Các bên xúc tiến thực hiện thỏa thuận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ
- Mỹ dự định điều quân đến Syria để bảo vệ các mỏ dầu khỏi tay IS
- Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chấm dứt chiến dịch quân sự ở Syria
Trong thông báo của mình, Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: “Khoảng 300 quân cảnh từ một đơn vị đồn trú tại Cộng hòa Chechnya đã tới Cộng hòa Arab Syria để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt”. Theo thông báo, các quân cảnh “sẽ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ trợ giúp đảm bảo sự an toàn của người dân, duy trì luật pháp và trật tự, tuần tra các khu vực được chỉ định, cũng như trợ giúp Các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) cùng vũ khí của họ lui về khu vực cách biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ 30km”.
Trong khi đó, một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga hôm 24-10 cho biết, với những nhiệm vụ mới, 276 quân cảnh và 33 thiết bị quân sự sẽ được triển khai bổ sung tới Syria. Cũng trong ngày 25-10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thông báo Ankara đã nhất trí với Moscow về việc lập một khu vực giám sát ở vùng Tây Bắc tỉnh Manbij của Syria để bảo vệ khu vực này.
Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan họp báo chung sau cuộc gặp tại Sochi (Nga) ngày 22-10. |
Ông nêu rõ: “Chúng tôi đã yêu cầu một khu vực rộng 5x19km ở Tây Bắc tỉnh Manbij để bảo vệ khu vực này. Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận với Nga về vấn đề này”.
Theo thỏa thuận đạt được ngày 22-10, Syria và Nga sẽ tiến hành tuần tra chung ở các khu vực biên giới phía Bắc Syria, đồng thời các lực lượng người Kurd rút khỏi các khu vực biên giới và lùi sâu 30km về phía lãnh thổ Syria, đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập “vùng an toàn” ở biên giới. Thỏa thuận này đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Coi đây là một thành công lớn, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, việc kết thúc chiến dịch quân sự và thực hiện lệnh ngừng bắn là một thành công lớn tại khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều này đã giúp thiết lập vùng an toàn tại đây, cũng như đảm bảo việc giam giữ các tay súng của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trong một phản ứng khác, Bộ Ngoại giao Iran đã hoan nghênh thỏa thuận về việc chấm dứt xung đột ở miền Bắc Syria mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mới đạt được và coi thỏa thuận này là một bước tích cực để khôi phục sự ổn định và hòa bình cho khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho biết, Iran hoan nghênh bất kỳ biện pháp nào nhằm tôn vinh sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Syria và hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ giải quyết các mối quan ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Syria.
Tổng thống Syria Bashar al-Asad cũng bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với thỏa thuận trên, đồng thời cho biết lực lượng bảo vệ biên giới của Syria đã sẵn sàng triển khai ở biên giới để phối hợp với lực lượng quân cảnh của Nga. Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nhiệm vụ chính là khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ Syria và tiếp tục các nỗ lực chung để tìm ra giải pháp chính trị cho tình hình hiện nay, bao gồm cả các công việc trong khuôn khổ Ủy ban hiến pháp.
Tổng thống Tayyip Erdogan cũng đã hoan nghênh thỏa thuận này có ý nghĩa “lịch sử”. Ông cho biết quân đội Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành tuần tra chung trong khu vực 10km ở biên giới bên phía lãnh thổ miền Bắc Syria. Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang người Kurd cũng sẽ rút khỏi các thị trấn Manbij và Tel Rifaat.
Trong một diễn biến liên quan, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 24-10, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Kramp-Karrenbauer đã đưa ra đề xuất về việc tạo ra một khu vực an ninh quốc tế ở miền Bắc Syria và cho rằng một khu vực như vậy nên được thiết lập dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ). Theo bà Kramp-Karrenbauer, chỉ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không thể kiểm soát phía bắc Syria và Liên minh châu Âu (EU) có nghĩa vụ đạo đức tham gia vào.
Một khu vực an ninh được quốc tế ủng hộ sẽ giúp giảm giao tranh tại phía Bắc Syria, cho phép tập trung vào cuộc chiến chống IS và người Kurd đi sơ tán có thể trở về. Rất ít chi tiết của kế hoạch được công bố và chưa rõ đề xuất này sẽ “chồng lấn” thế nào với khu vực an toàn của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng kế hoạch của Đức bước đầu đã nhận được sự hoan nghênh thận trọng của các bên liên quan.
Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg hôm qua cho biết ủng hộ đề xuất mang lại hòa bình cho khu vực phía Bắc Syria nhưng cần sự thông qua của LHQ: “Không có lời kêu gọi cụ thể cho một phái bộ NATO, do đó tôi nghĩ rằng đề xuất của Đức cần một quyết định ủng hộ của LHQ. Tôi nghĩ đề xuất này cần thảo luận thêm chi tiết trước khi bất cứ quyết định nào được đưa ra”.
Mỹ chưa rõ chi tiết kế hoạch của Đức nhưng cũng tuyên bố sẵn sàng ủng hộ. Tuy nhiên các quan chức Mỹ cho biết không có ý định đóng góp lực lượng cho phái bộ quốc tế này. Còn về phía Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các cuộc đối thoại cần tiếp tục nhưng sẵn sàng xem xét đề xuất.
Dự kiến Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ thảo luận các biện pháp phối hợp để tìm kiếm một giải pháp cho Syria với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Pháp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại London ngày 4-12 tới.