Cuộc chiến giữa Iran và Mỹ về thỏa thuận hạt nhân

Thứ Tư, 16/08/2017, 10:11
Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 ký hồi năm 2015 đang có nguy cơ đổ vỡ sau khi Tổng thống tái đắc cử của Iran Hassan Rouhani đe dọa sẽ rút nếu Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện những lệnh trừng phạt nhằm vào nước này.

Phát biểu trước phiên họp của Quốc hội được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia Iran, Tổng thống Hassan Rouhani nói: “Nếu người Mỹ muốn thực hiện thêm bất kỳ một lệnh trừng phạt mới nào, Iran sẽ ngay lập tức (có thể trong tuần này hoặc thậm chí trong vài giờ nữa) rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký kết”.

Tổng thống Iran còn nói thêm rằng, các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ đang định áp đặt đã vi phạm thỏa thuận đạt được năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1.

Khi đó thỏa thuận này đã nhấn mạnh rằng, nếu Tehran đồng ý cắt bỏ hoạt động sản xuất hạt nhân của mình thì đổi lại các nước sẽ bãi bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt.

Thế nhưng, cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ lại vừa áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới nhằm vào 18 cá nhân và tổ chức Iran với cáo buộc ủng hộ lực lượng Vệ binh cách mạng Iran phát triển các trang thiết bị quân sự, sản xuất linh kiện điện tử hoặc liên quan đến việc trộm chương trình phần mềm của Mỹ, phương Tây để bán cho Iran.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đang chịu nhiều sức ép kể từ khi tái đắc cử. Ảnh: The Times of Israel

Theo lệnh trừng phạt mới, tất cả các cá nhân và tổ chức này bị phong tỏa tài sản và giao dịch ở Mỹ. Phía Mỹ lập luận rằng, những công ty này tham gia hoạt động phát triển một chương trình tên lửa đạn đạo liên quan đến vụ phóng tên lửa có khả năng đưa vệ tinh lên quỹ đạo của Iran được thực hiện trước đó.

Chưa hết, Nhà Trắng lại nhấn mạnh “quan ngại sâu sắc các hoạt động nguy hại của Iran tại Trung Đông, làm suy yếu an ninh, ổn định và thịnh vượng tại khu vực”.

Ngay sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới, Tehran đã lên án gay gắt và tuyên bố đáp trả bằng việc trừng phạt các cá nhân và tổ chức Mỹ có hành động chống lại người dân Iran và người Hồi giáo.

Nhưng căng thẳng giữa hai nước này chưa dừng lại. Vào đầu tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại ký luật cấm vận mới đối với Iran, Nga và CHDCND Triều Tiên mới được lưỡng viện Quốc hội thông qua.

Các biện pháp trừng phạt trong dự luật này cũng nhằm vào các chương trình tên lửa của Iran cũng như các vụ lạm dụng nhân quyền.

Ngoài ra, Mỹ còn áp đặt thêm biện pháp trừng phạt đơn phương sau khi nói vụ thử tên lửa đạn đạo của Iran đã vi phạm một nghị quyết của Liên Hợp Quốc (LHQ), trong đó xác nhận thỏa thuận hạt nhân và kêu gọi Tehran không thực hiện các hoạt động liên quan đến tên lửa đạn đạo có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Iran đã phủ nhận việc phát triển tên lửa này vi phạm nghị quyết, nói rằng tên lửa của họ không được thiết kế để mang vũ khí hạt nhân…

Điều đáng nói là trong khi đưa ra các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran, Mỹ vẫn thừa nhận rằng chính quyền Tehran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đã đạt được.

Mới đây nhất là vào giữa tháng 7, trong thông báo tới Quốc hội Mỹ về kết quả thực hiện thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1, Nhà Trắng cũng đã nhắc lại những nhận xét này nhưng lại cho rằng, Tehran vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được tinh thần của thỏa thuận nên Washington phải tìm cách gia tăng sức ép.

Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức trong chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, những biện pháp trừng phạt kinh tế mới sẽ được áp dụng trong trường hợp Iran tiến hành chương trình nghiên cứu tên lửa đạn đạo và có hành động gây căng thẳng trong khu vực.

Theo các nhà phân tích, một trong những lý do khiến Mỹ và Iran thời gian gần đây gia tăng căng thẳng về thỏa thuận hạt nhân là vì từ khi còn tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần thể hiện sự không đồng tình với thỏa thuận này và thậm chí gọi đây là thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Vì thế, kể từ khi lên nhậm chức, dù Mỹ đã dỡ bỏ một số trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, song ông chủ Nhà Trắng vẫn muốn duy trì các lệnh trừng phạt khác liên quan đến chương trình tên lửa, nhân quyền và những hành động bị Mỹ cáo buộc là hỗ trợ cho mạng lưới khủng bố quốc tế.

Trước động thái này của Mỹ, Tổng thống Iran từng nói: “Thế giới đã rõ ràng rằng dưới thời ông Trump, Mỹ đã phớt lờ các thỏa thuận quốc tế, và ngoài việc phá hoại thỏa thuận hạt nhân, đã phá vỡ lời hứa của mình về hiệp định Paris và hiệp ước Cuba... và rằng Mỹ không phải là một đối tác hay một nhà đàm phán đáng tin cậy”.

Thêm vào đó, khi tái đắc cử Tổng thống và chính thức nhậm chức từ ngày 14-8, ông Hassan Rouhani cũng đã phải chịu rất nhiều áp lực từ trong nước xung quanh vấn đề này và nếu không giải quyết, rất có thể uy tín và vị thế của ông cũng bị lung lay.

Gia Nam
.
.
.