thế giới do những ứng phó ban đầu đối với đợt bùng phát ở Vũ Hán, tuy nhiên, đã tạo cơ hội lớn cho Trung Quốc để thúc đẩy quá trình “trẻ hóa quốc gia”. Nền kinh tế Trung Quốc vẫn phát triển mạnh trước đại dịch, bất chấp cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, và đã vượt qua cơn bão đóng cửa và dịch bệnh trên toàn quốc, khác với nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia lớn hơn như Mỹ, Brazil và Ấn Độ, cuộc sống đã trở lại bình thường trong những tháng gần đây.

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã lớn mạnh rất nhiều dưới thời ông Tập, mặc dù ngân sách quân sự của Mỹ lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Những tháng gần đây đã chứng kiến ​​những động thái gây hấn của PLA ở Biển Đông và Himalaya. Ngược lại, quân đội nhiều nước khác bị ảnh hưởng nặng nề, phải tạm dừng một số hoạt động do đại dịch. Ngày 13/10, ông Tập đã thị sát Thủy quân lục chiến PLA trong chuyến công du miền Nam Trung Quốc, trong đó ông kêu gọi đơn vị tinh nhuệ này “tập trung vào khả năng sẵn sàng và chiến đấu”, cũng như “duy trì mức độ sẵn sàng cao”.

Nick Marro, một chuyên gia về Trung Quốc tại EIU, đồng ý rằng sự đổ vỡ trong quan hệ là do cả hai bên. “Trung Quốc đang cố gắng giữ cho các mối quan hệ không trở nên xấu đi, nhưng không tạo tiền đề cho các mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn. Rất nhiều mâu thuẫn song phương hiện nay vượt ra ngoài thương mại, liên quan đến các vấn đề như Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương và Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc coi tất cả những khu vực này là ‘lằn ranh đỏ’ của mình, bất kỳ sự lùi bước nào trong chính sách đều có nguy cơ bị coi là đầu hàng trước áp lực của phương Tây”.

Hầu hết các nhà quan sát đồng ý rằng nếu Biden đắc cử tổng thống, ông sẽ theo đuổi một chính sách ít gây hấn công khai hơn đối với Trung Quốc, dù về cơ bản, ông có thể vẫn nghi ngờ Bắc Kinh như thời ông Trump. “Ông Biden sẽ dựa vào cộng đồng liên cơ quan của Mỹ và các đồng minh truyền thống của Mỹ, đưa ra quyết định có cân nhắc hơn về các vấn đề Mỹ-Trung”, trái ngược với các chính sách thường thất thường của ông Trump đối với Bắc Kinh, theo Jeff Moon, cựu quan chức ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc.

Dù vậy, sau nhiều thập kỷ đối thoại và hợp tác Mỹ-Trung về toàn bộ các vấn đề song phương, Trung Quốc đã nhất quán từ chối áp dụng các thay đổi và cải cách chính sách giải quyết các mối quan ngại của Mỹ, ông Moon cho biết. Do đó, công thức tái thiết lập của Trung Quốc sẽ khó được Mỹ chấp nhận.

Chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, Ryan Manuel, cũng đồng ý rằng việc thiết lập lại là “khó xảy ra”. Chuyên gia này cho biết, chính quyền nếu ông Biden trở thành Tổng thống sẽ “thúc đẩy việc sử dụng nhiều hơn chính sách công nghiệp nội địa của Mỹ trong các lĩnh vực mà Mỹ cho rằng Trung Quốc đang gian lận”.

Cách tiếp cận mềm mỏng với Trung Quốc như thời Clinton là rất khó xảy ra, do sự thù địch của lưỡng đảng đối với Bắc Kinh ở Washington và sự phẫn nộ tại Mỹ về các vấn đề như Tân Cương và quân sự hóa Biển Đông.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, việc Nga hay Trung Quốc là đối thủ lớn nhất của Mỹ từng là một vấn đề được tranh luận. Tuy nhiên, giờ đây ngày càng nhiều người cho rằng Bắc Kinh tạo ra mối thách thức lớn hơn.

Vẫn còn đó những người mong chờ một sự xoay trục trong mối quan hệ với Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ hai của chính quyền Trump, tuy nhiên, nhà phân tích Marro của EIU cảnh báo điều này khó xảy ra. “Nếu Tổng thống Trump tái đắc cử, ông ấy sẽ không còn bị ràng buộc với mục tiêu phải chiến thắng thêm một nhiệm kỳ. Điều này có thể khiến ông tự do hơn trong việc đưa ra những chính sách quyết liệt hơn chống lại Trung Quốc, chẳng hạn như các lệnh cấm đầu tư hoặc dòng tài chính giữa Mỹ và Trung Quốc”, ông Marro cho biết.

Duy Tiến (Theo CNN)
.
.
.