Cuộc “cách mạng” trong nội các ở Brazil

Thứ Bảy, 14/05/2016, 07:41
Ngày 13-5, sau khi công bố nội các mới gồm 21 thành viên (không có thành viên nữ), Tổng thống lâm thời Brazil Michel Temer đã kêu gọi sự đoàn kết và thực hiện chiến dịch khôi phục lại “tín nhiệm” của đất nước.

Hôm 12-5 sau khi bà Dilma Rousseff bị Thượng viện bỏ phiếu chấp nhận về việc đình chỉ chức vụ Tổng thống để đối mặt với một phiên luận tội ở cơ quan lập pháp này trong thời gian tới do cáo buộc vi phạm các quy định về kiểm toán ngân sách, Phó Tổng thống Brazil Michel Temer đã chính thức trở thành Tổng thống lâm thời.

Ngay sau đó, ông Michel Temer đã tuyên bố rằng nội các mới cần phải nỗ lực khôi phục lại “tín nhiệm” của đất nước và cho biết, nội các mới của ông sẽ giảm số thành viên xuống còn 22 so với con số 27 Bộ trưởng hiện nay.

Ông Michel Temer đã được bầu làm Tổng thống lâm thời Brazil sau cuộc bỏ phiếu luận tội bà Dilma Rousseff.  Ảnh: Archivo.

Điểm đặc biệt là nội các này không có thành viên nữ. Chưa hết, Tổng thống lâm thời còn cho biết, ưu tiên hàng đầu của ông là phục hồi nền kinh tế lớn nhất châu Mỹ Latinh, cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tư nhân và tái cân bằng ngân sách của Chính phủ. Cựu Chủ tịch Ngân hàng trung ương giai đoạn 2003-2019 đã được bổ nhiệm ngay làm Bộ trưởng Kinh tế.

Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, hướng đi mà Tổng thống lâm thời Brazil lựa chọn hiện nay là khá phù hợp bởi nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự sụp đổ của mô hình chính phủ cánh tả Brazil vốn được tán dương như “làn gió mới” ở Mỹ Latinh cũng bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Trong 2 năm qua, kinh tế Brazil liên tục suy thoái.

Năm ngoái, GDP giảm tới -3,8%. Cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn. Thất nghiệp cùng các tệ nạn xã hội gia tăng. Ngoài ra, ông Michel Temer cũng hứa hẹn sẽ tăng cường chống tham nhũng, ủng hộ điều tra sâu rộng vụ bê bối của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras. Đây chính là hai ngòi nổ khiến “quả bom kinh tế yếu kém” cùng những đấu đá quyền lực trên chính trường và sự bực tức của người dân tạo nên cuộc khủng hoảng toàn diện trên chính trường Brazil, kéo theo quyết định luận tội bà Dilma Rousseff.

Theo tin từ hãng BBC, cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Brazil được coi là trang tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia này. Ông Michel Temer sẽ tạm thời lên thế bà Dilma Rousseff trong thời gian diễn ra phiên tòa luận tội. Là người thuộc phe trung hữu, ông Michel Temer trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí có cho biết sẽ tiếp tục đối thoại với phe cánh tả của bà Dilma Rousseff và cam kết duy trì thực hiện chương trình xã hội mà nữ Tổng thống đã thực hiện giúp đưa hàng chục triệu người ra khỏi đói nghèo.

Mặc dầu vậy, giới quan sát vẫn cho rằng, ông Michel Temer cần phải mềm mỏng hơn nữa trong vấn đề bà Dilma Rousseff. Nói thế là bởi lẽ, cho đến nay, cộng đồng quốc tế phản ứng khá thận trọng với sự thay đổi lãnh đạo ở Brazil. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã kêu gọi các chính trị gia Brazil bình tĩnh và đối thoại, tin tưởng chính phủ mới sẽ tôn trọng tiến trình dân chủ của Brazil.

Mỹ cho biết vẫn tự tin Brazil đủ mạnh để vượt qua giai đoạn hỗn loạn chính trị này. Còn các nước khu vực này công khai phản ứng mạnh với việc bà Dilma Rousseff bị ngưng chức và phải hầu tòa luận tội. Venezuela “thẳng thừng phản đối” cuộc đảo chính này. Cuba “tuyệt đối đoàn kết” với bà Dilma Rousseff.

Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega lên án cái ông gọi là “sự quái dị về luật pháp và chính trị”… Bản thân Tổng thống vừa bị đình chỉ của Brazil cũng tuyên bố, cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện không chỉ nhằm lật đổ bà mà còn đi ngược lại ý chí của cử tri.

Theo bà Dilma Rousseff, bà là nạn nhân của sự bất công và những gì đang diễn ra sẽ là nguyên nhân của một cuộc khủng hoảng chính trị sâu rộng. Đồng thời, Tổng thống vừa bị đình chỉ này cũng kêu gọi người dân chống lại cuộc đảo chính.

Nhiều tờ báo lớn ở Mỹ như Washingtonpost đã có các bài viết phân tích khá cụ thể về tình hình ở Brazil hiện nay. Một số tờ báo khác thì cảnh báo, việc loại bỏ bà Dilma Rousseff ở Brazil bằng một cuộc bỏ phiếu có thể gây ra “hiệu ứng domino” trên khắp Mỹ Latinh và điều này thì không một quốc gia nào muốn xảy ra.

Gia Nam
.
.
.