Cú “ghi điểm” quan trọng của Tổng thống Mỹ

Chủ Nhật, 13/09/2020, 07:17
Dưới sự “chủ trì” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bahrain hôm 11/9 đã nhất trí bình thường hóa quan hệ với Israel, trở thành quốc gia vùng Vịnh thứ hai và là quốc gia Arab thứ 4 đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel. Đây được xem là một trong những thành tựu ngoại giao ghi điểm cho Tổng thống Donald Trump trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ sắp đến gần.


Điều mà chưa Tổng thống Mỹ nào làm được

Ghi điểm với cử tri là mục tiêu mà 2 ứng cử viên cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay đang hướng tới. So với ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump được xem là có lợi thế hơn khi có thể thực hiện ngay các quyết sách mà không phải chờ đến sau bầu cử mới có thể thực hiện.

Hiểu rõ lợi thế này, người đứng đầu Nhà Trắng đã quyết định hành động ngay. Chỉ trong vòng 2 tháng qua, ông đã ghi điểm với 3 thành tựu được xem là nổi bật, trong đó có 1 thành tựu đối nội và 2 thành tựu đối ngoại. Trong lĩnh vực đối nội, nhằm xóa bớt sự lo ngại của dư luận trong bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 ở Mỹ vẫn được xếp cao nhất thế giới và việc chính quyền Mỹ đối mặt với không ít sự chỉ trích về cách xử lý đại dịch, ông chủ Nhà Trắng đã quyết định đẩy nhanh tiến trình cấp phép vaccine ngừa COVID-19.

Trong lĩnh vực đối ngoại, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, Tổng thống Mỹ đã tạo được một dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực ngoại giao khi đưa Israel và thế giới Arab xích lại gần nhau hơn.

Tổng thống Donald Trump.

Dưới sự “điều đình” của Tổng thống Mỹ, sau Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain là quốc gia Arab tiếp theo đã nhất trí bình thường hóa quan hệ với Israel. Đây được xem “kỳ tích” trong lịch sử ngành Ngoại giao Mỹ. Bởi trước ông Donald Trump chưa có Tổng thống Mỹ nào có thể xóa bỏ được “hiềm khích” giữa Israel và thế giới Arab.

Đánh giá về nỗ lực ngoại giao này của ông Donald Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ca ngợi thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Bahrain đánh dấu “một kỷ nguyên mới của hòa bình”.

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đã mất 26 năm mới có được thỏa thuận hòa bình với các quốc gia Arab chuyển từ thỏa thuận thứ 2 sang thỏa thuận thứ 3. Nhưng giờ chúng ta chỉ mất 29 ngày để chuyển từ thỏa thuận hòa bình thứ 3 sang thứ 4. Đây thật sự là một sự thay đổi lớn. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn tới Quốc vương Bahrain vì đã tham gia “vòng tròn hòa bình”.

Tôi cũng gửi lời cảm ơn tới Thái tử Bin Zayed của UAE vì đã hợp tác với chúng tôi. Tôi đặc biệt gửi lời cảm ơn tới nước Mỹ và Tổng thống Donald Trump - người đã  giúp chúng tôi mở rộng vòng tròn hòa bình này”.

Thứ trưởng Israel cũng bày tỏ thêm rằng: “Tôi rất mong đợi cuộc gặp với Mỹ, UAE và Bahrain trong thời khắc lịch sử hòa bình trọng đại vào ngày 15/9 tới tại Thủ đô Washington”.

Theo kế hoạch, lễ ký thỏa thuận lịch sử bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE sẽ diễn ra tại Nhà Trắng ngày 15/9 dưới sự chứng kiến của Tổng thống Donald Trump. Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed al-Nahyan sẽ cùng ký thỏa thuận này.

Từ nay đến cuộc bầu cử Mỹ chỉ còn gần 2 tháng nữa, thời gian không còn nhiều. Nhiệm vụ đặt ra với Tổng thống Donald Trump hiện nay là phải tìm cách thuyết phục cử tri Mỹ, nhất là bộ phận đang có quan điểm tiêu cực về nhà lãnh đạo Mỹ, tiếp tục bỏ phiếu cho ông thêm một nhiệm kỳ nữa. Những thành tựu nổi bật cả về đối nội và đối ngoại trên được xem là “cú lội ngược dòng” của Tổng thống Donald Trump tại thời điểm ông đang dường như “tụt lùi” so với ứng cử viên Joe Biden ở các cuộc thăm dò dư luận Mỹ gần đây.

Những phản ứng trái chiều

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11-9 thông báo Bahrain đã đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel, UAE đã lên tiếng chúc mừng Bahrain và Israel về quyết định này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao UAE Hend al-Otaiba cho rằng động thái này sẽ góp phần thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng tại khu vực. Đánh giá cao “bước đi quan trọng” của Israel và Bahrain, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi nhận định rằng thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Bahrain sẽ giúp thiết lập “ổn định và hòa bình tại Trung Đông, hướng tới đạt được một giải pháp công bằng và lâu dài cho vấn đề Palestine”.

Tổng thống Donald Trump thì đánh giá thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Bahrain và Israel là “một bước đột phá lịch sử”. Còn Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner - đồng thời là con rể của Tổng thống Donald Trump - cho biết thỏa thuận trên là “đỉnh điểm của 4 năm nỗ lực tuyệt vời”.

Tuyên bố chung do lãnh đạo 3 nước Mỹ, Bahrain và Israel đưa ra cũng nhấn mạnh động thái này là “một bước đột phá lịch sử tiến tới hòa bình hơn nữa tại Trung Đông”. Về phần mình, Quốc vương Bahrain Al Khalifa tái khẳng định cần phải đạt được hòa bình lâu dài và công bằng giữa Israel và Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước.

Trong khi đó, Chính quyền Palestine (PA) và phong trào Hồi giáo Hamas lên án thỏa thuận giữa Israel-Bahrain, coi đó là một “đòn đâm sau lưng" của một nhà nước Arab “đối với sự nghiệp chính nghĩa của Palestine” và là một hành động chống lại người Palestine, giống như thỏa thuận giữa UAE và Israel tháng trước.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng ra tuyên bố chỉ trích quyết định của Bahrain bình thường hóa quan hệ với Israel, cho rằng hành động này “là một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực bảo vệ chính nghĩa của người Palestine”. Tuyên bố cho rằng động thái trên “sẽ cổ súy Israel tiếp tục thực hiện các hành vi bất hợp pháp đối với Palestine, cũng như thúc đẩy nước này chiếm đóng vĩnh viễn các vùng đất của người Palestine”.

Ông Hossein Amir-Abdollahian - Cố vấn đặc biệt về các vấn đề quốc tế của Chủ tịch Quốc hội Iran - cũng chỉ trích thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Bahrain là “sự phản bội lớn đối với sự nghiệp chính nghĩa của người Palestine và Hồi giáo”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.