Con đường của Venezuela là đối thoại dựa trên Hiến pháp, hòa bình và dân chủ

Thứ Sáu, 31/05/2019, 07:52
Đó là nhấn mạnh của Tổng thống Nicolas Maduro đưa ra không lâu sau cuộc cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa đại diện Chính phủ Venezuela và phe đối lập tại Oslo dưới sự bảo trợ của Norway kết thúc mà không đạt thỏa thuận nào. Ông đồng thời khẳng định ủng hộ tiến trình đàm phán và bày tỏ tin tưởng vào tiến trình này.


Bước ngoặt lớn

Phát biểu trên truyền hình hôm 29-5 (giờ địa phương), Tổng thống Nicolas Maduro cho biết, chính phủ và phe đối lập đã tiến hành nhiều cuộc đối thoại bí mật và thận trọng trong nhiều tháng để có thể tiến tới vòng đàm phán tại Oslo, và đây là điều cần thiết. Ông bày tỏ tự hào về các cuộc đàm phán mang tính xây dựng với phe đối lập tại Oslo.

Trong khi đó, thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido, người tự xưng là “Tổng thống lâm thời Venezuela”, nhấn mạnh sẵn sàng tiếp tục các cuộc đàm phán với chính phủ Venezuela dưới sự bảo trợ của Norway. Ông cũng cảm ơn đóng góp của chính phủ quốc gia Bắc Âu này trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Venezuela.

Tổng thống Nicolas Maduro và lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido.   Ảnh: Bloomberg

Trước đó, cùng ngày, ông Juan Guaido cho biết cuộc gặp giữa đại diện hai bên tại Oslo dưới sự trung gian của Norway đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào liên quan tới các biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội hiện nay tại Venezuela.

Song ông vẫn khẳng định giải pháp tối ưu nhất đối với nước này cần phải dựa trên việc khôi phục trật tự hiến pháp, giúp người dân Venezuela có thể tự quyết định tương lai của mình thông qua bầu cử tự do, có sự giám sát và kiểm tra chặt chẽ, minh bạch. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao nước chủ nhà, các bên đã bày tỏ thiện chí tiếp tục tìm kiếm giải pháp đã thỏa thuận trên cơ sở hiến pháp, kể cả các vấn đề chính trị, kinh tế và bầu cử.

Tuy nhiên, hiện không có nhiều thông tin được tiết lộ về vòng đàm phán thứ hai nhưng lại là cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa đại diện của chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro với đại diện phe đối lập của ông Juan Guiado. Trước đó, hồi tuần trước, hai bên đã tiến hành vòng đàm phán đầu tiên nhưng chỉ thảo luận gián tiếp thông qua đại diện của nước trung gian hòa giải Norway và theo kết quả thông báo từ Tổng thống Nicolas Maduro, hai bên đã có một khởi đầu tốt đẹp.

“Các cuộc đối thoại đã diễn ra và chúng tôi cảm ơn những nỗ lực của Na Uy ủng hộ cho nỗ lực hòa bình này. Tôi tin tưởng vào đối thoại và tin tưởng vào hòa bình. Thông tin lạc quan đó là các cuộc đối thoại hướng đến một thỏa thuận hòa bình đã đạt được bước tiến”, Tổng thống đương nhiệm Venezuela cho biết.

Việc ngồi xuống bàn đối thoại sau một thời gian dài từ chối là một bước ngoặt lớn với phe đối lập Venezuela. Lực lượng do lãnh đạo đối lập Joan Guaido lãnh đạo chỉ trong một thời gian ngắn đã thu hút sự ủng hộ quốc tế rộng rãi, gia tăng sức ép lớn lên chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ cùng các cuộc biểu tình đường phố.

Tuy nhiên, những diễn biến tại Venezuela vừa qua cho thấy không ai có thể thắng thế trong cuộc đấu tranh giành quyền lực và đối thoại là lựa chọn duy nhất hiện nay. Sự suy yếu đã buộc lãnh đạo đối lập phải nhượng bộ, xem xét ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ.

Không chỉ có sự thay đổi từ phe đối lập Venezuela mà quốc tế dường như cũng có chuyển hướng tiếp cận đối với cuộc khủng hoảng này. Một số quốc gia vốn ủng hộ lãnh đạo đối lập Juan Guaido bắt đầu để ngỏ các cách tiếp cận khác để chấm dứt tình trạng tê liệt chính trị ở Venezuela, so với yêu cầu duy nhất đưa ra cách đây 4 tháng là Tổng thống Maduro phải từ chức.

Đích đến còn nhiều chông gai

Mặc dù chính phủ và phe đối lập tại Venezuela đã có những bước khởi đầu tốt đẹp, nhưng rõ ràng sự khác biệt giữa hai bên vẫn còn tồn tại, phủ bóng lên hi vọng về một giải pháp sớm cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Nam Mỹ này. Hai bên gần đây cũng bất đồng trong đề xuất tổ chức bầu cử quốc hội trước thời hạn.

Điều đáng lo ngại hơn nữa đó là sự can thiệp của các quốc gia bên ngoài có thể ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán đang diễn ra. Dầu mỏ, vấn đề người di cư, sự gần gũi về mặt địa lý là những lý do các chuyên gia đưa ra khi trả lời câu hỏi tại sao phương Tây, đặc biệt là Mỹ, lại quá lo ngại về số phận chính trị ở Venezuela.

Về dầu mỏ, Venenzuela hiện là quốc gia có trữ lượng “vàng đen” lớn nhất trên thế giới, ước tính hơn 300 tỷ thùng. Tuy nhiên, sản lượng khai thác dầu của Venezuela đang sụt giảm do nước này thiếu các giàn khoan dầu có thể sử dụng được.

Liên quan tới vấn đề người di cư, cuộc khủng hoảng kinh tế ở Venezuela, xảy ra từ thời cựu Tổng thống Hugo Chavez và tiếp tục kéo dài dưới thời ông Nicolas Maduro, đã khiến hơn 2,7 triệu người Venezuela rời bỏ đất nước. Chính phủ Venezuela đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp năm 2016 sau khi lạm phát lên tới 800%.

Năm 2018, lạm phát tại quốc gia này đã lên tới 80.000%, dẫn tới tình trạng người dân phải rời bỏ nhà cửa để di cư lớn nhất trong lịch sử Mỹ Latinh. Năm 2016, khoảng 290.000 người di cư Venezuela đã tới Mỹ định cư và tại Canada là xấp xỉ 21.000 người.

Những nước phải tiếp nhận dòng người nhập cư Venezuela lớn nhất là Colombia với 1,1 triệu người, Peru với 506.000 người và các quốc gia Nam Mỹ khác phải tiếp nhận từ 1.000 tới 290.000 người. Tuy nhiên, Hội đồng quan hệ đối ngoại cho biết khoảng 20% số người di cư tới Nam Mỹ, sau đó sẽ chuyển tới Bắc Mỹ và Nam Âu.

Lý do cuối cùng mà các chuyên gia đưa ra để giải thích việc phương Tây quan tâm tới cuộc khủng hoảng ở Venezuela đó là nước này gần gũi về mặt địa lý hơn so với các cuộc xung đột khác đang xảy ra trên khắp thế giới.

John Perkins, một chuyên gia kinh tế và là một nhà diễn thuyết, giải thích: “Venezuela từng là vấn đề ít được ưu tiên, nhưng đã bất ngờ trở thành vấn đề được ưu tiên, mọi người đang quan tâm tới điều này và giới truyền thông đã “chộp” lấy điều đó”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.