Bị Hạ viện bỏ phiếu luận tội, Tổng thống Brazil đứng trước nguy cơ bị phế truất

Thứ Ba, 19/04/2016, 08:05
Sáng 18-4 (giờ Việt Nam), sau ba ngày tranh luận căng thẳng, Hạ viện Brazil đã bỏ phiếu, nhất trí thông qua quyết định sẽ đưa đương kim Tổng thống nước này Dilma Rousseff ra phiên tòa luận tội vì những cáo buộc có khuất tất liên quan tới công quỹ.


Đảng Lao động (PT) cầm quyền Brazil đã thừa nhận thất bại này và cho rằng, việc luận tội bà Rousseff tương đương một “cuộc đảo chính”. Cuộc khủng hoảng chính trị này được coi là “một trang tồi tệ nhất” trong lịch sử Brazil.

Trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, phe đối lập đã giành đủ 367 số phiếu ủng hộ, vượt qua 2/3 số Hạ nghị sỹ cần thiết để đưa việc luận tội Tổng thống Rousseff lên Thượng viện xem xét. Việc bỏ phiếu tại Thượng viện dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 5. Nếu 41 trên tổng số 81 nghị sĩ tại Thượng viện tán thành, bà Rousseff sẽ bị tạm đình chỉ giữ cương vị Tổng thống trong vòng 180 ngày, nhường chỗ cho Phó Tổng thống Michel Temer, một chính trị gia kiêm học giả luật hiến pháp. 

Trước đó, trong một động thái được đánh giá là “tấn công đến cùng”, Tòa án Tối cao Brazil đã bác nỗ lực cuối cùng của chính phủ đòi ngừng tiến trình luận tội Tổng thống Rousseff - vụ việc mà luật sư của chính phủ Brazil gọi là “lập dị” và tước mất quyền tự vệ chính đáng của bà Rousseff.

Bầu không khí tại cuộc bỏ phiếu có lúc trở nên căng thẳng đến nỗi đã xảy ra ẩu đả.

Nhận xét về cuộc bỏ phiếu, Phó Chủ tịch đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) Bruno Araujo gọi đây là thắng lợi cho nền dân chủ: “Đây là chiến thắng lịch sử của chúng ta trong cuộc đấu tranh tự do và dân chủ. Điều này sẽ giúp mang lại tương lai cho đất nước của chúng ta”. 

Các chuyên gia phân tích chính trị nhận định rằng, nhiều khả năng Thượng viện sẽ nhất trí thông qua việc bà Rousseff phải tạm từ chức. Giám đốc Viện Brazil thuộc Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson, ông Paulo Sotero cho biết: “Các chính trị gia rất giỏi lắng nghe dư luận xã hội và họ có thể cảm nhận thấy rõ là người dân muốn bà Rousseff ra đi”. 

Trong khi đó, lãnh đạo PT tại Hạ viện Brazil Jose Guimaraes nhấn mạnh, đảng cầm quyền giờ sẽ phải tập trung vào việc ngăn chặn bước đi nhằm phế truất Tổng thống Rousseff tại Thượng viện. 

Về phần mình, Tổng thống Rousseff cùng phe ủng hộ tuyên bố việc làm của phe đối lập là hành động đảo chính và khẳng định lịch sử sẽ kết tội những ai gây ra cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Brazil. 

Bà nhấn mạnh: “Để đạt được mục tiêu của mình, họ sẵn sàng vi phạm dân chủ và tiêu diệt hiến pháp, kích động lòng hận thù và bạo lực. Họ sẵn sàng làm xấu mặt Brazil trước cộng đồng quốc tế”. 

Tổng thống Rousseff khẳng định những cáo buộc chống lại bà không có cơ sở pháp lý, đồng thời cho rằng mình vô tội. Theo bà Rousseff, những gì đang diễn ra đe dọa những thành quả xã hội đã đạt được trong những năm gần đây cũng như những quyền cơ bản của người dân Brazil. 

Bà cũng tố cáo những người thúc đẩy việc phế truất Tổng thống âm mưu mở cửa cho các tập đoàn đa quốc gia vào khai thác nguồn tài nguyên dồi dào của đất nước, làm phương hại đến chủ quyền quốc gia.

Cuộc chiến luận tội Tổng thống Rousseff diễn ra trong bối cảnh Brazil đang trong cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ thập kỷ 1930. Hơn 200 triệu người dân Brazil lâm vào tình huống bị chia rẽ sâu sắc và nghiêm trọng nhất kể từ sau khi nước này chấm dứt chế độ độc tài năm 1985. 

Bà Rousseff bị cáo buộc chỉnh sửa bảng quyết toán của chính quyền để che giấu tình trạng thâm hụt ngân sách trong năm bầu cử. Bà Rousseff biện hộ rằng việc chỉnh sửa này là phổ biến dưới thời các chính quyền tiền nhiệm và không thể bị coi là hành vi có thể bị đem ra luận tội. 

Nếu bà Rousseff bị phế truất và ông Temer lên làm Tổng thống thì rất có khả năng chính phủ mới sẽ mất ổn định và Brazil sẽ trải qua hàng tháng dài bất ổn. Tuy nhiên, ông Temer cũng đang phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng. Nếu Hạ viện Brazil tiếp tục không ủng hộ Phó Tổng thống, người đứng đầu của Hạ viện Eduardo Cunha sẽ đảm nhiệm vị trí này. 

Bên cạnh đó, dù có bị mất uy tín phần nào vì tỉ lệ thất nghiệp tăng nhưng đảng PT của Tổng thống Rousseff vẫn nhận được sự ủng hộ của hàng triệu người thuộc tầng lớp bình dân. 10 năm qua họ đã được lợi rất nhiều từ các chương trình phúc lợi của chính phủ. 

Một số chính trị gia Brazil đang kêu gọi 1 cuộc bầu cử sớm nếu bà Rousseff bị luận tội. Tuy nhiên, điều này sẽ vi phạm luật pháp và Hiến pháp Brazil. Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Brazil được coi là “một trang tồi tệ nhất” trong lịch sử đất nước Nam Mỹ này.

Khổng Hà
.
.
.