Biển Đông nóng từ Shangri-La tới S&ED

Thứ Ba, 07/06/2016, 08:21
Căng thẳng ở Biển Đông đã ảnh hưởng lớn đến lễ khai mạc cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung (S&ED) lần thứ 8, diễn ra vào sáng 6-6 tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. 


Quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã leo thang căng thẳng thời gian gần đây liên quan tới tình hình tại Biển Đông, đặc biệt sau khi có thông tin rằng, Trung Quốc có thể thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên vùng biển này.

Phát biểu tại Đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi nỗ lực chung nhằm tìm một giải pháp ngoại giao cho tình hình căng thẳng leo thang tại Biển Đông, đồng thời cảnh báo, không thể giải quyết những tranh chấp trên vùng biển này bằng hành động đơn phương mà phải thông qua đàm phán và con đường ngoại giao, dựa trên luật pháp quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tranh chấp ở Biển Đông và phản đối bất kỳ nước nào đơn phương hành động để giải quyết vấn đề này”. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề này một cách hòa bình. Đáp lại, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh muốn giải quyết những tranh chấp giữa các nước có liên quan và yêu cầu Mỹ “tránh xa” việc này.

Trước đó, trong phát biểu khai mạc S&ED, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, Bắc Kinh và Washington nên giải quyết thích đáng các vấn đề “nhạy cảm” và những bất đồng trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cải tạo phi pháp một bãi đá thành đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ảnh: AP.

Chủ tịch Tập Cận Bình nói: “Việc có bất đồng không có gì đáng sợ. Điều quan trọng là không sử dụng bất đồng như một cái cớ cho sự đối đầu. Một số bất đồng có thể không được giải quyết trong thời gian ngắn. Hai bên cần hiểu nhau và quản lý bất đồng một cách thực tế và mang tính xây dựng”.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh hai nước có chung các lợi ích ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nên phải tăng cường tin tưởng lẫn nhau, tăng cường liên lạc, hợp tác trong các vấn đề của khu vực.

Những phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh tờ South China Morning Post (SCMP - Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng) của Hong Kong (Trung Quốc) tuần trước đưa tin Trung Quốc có thể thiết lập một Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Trước thông tin trên, Trung Quốc vẫn chưa khẳng định cũng chẳng phủ định việc nước này có kế hoạch thiết lập ADIZ trên Biển Đông, cho rằng, một quyết định sẽ được đưa ra căn cứ vào mức độ đe dọa và rằng, nước này có mọi quyền hành thiết lập ADIZ.

Liên quan tới vấn đề này, phát biểu ngày 6-6 trước các nghị sỹ trong phiên họp của Viện Lập pháp Đài Loan (Trung Quốc), tân Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Phùng Thế Khoan tuyên bố hòn đảo này sẽ không công nhận bất cứ ADIZ nào do Trung Quốc tự lập trên Biển Đông: “Chúng ta sẽ không công nhận ADIZ của Trung Quốc”.

Trong khi đó, Cục An ninh Đài Loan thì nhấn mạnh: “Trong tương lai, chúng ta không loại trừ việc Trung Quốc thiết lập một ADIZ. Nếu Trung Quốc hành động để tuyên bố điều này thì có thể dẫn tới một làn sóng căng thẳng mới trong khu vực”. Trước đó, Ngoại trưởng Kerry cũng đã tuyên bố rằng, nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông, Mỹ sẽ coi đó “hành động gây hấn và gây bất ổn”.

Trong một diễn biến liên quan, SCMP ngày 6-6 dẫn lời một cố vấn Quốc phòng của Philippines và nguồn tin thân cận với Hải quân Trung Quốc cho biết, lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã nới lỏng hoạt động ngăn chặn các ngư dân tiếp cận khu vực bãi cạn Scarborough.

Theo đó, tàu cá của Philippines đã có thể trở lại khu vực quanh bãi cạn Scarborough để đánh bắt trong 3 tuần qua mà không gặp phải sự cản trở nào từ phía các tàu Trung Quốc.

Bên cạnh đó là việc Hải quân Philippines giờ đây có thể tiến hành các cuộc tuần tra gần bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) do Manila kiểm soát mà không bị tàu Hải cảnh Trung Quốc quấy nhiễu.

Theo các chuyên gia, động thái thể hiện sự thân thiện bất thường của Trung Quốc dường như là để lấy lòng Tổng thống mới đắc cử của Philippines Rodrigo Duterte. Bắc Kinh đã cố gắng để “hạ bớt tông giọng” với Manila trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay của Hà Lan ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Ông Andrei Chang, nhà sáng lập tạp chí quân sự “Kanwa Asian Defence” (Phòng vệ Hán Hòa), nhận định rằng, Trung Quốc đang thực hiện một cách tiếp cận thận trọng với vấn đề Scarborough, đặc biệt là sau khi Lầu Năm Góc cảnh báo “có thể hành động” nếu Bắc Kinh tiếp tục hoạt động cải tạo đất trong khu vực bãi cạn này.

Ông Chang nói: “Bãi cạn Scarborough rất khác so với những rạn san hô khác ở quần đảo Trường Sa… một phần vì nó rất gần với các căn cứ quân sự của Mỹ tại Philippines”.

Trong khi đó, theo chuyên gia quân sự Lý Kiệt ở Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ duy trì quan hệ thân thiện trước thời điểm nhậm chức Tổng thống của ông Duterte vào cuối tháng này. 

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.