Châu Âu thờ ơ trước lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga

Thứ Tư, 18/04/2018, 09:58
Liên minh châu Âu (EU) có vẻ sẽ không ủng hộ Mỹ trong việc áp đặt lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga sau cáo buộc xảy ra vụ tấn công bằng khí độc hóa học tại Syria.

Thông tin này được báo chí ở châu Âu đăng tải ngày 17-4, sau khi các Ngoại trưởng EU kết thúc phiên họp khẩn tại Luxembourg để bàn về tình hình căng thẳng ở Syria, cuộc không kích của liên quân Mỹ, Anh, Pháp nhằm vào các mục tiêu tại thủ đô Damascus. 

Trả lời các phóng viên, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson nói: "Điều quan trọng của cuộc không kích là nhằm thay đổi những gì đang diễn ra ở Syria. Nhưng tôi cũng lo ngại rằng cuộc chiến ở Syria sẽ còn phức tạp và rắc rối hơn nhiều. Thế giới đang nói rằng chúng ta đã chán ngấy việc sử dụng vũ khí hóa học". 

Hãng tin Telegraph thì cho hay, dù có những quan điểm khác nhau về việc tìm giải pháp đối với vấn đề Syria sau cuộc không kích của Mỹ, Anh, Pháp và những cáo buộc các lực lượng của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng khí độc hóa học nhằm vào dân thường tại Douma hôm 7-4, 28 Ngoại trưởng EU vẫn nhất trí đưa ra một bản tuyên bố chung trong đó nhấn mạnh rằng, EU sẽ tiếp tục thực hiện các lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Syria và ủng hộ "tất cả những nỗ lực nhằm ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học". 

Theo đó, EU lên án việc sử dụng vũ khí hóa học, bao gồm sử dụng bất kỳ chất hóa học độc hại nào với bất cứ ai, ở bất cứ đâu và trong bất kỳ trường hợp nào. 

EU nhấn mạnh, việc sử dụng vũ khí hóa học là không thể chấp nhận được, là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, bị xếp vào hành vi tội phạm chiến tranh hoặc tội ác chống lại nhân loại và phải bị trừng phạt. 

Kêu gọi tiến hành điều tra khẩn cấp một cách độc lập đối với các báo cáo mới đây về Syria, EU còn cho rằng, chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công bằng khí độc hóa học hôm 7-4. 

EU sẽ thực hiện lệnh trừng phạt nhằm vào Syria vì vấn đề này trong đó có việc cấm đi lại mới và đóng băng tài sản của một số cá nhân và thực thể Syria có liên quan đến cáo buộc nói trên. Tuy nhiên, tuyên bố của EU cũng thể hiện rằng, ít có khả năng EU mở rộng hành động quân sự nữa với Syria.

Các Ngoại trưởng EU đã nhóm họp căng thẳng hôm 16-4.

Đáng chú ý, trong tuyên bố của mình, các Ngoại trưởng EU cũng đưa ra những lời chỉ trích gay gắt đối với Nga: "EU lấy làm tiếc về cuộc tấn công của chính quyền Syria có sự hỗ trợ của Nga đã dẫn tới sự tàn phá ở khu vực miền Đông Ghouta và kêu gọi chấm dứt ngay các cuộc tấn công này". 

Song khác với Mỹ, EU không đưa ra một tuyên bố nào về ý định sẽ áp dụng bất kỳ lệnh trừng phạt nào hơn nữa đối với Nga và kêu gọi Nga-Iran nên sử dụng ảnh hưởng của mình đối với chính quyền Syria để ngăn chặn Damascus sử dụng vũ khí hóa học hơn nữa. 

Riêng Đức thì kêu gọi EU thống nhất hành động đối với Nga với mục tiêu giảm căng thẳng. Trong một bài báo trên tờ Die Welt, Bộ trưởng châu Âu của Đức Michael Roth còn cho rằng, vẫn nên duy trì các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga hiện nay nhưng là nhằm mục đích đưa Nga đến bàn đàm phán chứ không phải để đẩy thêm thù hận. 

Trên thực tế, mối quan hệ "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" giữa Nga và EU tiếp tục lao dốc sau cuộc không kích của Mỹ, Anh, Pháp nhằm vào Syria. 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khi nói chuyện với phóng viên hãng thông tấn BBC của Anh còn nhấn mạnh, mối quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây hiện nay xấu hơn trong thời gian chiến tranh lạnh bởi trước đây có các kênh tiếp xúc giữa các bên và không có nỗi ám ảnh bài Nga, còn ngày nay thì giống như "một nỗ lực diệt chủng thông qua các hình thức trừng phạt". 

Đồng thời, ông Sergei Lavrov cũng bác bỏ các cáo buộc do Đặc phái viên Mỹ đưa ra với Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) rằng Nga có thể can thiệp vào địa điểm bị tình nghi xảy ra vụ tấn công vũ khí hóa học ở Douma, Syria. 

Trong một diễn biến khác, OPCW cho hay, nhóm thanh sát viên của họ sẽ tới thị trấn Douma vào ngày 18-4, tức một ngày sau khi nhân viên an ninh Liên Hợp Quốc (LHQ) thực hiện chuyến đi tiềm trạm trên con đường từ Damascus tới Douma.

Giới quan sát nhận định, các hoạt động của OPCW và tuyên bố từ EU, Nga sẽ đóng vai trò nền tảng cho hội nghị về tương lai Syria và khu vực do EU và LHQ tổ chức, dự kiến diễn ra trong 2 ngày, vào hạ tuần tháng 4 tại thủ đô Brussels của Bỉ. 

Hiện nhiều quốc gia EU đều bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok là "thúc đẩy để đạt được một lệnh ngừng bắn và viện trợ nhân đạo và cuối cùng là một tiến trình hòa bình thông qua Hội đồng Bảo an LHQ". 

Áo thậm chí còn tuyên bố sẵn sàng đăng cai tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình cho Syria do LHQ dẫn đầu và các cuộc đàm phán song phương di động có thể được tổ chức tại nhiều thành phố của cả Nga và các nước EU.

Gia Nam
.
.
.